Một năm đầy biến động với Du lịch Việt Nam

ANTĐ - Du lịch Việt Nam phục hồi sau 13 tháng sụt giảm lượng khách quốc tế, các danh thắng Việt tỏa sáng trên các phương tiện truyền thông quốc tế… Đó là những hình ảnh tiêu biểu cho một năm thành công, nhưng cũng đầy biến động của Du lịch Việt Nam. 
Một năm đầy biến động với Du lịch Việt Nam ảnh 1

Du lịch Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi sau 13 tháng sụt giảm liên tiếp lượng khách
 quốc tế

Không thể “vỗ bằng một tay”

Năm 2015 là năm ngành du lịch nhận được sự quan tâm lớn từ các cấp lãnh đạo cũng như toàn xã hội. Sau Nghị quyết số 92 về các nhóm giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam, Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém du lịch cũng đã được ban hành và đây thực sự là những đòn bẩy xúc tác nhằm chấn chỉnh những hành vi tiêu cực trong hoạt động du lịch, thể hiện sự quyết tâm của ngành du lịch trong việc chung tay xây dựng môi trường lành mạnh, thân thiện với bè bạn du khách quốc tế.

Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai 2 văn bản này trong cả nước, nhiều địa phương vẫn còn tồn tại hạn chế. Trong đó, theo báo cáo của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung một trong những vấn đề nổi cộm đó là đảm bảo môi trường du lịch tại các điểm đến. Đặc biệt là vào cao điểm mùa du lịch, lễ hội càng trở nên nhức nhối. Thêm vào đó, tình trạng “chặt chém” về giá, ăn xin, trộm cắp, những bức bối về giao thông, vệ sinh yếu kém tại các cơ sở ăn uống, thái độ ứng xử thiếu văn minh với du khách… ảnh hưởng không nhỏ đến ấn tượng và niềm tin của du khách. Ngoài Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) và Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã ráo riết thực thi những giải pháp nhằm mau chóng khắc phục tình trạng trên thì nhiều địa phương vẫn “nằm im”, không có động tĩnh gì. 

“Không có sự hỗ trợ của doanh nghiệp thì chúng tôi như vỗ tay bằng… một bàn tay” - đó là cách nói ví von của bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhưng cũng nói lên cái “khó” của các cơ quan quản lý địa phương trong việc đưa nội dung của văn bản Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Bởi lợi ích của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng song hành với quản lý Nhà nước và điều này dẫn đến việc hai bên “không cùng chung tiếng nói”. 

Sức bật còn hạn chế

Năm 2015, thống kê cho thấy Du lịch Việt Nam đón 7.943.600 lượt khách quốc tế, phục vụ 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng. Nếu xét trong bối cảnh, khi mà nửa cuối năm nay, ngành du lịch mới trên đà phục hồi sau 13 tháng “chật vật” với việc suy giảm khách quốc tế (tháng 7 mới tăng trở lại) thì việc đạt chỉ tiêu nói trên cũng là một nỗ lực đáng kể. Tuy nhiên, nếu nhìn vào kế hoạch năm 2016 tới, khi ngành du lịch khiêm tốn đặt mục tiêu 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tức là chỉ nhỉnh hơn một chút so với năm 2015, thì còn nhiều điều phải suy nghĩ. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn: “Chúng ta nhìn mình nhưng cũng phải nhìn ra thế giới. Không thể đi từ từ, tịnh tiến, năm sau cao hơn năm trước một chút. Đã đến lúc du lịch Việt Nam cần bước đột phá”. 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, từ năm 2010 đến 2015, số lượng khách sạn từ 3 đến 5 sao đã tăng gấp đôi, nhưng lượng khách quốc tế chỉ tăng 1,6 lần. Điều này cho thấy sức thu hút của du lịch Việt Nam còn rất hạn chế. Nhận định về điều này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: “Hoạt động quảng bá xúc tiến vẫn là một điểm yếu của ngành du lịch. Nguyên nhân là do chúng ta vừa hạn chế về nguồn lực, vừa dàn trải về đầu tư, vừa tổ chức các hoạt động một cách thiếu chuyên nghiệp và hiệu quả chưa cao”.

Nhằm nhanh chóng khắc phục những yếu kém và sớm thực thi những biện pháp cụ thể để đưa du lịch Việt cất cánh, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã chỉ đạo và nêu 5 bài học kinh nghiệm với ngành du lịch. Trong đó, chủ động đào tạo đội ngũ chiến lược phục vụ du lịch; hoàn thiện thể chế; kịp thời dự báo và chủ động chuyển trạng thái du lịch; đồng thời phải coi du lịch là ngành kinh tế chịu nhiều tác động và doanh nghiệp du lịch là trụ cột trong phát triển ngành kinh tế ấy. Với những kinh nghiệm này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tin tưởng năm 2016, ngành du lịch thực sự sẽ có nhiều chuyển biến tích cực để góp phần quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.