Văn chương “ám chỉ”

(ANTĐ) - Ranh giới giữa sáng tác và hiện thực ở chỗ nào? Đó là câu hỏi đã có từ hàng nghìn năm nay mà chưa ai lý giải thấu đáo, hay nói đúng hơn, chưa có câu trả lời thật chuẩn xác.

 Văn chương “ám chỉ”

(ANTĐ) - Ranh giới giữa sáng tác và hiện thực ở chỗ nào? Đó là câu hỏi đã có từ hàng nghìn năm nay mà chưa ai lý giải thấu đáo, hay nói đúng hơn, chưa có câu trả lời thật chuẩn xác.

Ai là người sáng tác (người viết) đều biết, viết gì thì viết, cũng phải là những gì mình hiểu, mình biết rõ, mình tâm huyết, thì rồi mới có thể cho ra những dòng văn “đọc được”, khiến người đọc khóc cười, ám ảnh...

Thế nhưng, văn chẳng bao giờ là sao chụp. Lại càng không phải sao chụp để nói xấu, hạ bệ cá nhân. Bởi thế, những tác phẩm mà nội dung “ám chỉ” nói xấu cá nhân luôn luôn thấp, chẳng bao giờ đạt được tầm nghệ thuật.

Nhưng ác thay, cùng với sự rộng rãi của xuất bản, ngày càng có nhiều sách “ám chỉ”. Và lại càng quái ác khi có một bộ phận không nhỏ thích loại sách này. Cách đây chưa lâu, dư luận từng sôi lên về cuốn tiểu thuyết “Vết sẹo...” ám chỉ đến mức không khó khăn gì mà không nhận ra chân dung một nhà thơ, nhà quản lý tên tuổi.

Khi dư luận đang xôn xao, dò tìm xem nguyên mẫu và nhân vật giống và khác như thế nào thì trả lời phỏng vấn một tờ báo,  tác giả cuốn tiểu thuyết lại ngang nhiên thừa nhận có “nguyên mẫu đơn vị và cá nhân” trong sách (?!).

Tuy nhiên, đọc từ đầu đến cuối cuốn sách (dày trên 400 trang) này thấy “sượng” và “phô” vì nhân vật bị “hạ” quá lộ liễu, nghệ thuật đâu không thấy chỉ thấy đầy rẫy những câu chuyện kể lể, kèm theo những bình luận sống sượng thay vì tác giả phải tạo dựng được những nét tính cách nhân vật sinh động, phát triển phù hợp với hoàn cảnh. Có những đoạn văn mấy dòng mà nhân vật chính bị…chửi tục tới 4 lần làm cho người đọc thấy rất phản cảm.

Có dịp làm việc với những biên tập viên văn học nhiều nhà xuất bản, tôi được nghe kể nhiều chuyện về những tác phẩm kiểu này. Một tác giả sau khi nghỉ hưu vác bản thảo cuốn “tiểu thuyết” mới viết đến một số NXB. Các biên tập viên NXB dễ dàng nhận ra nội dung viết về các “đồng đội” ở cơ quan cũ, ngành cũ của tác giả nọ mà hiện lên rặt những điều xấu xa…

Văn chương không phải là bài báo. Tiểu thuyết cũng không phải là tự truyện. Đúng, tác giả có quyền hư cấu, thực tế, nhiều văn tài cũng đã thành công khi xây dựng những nhân vật điển hình, lấy nguyên mẫu từ cuộc sống như: Nam Cao, Lỗ Tấn…

Nhưng có điều khác nhau cơ bản ở chỗ giữa những văn tài và những người viết chỉ để hạ nhục đối phương là: động cơ khi viết và tài năng. Với người có tài, có tâm, chê đấy nhưng mà chê để tỉnh ra, chê để cảnh báo xã hội, còn ngược lại, chê chỉ là hành vi cá nhân, thậm chí vu cáo, bôi đen và mục đích để thỏa mãn cái tôi của họ.

Điều đáng lo là khá nhiều người thích lối viết như vậy. Họ thích vì thỏa mãn cái tò mò, mà sâu hơn là thỏa mãn cái thú dòm ngó, mỉa mai người khác trong đố kỵ.Thế mới biết, cái tâm lý khi đọc sách, cứ nhăm nhăm “tìm nguyên mẫu”, nhăm nhăm dò xem có “nói xấu” ai không nó đã ăn sâu vào đa số người đọc. Thật đáng lo ngại!                 

Lê Việt