Một thế kỷ Việt Nam trong con mắt học giả Pháp

ANTĐ - Tuy chỉ công bố một phần nhỏ trong số kho tư liệu đồ sộ về Việt Nam được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) thực hiện trong suốt một thế kỷ nhưng triển lãm “Góc nhìn Việt Nam - Việt Nam đầu thế kỷ XX” đã gợi mở hướng đi cho những học giả trong và ngoài nước tìm tòi, khám phá những giá trị của đất nước, con người Việt Nam trong giai đoạn cận - hiện đại.  

Một thế kỷ Việt Nam trong con mắt học giả Pháp ảnh 1Phố buôn bán ở Hà Nội trước năm 1922 

Nền móng khảo cổ, bảo tàng Việt Nam

Gần 60 bức ảnh được công bố trong triển lãm “Góc nhìn Việt Nam - Việt Nam đầu thế kỷ XX” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là những tư liệu vô cùng quý giá về đất nước, con người Việt Nam trong giai đoạn đầy biến động trên nhiều lĩnh vực như xã hội, kinh tế, văn hóa… được ghi lại bởi những nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) - trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học đã có nền móng tại Việt Nam từ đầu thế kỷ cho tới nay. 

Cuộc trưng bày đáng chú ý này đã cung cấp một góc nhìn đầy sống động, chân thực về nghiên cứu khảo cổ học, trùng tu di tích, xây dựng các bảo tàng và cuộc sống con người Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, một số di tích quan trọng của Việt Nam đã được các nhà khoa học của EFEO khám phá như khu di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam năm 1898 và bãi đá cổ Sapa năm 1924. Các khái niệm lịch sử văn minh của Việt Nam như văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh… cũng được chính Viện Viễn Đông Bác cổ công bố trước năm 1954. Quá trình nghiên cứu, khám phá dày công đó đã được ghi lại qua hệ thống ảnh tư liệu giá trị, cho thấy diện mạo của các công trình kiến trúc, di tích của đất nước ta trong quá khứ, mà hiện nay không còn cơ hội chiêm ngưỡng do sự tác động và hủy hoại của thời gian và chiến tranh. 

Có một điều ít ai biết đó là Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp chính là nơi xây dựng nền móng cho hệ thống bảo tàng lịch sử Việt Nam. Năm 1926, Bảo tàng Louis Finot, tức Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sau này được thành lập. Ở Đà Nẵng, Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng được EFEO bảo trợ, thành lập năm 1919 mang tên học giả Henri Parmentier. Nói như nhà nghiên cứu Auguste Barth, việc EFEO thành lập các bảo tàng nhằm “thu nhận những cái mà nếu không làm sẽ bị tiêu tan”.

Một thế kỷ Việt Nam trong con mắt học giả Pháp ảnh 2Khu di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam, ảnh chụp năm 1938

Góc nhìn về cuộc sống ở Việt Nam

Không chỉ phản ánh trên các phương diện khảo cổ học, bảo tàng, các bức ảnh tư liệu lần này còn cho thấy cái nhìn cụ thể và đầy thú vị về cuộc sống của những người dân Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là cảnh phố buôn bán tấp nập ở Hà Nội trước năm 1922 với những người phụ nữ đội nón ba tầm, cảnh chờ đợi bên những máy nước trên đường phố… Đáng chú ý đó là bức ảnh về một buổi lễ thông linh tại nhà bà Trần Thị Thành (113 Trúc Bạch, Hà Nội) với đầy đủ nghi thức cho thấy phần nào sự giàu có, sung túc trong đời sống tâm linh của một gia đình Việt những năm 1950. Trong ảnh, bà đồng đang sửa soạn dâng lễ vật, khi có hồn nhập vào, bà vừa trả lời các câu hỏi, vừa nhảy múa. Bên cạnh đó, các học giả Pháp đã ghi lại được những hình ảnh rất đáng giá về Lễ tế đàn Nam Giao tại Kinh thành Huế, được thực hiện dưới thời Bảo Đại năm thứ 14 (1939) - vị vua cuối cùng trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Đây cũng là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ, khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị công chúng.  

TS. Olivier Tessier  - Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ tại Việt Nam, người đã từng nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái cho rằng, cuộc triển lãm đã cung cấp “cái nhìn bên ngoài” về Việt Nam trong thế kỷ XX dưới góc độ của những học giả Pháp am hiểu văn hóa Việt Nam vì họ đã sinh sống và làm việc lâu năm tại Việt Nam. Với tuổi thọ các bức ảnh lâu nhất là 100 năm, gần nhất cũng là 85 năm, không thể đánh giá hết sự thay đổi của Việt Nam - một đất nước đã trải qua các cuộc chiến tranh, điều kiện vật chất, môi trường cũng đã biến đổi rất nhiều. Bởi vậy, theo ông triển lãm này là cơ hội để chúng ta thấy rõ hơn, đầy đủ hơn những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam trong giai đoạn cận - hiện đại. 

Một thế kỷ Việt Nam trong con mắt học giả Pháp ảnh 3Buổi lễ thông linh tại nhà bà Trần Thị Thành năm 1953

Kỹ thuật bảo quản những bức ảnh vô giá

Để bảo quản được số tư liệu quý giá này, các chuyên viên của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã thực hiện bằng phương pháp cổ điển: chụp trên phim kính tráng bromua bạc, phim âm bản rồi xử lý số hóa và phục hồi hình ảnh. Đáng chú ý, do được chụp trên phim kính, các bức ảnh giữ được độ sắc nét cao và những đường nét, hình ảnh sau một thời gian dài vẫn có thể nhìn thấy rất rõ. Được biết, đây là những bức ảnh nằm trong bộ sưu tập khoảng 3.000 bức ảnh của EFEO về Việt Nam, trong đó một phần đã được số hóa.