Mỹ thuật VN thời hội nhập: Vẫn bộc lộ những điểm yếu

(ANTĐ) -Hội nhập cũng là cơ hội để các nghệ sĩ giao lưu, sáng tác nhưng nhìn lại cũng cho thấy mỹ thuật Việt Nam còn nhiều việc phải làm để theo kịp dòng chảy chung của nhân loại.

Mỹ thuật VN thời hội nhập: Vẫn bộc lộ những điểm yếu

(ANTĐ) -Hội nhập cũng là cơ hội để các nghệ sĩ giao lưu, sáng tác nhưng nhìn lại cũng cho thấy mỹ thuật Việt Nam còn nhiều việc phải làm để theo kịp dòng chảy chung của nhân loại.

Hào hứng và sôi động…

Gần 10.000 họa sĩ sáng tác, hàng nghìn gallery hoạt động, và hàng trăm triển lãm nghệ thuật diễn ra mỗi tháng đã chứng tỏ sự sôi động và hào hứng của đời sống mỹ thuật nước nhà. Không những thế, hàng năm còn có tới vài chục họa sĩ trẻ đưa tác phẩm của mình đi triển lãm và trao đổi nghệ thuật với nhiều nước bạn.

Đây cũng là thời kỳ mang lại cho các họa sĩ điều kiện sáng tác và làm việc tốt nhất. Và cũng chính qua quá trình trao đổi thông tin diễn ra cởi mở mà các họa sĩ đã sáng tác và cho ra đời các tác phẩm có chất lượng. 

Vòng vây (Nguyễn Văn Hè) - một hình thức nghệ thuật trình diễn mới
Vòng vây (Nguyễn Văn Hè) - một hình thức nghệ thuật trình diễn mới

Nếu nhìn vào những tác phẩm được công bố trong thời gian vừa qua, cho thấy bước đột phá và cách tân sâu sắc về hình thức biểu hiện trong sáng tác của các họa sĩ. Mỹ thuật đã phát triển mạnh thành nhiều xu hướng và tạo hình khác nhau như: cực thực, siêu thực, trừu tượng…

Đặc biệt, các họa sỹ trẻ với bản tính năng động đã nối kịp và nhập cuộc với dòng nghệ thuật đương đại quốc tế như Pop art, sắp đặt, trình diễn, video art, digital-art… Những hình thức nghệ thuật thị giác mới này, sau một thời gian bị nghi ngại, xem thường, đã dần được giới mỹ thuật và công chúng mặc nhiên coi đó như là một phương tiện biểu đạt nghệ thuật mới.

Bộc lộ nhiều điểm yếu…

Bên cạnh những thành công nhìn thấy, mỹ thuật Việt Nam cũng bộc lộ những điểm yếu của mình. Đó chính là yếu ở nội dung, ý tưởng, ở tư duy sáng tạo trong đội ngũ những người làm sáng tác. Theo nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các hoạ sĩ sáng tác dựa vào bản năng và suy nghĩ đơn giản nên khá nhiều họa sĩ Việt Nam ít đi được dài trên con đường sáng tạo mà nhanh chóng cạn kiệt ý tưởng.

Thay vào đó, nhiều người dễ sa ngã vào con đường trang trí dân gian, lặp lại mình, tạo ra loại tranh “dân gian đời mới” trên sơn dầu, sơn mài, rất dễ bị thương mại hóa. Đây chính là một trong những nguy cơ làm cho mỹ thuật Việt Nam luôn mấp mé ở ranh giới giữa mỹ thuật và mỹ nghệ. 

Hơn nữa, những biểu hiện của “bệnh thành tích” trong mỹ thuật đã bắt đầu xuất hiện và làm cản bước tiến của một ngành nghệ thuật luôn đi đầu trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nhà phê bình Phạm Quốc Trung - Viện Mỹ thuật cho rằng: “Phô trương tốn kém, mang một tâm thế tự đại không thực chất đã tạo ra những “giá trị ảo”, chất lượng sản phẩm nhanh chóng xuống cấp, không tương xứng với quy mô, kinh phí”. Và cũng theo ông Phạm Quốc Trung, quá trình hội nhập, mỹ thuật Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện của các nhóm nghệ sĩ hoạt động với những tiêu chí nghệ thuật riêng, là điều hoàn toàn bình thường và cần thiết để có những nỗ lực cá nhân cho sự phát triển đa dạng của mỹ thuật.

Tuy nhiên, tính chất bè phái, phe nhóm lại xảy ra khi một số nghệ sĩ thành danh muốn độc quyền diễn đàn văn học nghệ thuật, o bế lẫn nhau, thông tin hỏa mù bất chấp tri thức công chúng. Chính điều này là việc đồng ca tự tô vẽ mình. Và ông Phạm Quốc Trung gọi đó là một dạng biến tướng của “Bệnh thành tích”.

Mặc dù chúng ta đã có được một diễn đàn phê bình mỹ thuật, tuy nhiên không phải bài nào cũng là bài... phê bình đúng nghĩa. Theo nhà phê bình Lê Quốc Bảo “do người viết nhiều khi không phải là nhà phê bình mỹ thuật mà làm nhiều nghề nghiệp khác nhau nên thường có độ vênh, khen chê chưa tới hoặc không đúng, không có sức thuyết phục”.

Vì thế, điều này đã đặt ra cho công tác lý luận phê bình mỹ thuật cần phải được quan tâm hơn nữa để nâng cao đội ngũ và xây dựng một hệ thống lý luận trên thực tiễn xã hội trong thời kỳ hội nhập. 

Để nền mỹ thuật Việt Nam bước lên một tầm cao mới, chuyển đổi về chất và tính chuyên nghiệp, thì còn nhiều việc phải làm, đó là cả một bước đường dài thay đổi không chỉ trong đội ngũ những người làm sáng tác mà còn ở cả quan niệm, trình độ thẩm mỹ của người dân. Và những việc đó thì không thể một sớm, một chiều.

Phạm Thu Hương