Mưa lớn trong đêm, Hà Nội ngập nặng

ANTĐ - Trận mưa lớn kéo dài hơn 5 giờ trong đêm 24 rạng sáng 25-5 khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội chìm sâu trong biển nước, giao thông bị tắc nghẽn. Nhiều nhà dân ở nội thành bị nước mưa tràn vào, gây hỏng hóc thiết bị, đồ dùng gia đình.

Mưa lớn trong đêm, Hà Nội ngập nặng ảnh 1Phố Dương Đình Nghệ vào lúc 8h sáng 25-5

35 điểm ngập úng

Theo ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội, từ 23h ngày 24 đến 4h30 ngày 25-5, Hà Nội xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng, tập trung tại khu vực phía Tây. Lượng mưa đo được tại Vân Hồ 187,1mm; Cầu Giấy 277,8mm; Mễ Trì 235,5mm; Ngã Tư Sở 228,7mm; Xuân Đỉnh 196,9mm; Hồ Tây 168,5mm; Lương Định Của 193,6mm; Trúc Bạch 206,9mm; Nam Từ Liêm 214,1mm; Thanh Liệt 252mm; Hoàng Quốc Việt 249mm và các nơi khác xấp xỉ 200mm. 

Ông Võ Tiến Hùng cho biết, do lượng mưa lớn đột biến vượt quá khả năng của hệ thống, cùng với ảnh hưởng của các công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công như mương Vĩnh Tuy, mương Thụy Khuê, mương Nghĩa Đô, mương Tây Sơn, mương Trắng Chẹm, mương Y Khoa, mương Phương Mai, mương/hồ Tân Mai, (mương N1, mương N2 lưu vực Ba Xã)… nên tại thời điểm 6h ngày 25-5, đã xảy ra 35 điểm úng ngập cục bộ tại các  tuyến phố như Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoàng Quốc Việt (trước ĐH Điện lực), Phạm Văn Đồng (trước Công ty Cầu 7, ngã tư Xuân Đỉnh - Tân Xuân), ngã ba Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên, Hoa Bằng, Đội Cấn, Mạc Thị Bưởi, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Hoàng Mai, Nguyễn Chính, Thanh Đàm, ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Hồng, Định Công, Thái Thịnh (trước Viện Châm cứu), Trường Chinh (từ Viện Y học Hàng không đến Tôn Thất Tùng), Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Cự Lộc, Nguyễn Trãi (trước ĐH Khoa học nhân văn và trước số nhà 497), Triều Khúc… với mức độ từ 0,2 đến 0,5m. Thực tế, số điểm bị ngập còn nhiều hơn số thống kê của Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội. Nước ngập sâu nên giao thông đầu giờ sáng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều xe máy, ô tô bị ngập nước chết máy. Ùn tắc xảy ra ở nhiều nơi… 

Do lượng mưa quá lớn, không chỉ các tuyến phố bị ngập, nhiều khu dân cư ở nội thành cũng bị ngập sâu, nhất là các khu vực ở vùng thấp, vùng thoát nước kém. Nước mưa tràn vào nhà dân, ngập sâu từ đến 0,2 đến 0,5m. Nhiều đồ đạc bị chìm trong nước gây hỏng hóc, nhất là thiết bị điện. Nước bẩn tràn vào bể nước ngầm khiến nhiều nhà dân phải vất vả thau rửa bể… Chị Nguyễn Chi Linh, ở Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Trong nhà nước ngập tới đầu gối. Ngoài đường ngập ngang bụng, chúng tôi không thể ra khỏi nhà để đến được cơ quan”, chị Linh thông tin.

Vượt quá năng lực hệ thống thoát nước

Đến 7h ngày 25-5, các vị trí úng ngập ở nội thành đã dần rút nước. Sau đó, giao thông đã ổn định trở lại trong khu vực nội thành. Tuy nhiên, trên tuyến đường vành đai III và khu vực ngoại thành, đặc biệt là phía Tây, nước rút chậm hơn do mực nước sông Nhuệ dâng cao. Phải sau 9h sáng, các khu vực này mới rút bớt nước.

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô sáng 25-5, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trận mưa đêm 24, rạng sáng 25-5 quá lớn, có nơi lên tới 280mm trong 5 giờ nên một số khu vực không thể tránh khỏi ngập úng cục bộ. “Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội đã phải huy động 100% quân số ngay trong đêm để phục vụ thoát nước. Cùng với đó, do một số hạng mục chính của Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II đã được bàn giao trong đầu mùa hè này đã kịp phát huy tác dụng, đảm bảo phục vụ tiêu thoát nước nhanh hơn nên tình trạng ngập úng cơ bản hết trước 8h sáng” - ông Võ Nguyên Phong nói.

Trước những ý kiến nghi ngờ năng lực tiêu thoát nước của Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II - vốn được đầu tư hàng trăm triệu USD, ông Võ Nguyên Phong giải thích: “Công suất thiết kế của dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II được tính toán với lượng mưa là 310mm/2 ngày (giai đoạn I là 172mm/2 ngày). Do đó, sau những trận mưa lớn liên tục trong vòng vài giờ với lượng mưa lên tới gần 300mm như sáng 25-5 thì ngập úng cục bộ là không tránh khỏi”.

Về một số điểm ngập sâu ở khu vực vành đai III và phía Tây thành phố, ông Võ Nguyên Phong cho biết, nước ngập rút chậm hơn do hệ thống hạ tầng ở các khu vực này chưa đồng bộ. Đây là vấn đề thành phố đang tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Khu vực tòa nhà Keangnam ngập sâu nửa mét

Nhà ở phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh Vũ Anh Minh mất gần 2 tiếng đồng hồ mới “lội” qua được những tuyến đường ngập nước để đưa con trai tới trường ở nội thành. “Lâu lắm rồi khu vực Mỹ Đình, Mễ Trì mới bị ngập sâu như vậy. Khu vực tòa nhà Keangnam ngập sâu tới nửa mét, rất nhiều xe máy, ô tô chết máy ở đoạn này, tôi phải vận dụng hết kinh nghiệm “lội” nước mới qua được đường vành đai III” - anh Minh nói.

Mưa lớn trong đêm, Hà Nội ngập nặng ảnh 2

Nhiều tuyến phố bị ngập sâu sau trận mưa sáng 25-5

10h sáng mới tới được cơ quan

Không may mắn như anh Minh, chị Lê Mai Anh (nhân viên văn phòng) phải tới hơn 10h sáng mới đến được cơ quan vì chiếc xe Honda Lead bị chết máy ở khu vực giao giữa đường Trần Thái Tông với Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy, Hà Nội). “Tôi không thể xoay xở được, quần áo, giày dép ướt hết và phải dắt bộ khá lâu mới tới được hàng sửa xe. Chưa hết, còn phải tốn gần 300.000 đồng thay dầu và lọc gió thì mới có thể đi tiếp được. Tôi thấy mình còn may chán so với mấy “ông” đi ô tô bị ngập nước. Họ có khi mất hàng chục triệu đồng để sửa chữa ” - chị Mai Anh nói.

Nước ngập vây bệnh viện

Cũng rơi vào cảnh ngập lụt sáng 25-5, nhiều bệnh nhân và người nhà phải tìm mọi cách để vượt qua biển nước vào khám bệnh tại Bệnh viện 19-8 trên đường Trần Bình (quận Cầu Giấy). Ông Lê Văn Thắng, người dân trên phố Trần Bình kể: “Phải thanh niên to khỏe mới đủ sức cõng người bệnh vào khám được. Khổ nhất là mấy chị phụ nữ, quần xắn móng lợn dìu người bệnh lội trên vỉa hè, dò dẫm tìm lối mãi mà không sao vào được bệnh viện”. Tương tự như Bệnh viện 19-8, tại Bệnh viện E (phố Trần Cung, quận Cầu Giấy), cơn mưa đêm 25-5 cũng đã khiến nhiều bệnh nhân và người nhà khốn khổ vì cảnh bị nước ngập bủa vây.