Một người yêu làng mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tôi dám cược rằng, cứ 10 bài viết thì có tới 9,5 bài là ông viết về làng mình. Mà đâu chỉ có 10 bài, phải vài chục tới trăm bài cũng chỉ một đề tài: Làng tôi. Lạ thế! Quanh quẩn với làng chắc cả đời vẫn chưa trả hết tình, chưa trả xong hết nghĩa. Người ấy là nhà văn Hà Nguyên Huyến. Làng ấy là làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm

Người kể chuyện làng

Còn nhớ 5 năm trước tôi có làm một bộ phim tài liệu về ngôi làng cổ nức tiếng này - một bộ phim tương đối dễ. Này nhé, bối cảnh là chính ngôi nhà cổ 400 năm tuổi của gia đình ông, người kể chuyện làng chính là ông, lời bình thì vẫn do ông thoại, thế thì chẳng dễ là gì. Máy quay cứ lẽo đẽo theo chân ông từ nhà ra sân, từ sân ra ngõ, rồi đi khắp làng.

Nhà văn Hà Nguyên Huyến tuổi Mậu Tuất. Người ta bảo, kẻ đứng can Mậu thường khảng khái, đã nói là làm, đã làm là làm bằng được. Ngẫm ra thấy cũng có lý, bởi ông nhà văn nhìn bề ngoài có vẻ bụi bặm phố phường này hóa ra lại “quê một cục”.

Làm biên tập viên ở Báo Văn nghệ nhưng hễ ngày nghỉ là Hà Nguyên Huyến “tót” về làng với vợ để lo mấy chục chum tương. Ông bảo: “Làm tương là công việc nuôi sống cả nhà tôi, nuôi sống nghề “du lịch cộng đồng” của tôi ông ạ!”. Nghe tới tương là tôi mở to mắt dáo dác bao quát khắp sân. Chà chà, đúng là ông nhà văn này nói không ngoa. Khắp sân đâu đâu cũng thấy những chum với vại.

Lại nhớ bữa trưa hôm ấy, bà vợ của Hà Nguyên Huyến bưng mâm cơm lên mời khách. Trên mâm không thể thiếu được bát tương Đường Lâm do chính tay bà làm. Bà nói khéo: “Bác xơi thử xem tương nhà chúng em có ngon bằng tương làng Bần nhà bác không?”. Tôi cười: “Chao ôi, khéo thế! Tương Bần chỉ dành chấm cá, tương Đường Lâm dành chấm thịt. Nói vui thế thôi, quan trọng là tùy món thì mới rót tương. Phải hợp thì mới ngon, mà hợp nhất là ngồi ở làng để ăn tương”.

Nhà văn Hà Nguyên Huyến nếu được xem là nhà “Đường Lâm học” cũng chẳng ai so bì. Ông biết rõ làng mình tới từng chi tiết, nhớ chuyện làng tới từng cái nhỏ nhất. Ông bảo: “Đường Lâm thuộc đất xứ Đoài. Vùng đất dưới chân non Tản này lại giáp với sông Hồng nên địa hình có nhiều cái hay. Làng quê vừa có những thửa ruộng lúa nước từ thời người Việt cổ, lại có cả những vạt đồi gò, những chân ruộng trũng và trầm tích hay vỉa đá ong đan xen. Sự đa dạng ngay trên một vùng đất cho dù mang đặc điểm gì thì cuối cùng nông nghiệp vẫn là chủ đạo. Sống nhờ nông nghiệp, dựa vào nông nghiệp cho đến hôm nay vẫn không thay đổi và không nên thay đổi. Có thay đổi chăng là nề nếp canh tác, giống cây trồng truyền thống bằng những giống mới đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao”.

Làm tương ở Đường Lâm

Làm tương ở Đường Lâm

Chuyện giữ làng và phát huy giá trị của làng

Điều mà nhà văn Hà Nguyên Huyến đề cập tới là chuyện giữ làng và phát huy giá trị của làng. Ông đã viết rất nhiều cũng chỉ với hai trăn trở đó. Ông ghé tai tôi nói: “Hồn cốt làng còn thì quê mãi còn”. Tôi gật đầu, đó chính là căn nguyên của mọi căn nguyên để làm tốt 2 việc: Bảo tồn và phát triển. Là làm sao giữ được nét cổ mà người dân ở làng vẫn không thua thiệt.

Tôi hỏi: “Chẳng lẽ người dân cứ phải ở trong những ngôi nhà xuống cấp và chất lượng thấp mãi sao?”. Ông nhà văn gác bút lông (ông luyện thư pháp chữ Hán) nhìn tôi nói: “Ai mà chịu thế. Người Đường Lâm trong cái khó đã ló cái khôn chứ”. Thì ra bên cạnh ý thức bảo tồn vốn cổ đã được ăn sâu vào tiềm thức, người dân nghĩ ra cách “mới mà vẫn cũ”.

Theo đó, nhà có thể xây mới hoặc sửa cho mới, tuy làm bằng chất liệu cao cấp nhưng quan trọng là 3 khâu: Độ cao, kiểu dáng và vật liệu. Cứ làm nhà 3 gian 2 chái là hợp nhất. Vả lại, đất làng tuy không nở nhưng cũng còn khá rộng, tội gì làm nhà cao cho nhọc. Còn kiểu dáng thì cũng dễ, căn cứ vào độ cao là ra kiểu dáng. Cứ “như cũ” mà làm, vừa hay, vừa dễ, lại vừa tiện.

Cuối cùng là vật liệu làm sao cho bền, cho chắc thì cũng dễ rồi. Nhà văn Hà Nguyên Huyến bật mí: “Bên trong thì cứ bê tông cốt thép, bên ngoài ốp gạch đá ong hay sơn giả gỗ làm xong tuốt”. Tôi lại hỏi: “Làng mình có nhiều dòng họ nổi danh, vậy làm thế nào để các dòng họ trong làng gắn kết?”. Ông khoát tay chỉ ra khoảng sân: “Ở làng quan trọng nhất là biết kính, biết nhường”. Rồi ông thong thả đọc: “Cúc dục ân thâm Đông hải đại/ Sinh thành nghĩa trọng Thái sơn cao”.

Nhà văn Hà Nguyên Huyến và bức thư pháp ông viết

Nhà văn Hà Nguyên Huyến và bức thư pháp ông viết

Viết không để khoe

Viết nhiều về làng đâu chỉ để khoe mà quan trọng là để giữ làng - nhà văn Hà Nguyên Huyến tâm tâm niệm niệm vậy nên ông chưa bao giờ từ bỏ viết về làng mình.

Đấy loạt bài “Xứ Đoài cửa ngõ phía Tây” ông viết những 10 năm trước mà hôm nay đọc lại vẫn thấy y nguyên, vẫn thấy mới. Nhớ ông đã bảo “làng tôi giống như cái bảo tàng lớn ấy” nên tôi bèn hỏi lúc chén rượu ngọt môi: “Vậy theo ông thì bảo tồn di sản làng cổ ta sẽ phải làm thế nào?”.

Chưa đợi tôi hỏi xong, Hà Nguyên Huyến nói thẳng tưng: “Phải giữ cho được và làm thật tốt công việc làm ruộng”. Tôi giật nảy người: “Làm ruộng á?”. Ông cười: “Không làm ruộng thì đâu còn là một cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước được Nhà nước công nhận năm 2005?”.

Rồi ông mở sách đọc cho tôi nghe một đoạn viết: “Xứ Đoài là cơ tầng văn hóa lúa nước, chính sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, bên cạnh sự thất thường của các dòng sông… công việc nhà nông không thể tiến hành đơn lẻ theo các hộ gia đình, mà đòi hỏi ở tính tập thể, sự đoàn kết rất cao của từng nhóm dân cư. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản để dẫn đến việc hình thành các cộng đồng công xã nông nghiệp. Các cộng đồng này tồn tại rất bền vững bằng tính đóng kín của nó”. (trích: Xứ Đoài cửa ngõ phía tây - phần 3)

Hà Nguyên Huyến đúng là một người yêu làng không phải chỉ bằng lời nói mà bằng chính những hiểu biết của mình, bằng chính những tham góp của mình.