Thi sĩ, nhà báo Tản Đà

Một tài năng lạ thường, một số phận lạ thường

ANTĐ - "Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy. Trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi Hội chủ mà làng văn, làng báo xứ này, ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà” (Nhà văn Nguyễn Tuân). Tản Đà là một ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời văn chương báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ngôi sao ấy không  giống ai. Ông là một tài năng lạ thường của một số phận lạ thường...

Phi thường ở chỗ tiên sinh là thi nhân thế kỷ trước vẫn được Hoài Thanh xếp vào chiếu trên của Phong trào thơ Mới. Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, tên tuổi và thi phẩm của Tản Đà được đặt trang trọng ngay đầu sách: “Tiên sinh đã cùng chúng tôi chia sẻ một khát vọng thiết tha, nỗi khát vọng thoát ly ra ngoài cái tù túng, cái giả dối khô khan của khuôn sáo”. 

Con đường đến với báo chí văn chương của Tản Đà là một sự lạ lùng. Sống trong hoàn cảnh bần hàn nhưng cao vọng của Tản Đà là muốn đem tài năng của mình thực hành để mong giúp ích cho văn chương xã hội và báo chí nước nhà. Tuy chưa nổi tiếng trên văn đàn buổi đầu nhưng có những nhà văn, nhà báo ở Hà Nội biết tiếng Tản Đà, thường mời tiên sinh hợp tác. Người bước vào trường báo chí Việt Nam bằng thơ ca và những bài bút luận. Nhà giáo nhà văn Nguyễn Văn Phúc, cháu gọi Tản Đà bằng ông  trẻ đã kể lại trong cuốn sách hồi ức của mình, cuốn “Tôi với Tản Đà” rằng có lần Tản Đà nhận được một phong thư gửi từ Hà Nội lên. Thư đó là của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh gửi cho thi sĩ. Trong thư ông Nguyễn Văn Vĩnh tỏ ý là biết hoàn cảnh của Tản Đà hiện tại và vì mến tài, muốn giúp Tản Đà mưu sinh nên tỏ ý mời thi sĩ giúp một tay, làm trợ bút cho tờ báo của ông là tờ Trung Bắc tân văn nhưng Tản Đà đã từ chối vì: “Tôi muốn tự tài mình lại gây lấy một thanh thế cho mình, nếu mình thực có tài. Bởi những lẽ đó mà dù túng thiếu, đói rét, tôi cũng không chịu làm trái với tư tưởng của mình…”. 

Chưa ra Hà Nội làm báo, nhưng liền trong mấy năm ở quê nhà Bất Bạt, Tản Đà đã kịp gây dựng cho mình một lâu đài văn chương khá hoành tráng, mà sau này vì vậy thanh thế người lẫy lừng.  Năm 1921, có người bạn xin được giấy phép ra tờ Hữu Thanh, Tản Đà lúc này được mời làm chủ bút và chính thức bước vào làng báo khi đã ở tuổi 35. Ông bắt đầu một chặng đời mới “nồng đậm giao du cùng xã hội”. Nhưng chí khí thi nhân không mấy khi dễ chấp nhận những tư tưởng khác mình. Nửa năm làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, có lẽ bất đồng quan niệm với người chủ nhiệm báo mà Tản Đà bỗng nhiên từ chức. Tòa soạn Hữu Thanh ai cũng luyến tiếc, cố nài thi sĩ lưu lại nhưng ông một mực ra đi… Và trước khi rời tòa báo, vẫn còn mấy câu thơ đăng lên báo tỏ tấm tình với bạn hữu: Mới nửa năm trời báo Hữu Thanh/ Biệt ly lai lãng xiết bao tình/ Chút tình hữu ái không ly biệt/ Tiếng gọi đàn xa núi Tản xanh.

Câu cuối cùng có lẽ Tản Đà đã nại ra lý do là phải về với bạn bè núi Tản nên đành phải từ biệt. Mà quả thực ông sau đó đã trở lại Bất Bạt quê hương. Tháng ba năm sau thì lão mẫu của thi sĩ qua đời. Lo tang ma cho mẹ già xong chàng lại bái biệt quê hương lần nữa để ra đi tìm nơi thể hiện tài năng trời phú cho mình. Lúc đầu mở Tản Đà thư điếm lo việc làm sách rồi sau đó hợp lại với Nghiêm Hàm ấn quán thành Tản Đà tu thư cục, chuyên xuất bản những sách như Đại học, Kinh thi, Quốc sử Huấn Mông… Hình như công việc xuất bản vốn yên tĩnh mà trong lòng người thi sĩ thì náo động không yên, vì vậy đầu năm 1925, Tản Đà đầu đơn xin ra tờ An Nam tạp chí. Năm sau thì có Nghị định cho phép thành lập, thế là cùng những người bạn ở Hữu Thanh năm nào nay tung hoành ngọn bút.

Ngày 1-7-1926 tờ An Nam tạp chí ra mắt, sau mười số báo, An Nam tạp chí bị đình bản do Tản Đà có bài viết đụng đến nền thống trị thực dân Pháp trên số thứ 10-1927. Đến khi tục bản, tạp chí dời đến số 68 đường Rue des Graines (phố Hàng Đậu - TG) tiếp tục in số 11. Được ít lâu lại bị đình bản, Tản Đà xuống Nam Định cậy nhờ bạn bè tục bản lần 2 nhưng chỉ được mấy kỳ… Tờ An Nam tạp chí ra đời rồi thất bại, tái bản lại thất bại đến 5 lần khiến ông chủ bút phải long đong lận đận ra Bắc vào Nam… Không biết là tại Tản Đà không rành quản lý hay là ông trời ghen ghét khách văn chương mà thành ra trêu cợt làm cho nhà thi sĩ mấy bận long đong… Chính thi sĩ từng than rằng: "Mỗi một phen ra đời lại một phen thất bại. Mỗi một phen thất bại đầu tóc lại bạc thêm”. Dù sao thì An Nam tạp chí được coi là một trong những tờ đầu tiên có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của văn học Việt Nam thời cận đại theo khuynh hướng hiện thực. Bên cạnh đó nó thể hiện một cách kín đáo lòng yêu nước của Tản Đà, qua những bài tiểu luận, bài thơ đăng rải rác. 

Tản Đà từ ngày rời quê hương dấn thân vào trường văn trận bút, người quá nặng lòng với văn chương xã hội. Năm 1928, sau khi rời tờ Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn, người lại trở về Bắc. Lúc này có người thông gia quý mến tài năng và nhân cách thi nhân nên cố mời Tản Đà lưu lại nhà mình đặng tĩnh dưỡng ít lâu. Từ Sơn Tây, chàng thi sĩ cảm thấy ngày tháng trôi đi trong nỗi buồn cô liêu nhàn tản… Viết bài cho vài tờ báo không mất mấy thời gian, và Tản Đà lại muốn xông vào trường hoạt động cho con đường văn chương thơ phú. Nỗi nhớ tờ báo cũ của mình như nhớ một người bạn lớn là An Nam tạp chí, người lại mong tái bản tờ báo của mình nhưng ngặt nỗi không tiền.

Thi sĩ từng thốt lên "Không có gì bẩn bằng đồng tiền. Thế mà không có tiền thời không thể nào làm một việc gì được. Đời như vậy có đáng chán không?!" Buồn cảnh nghèo vì nó mà mộng không thành, thi sĩ lại lấy rượu và thơ tiêu sầu: Rượu thơ mình lại với mình/ Khi say quên cả cái hình phù du… Trong một lần trà dư tửu hậu với người cháu gọi bằng ông nhưng được cận kề nhiều lần hầu chuyện hầu rượu thi nhân, Tản Đà thú nhận: “Tôi cũng ngẫm nghĩ đến thế lực đồng tiền thì buồn rầu vô hạn. Rồi lan man tôi lại nghĩ cả đến biết bao nhiêu mặt anh hùng tài trí cổ kim cũng vì tiền mà không toại được lý tưởng cao siêu, dù đã vất vả bôn ba nay ngược mai xuôi mà rút cục cũng không làm nên sự nghiệp gì, chỉ có biết ôm một mối thất vọng cho đến khi hai tay buông xuôi là hết. “Cái khó bó cái khôn” một câu tầm thường như vậy mà rất đúng”. Là người của Thiên hạ. Người không riêng của một nơi nào và đi đâu ông cũng có những người bạn, thường là độc giả vì mến tài. Cả nước nhiều người biết Tản Đà là người có thiên tài mà đành chấp nhận cuộc sống bần bách. Thế rồi một độc giả đã mời thi sĩ về ở Quảng Yên (bây giờ là Quảng Ninh).

 Nhưng cái con người ấy thích xê dịch nhiều hơn là yên ổn. Mà ở Quảng Yên  xa xôi quá với bạn bè báo chí ở Hà thành, vả lại dù có được bạn bè giúp đỡ nhưng ngòi bút Tản Đà không đủ nuôi bảy tám con người trong gia đình. Và thế là lại dắt díu nhau về Hà Trì bên cạnh Hà Đông. Nơi này gần Hà Nội, được xem là trung tâm văn chương thời ấy, thi sĩ chắc rằng hoạt động của mình vì thế mà thuận lợi hơn. Những tưởng là thế nhưng ngòi bút  của Tản Đà cũng bất lực trước cuộc đời. Hà Trì không đủ nuôi sống gia đình, thi sĩ đã lại chạy ra Bạch Mai, lúc này không nghĩ đến cuộc đời văn chương xã hội nữa là vì đã cùng kế sinh nhai. Người ra đó với ý định mở lớp dạy chữ Nho và xem tướng số. Thời đại thật đáng buồn thay, một danh nhân một thi nhân lẫy lừng như Tản Đà mà không thể có cuộc sống đủ đầy phải lâm vào cơ cực phải xoay xở để sinh nhai bằng cái nghề tướng số… Người cùng thời lắm kẻ cười ra nước mắt khi nhìn thấy trên tường nhà phố Bạch Mai có viết quảng cáo rằng: “Nguyễn Khắc Hiếu Tản Đà - Hà Lạc lý số”. Nhưng cuối cùng mộng cỏn con dạy học và xem lý số cho người khác cũng bất thành khi vợ con không đủ sống. Chủ đòi tiền nhà, ông đành gán lại ít đồ đạc rồi dọn về nơi ở cuối cùng là xóm nghèo ở Ngã Tư Sở... Ngẫm quãng đời hơn hai mươi năm xông pha nơi trận bút trường văn, người thi sĩ tài ba  từng có lúc tự bạch: “Khi làm chủ bút, lúc viết mướn/ Hai chục năm dư cảnh khốn cùng”.  

Đời người thi sĩ, người ký giả trong xã hội cũ quá nhiều cay cực mà Tản Đà là một ngôi sao cũng không ngoài bi kịch ấy. Ngôi sao Tản Đà ngang qua bầu trời văn chương báo chí Việt có 51 năm nhưng văn chương ông, tư tưởng ông và những giai thoại về "ông thần ngông" sẽ còn lại mãi với thời gian...

Hà Nội tháng 6-2012, kỷ niệm 70 năm ra đời cuốn