Mới từ trong ra ngoài

ANTĐ - Ấn tượng từ các buổi lễ của các tập đoàn, công ty lớn ký cam kết cắt giảm, tiết kiệm chi phí phải nói là khá rầm rộ. Có thể coi như một tín hiệu khởi đầu cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Những con số hàng nghìn tỷ đồng được công bố gây phấn chấn dư luận, cho thấy quyết tâm đang biến thành hành động của khu vực doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế. Song, cốt lõi của tái cấu trúc nằm ở lĩnh vực kinh doanh hiệu quả, sử dụng đồng vốn, đặc biệt là phải thoái vốn càng sớm càng tốt ra khỏi những lĩnh vực không phải là lĩnh vực kinh doanh chính như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Có ý kiến của một số chuyên gia tỏ ra băn khoăn rằng nếu không khéo thì việc cắt giảm chi phí kinh doanh dù là rất cần thiết nhưng lại rất dễ nặng về hình thức mang dáng dấp “bệnh thành tích”. Thực ra không phải đến bây giờ Chính phủ mới đặt ra yêu cầu các “anh cả” phải cắt giảm, tiết kiệm chi phí. Ngay trong Nghị quyết 11 của Chính phủ hồi năm ngoái đã đặt ra yêu cầu phải tiết kiệm 10%.

Trong một cuộc tọa đàm về tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước hồi đầu năm nay, Phó Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nhà nước đã từng nhắc đến vấn đề “lợi ích nhóm”. Theo ông, nước ta đã trải qua chặng đường dài 20 năm cải cách doanh nghiệp. Ở thời điểm này, việc tái cấu trúc lại trở nên khó khăn hơn nhiều vì nó liên quan đến các tập đoàn, tổng công ty lớn và một số nhóm lợi ích kinh tế. Trong khi đó, nhận thức của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị quản lý chưa cao khiến thời gian cổ phần hóa bị trì hoãn, dây dưa, vấp phải những xung đột lợi ích nhóm.

Một chuyên gia kinh tế cấp cao nhận xét, vấn đề thoái vốn đã được định hướng từ lâu nhưng đến nay chưa “nhúc nhích” được bao nhiêu. Thoái vốn được coi là chiếc “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp, có thể bằng cách cổ phần hóa hoặc bán cho đối tác trong nước hoặc đối tác nước ngoài. Bán cho doanh nghiệp trong nước thì hầu như chẳng ai muốn “ôm” vào vì ai cũng lao đao về nguồn vốn. Mặt khác, do kinh tế đang thấp thỏm lo ngại lạm phát quay trở lại, thị trường chứng khoán đang xuống dốc nên bán với giá nào cũng không dễ. Còn bán cho nước ngoài càng phải cân nhắc tác động đến các thành phần kinh tế khác. Theo vị chuyên gia này, đây là bài toán khó mà Chính phủ cùng doanh nghiệp phải cùng bàn để định giá. Vấn đề đáng lo ngại nhất là trong quá trình thoái vốn, sự chi phối của “lợi ích nhóm” cùng với nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước. Lợi ích nhóm là không thể tránh khỏi, song vẫn có cách giải quyết. Ở đây cần khéo léo, bản lĩnh trong việc giải quyết nhóm lợi ích nhằm hướng mọi lợi ích của nhiều ngành kinh tế mũi nhọn vào một lợi ích chung của đất nước. Vừa qua, Chính phủ đã có công văn yêu cầu, muộn nhất là quý I-2012, các tập đoàn phải trình phương án tái cơ cấu để tập trung vào nhiệm vụ và ngành chính, kiên quyết dừng đầu tư ngoài ngành trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán và phải hoàn thành thoái vốn trước năm 2015.

Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước không phải là công việc mới làm. Cái mới ở đây là công việc ngày càng khó khăn hơn. Ngoài những tuyên bố hùng hồn cắt giảm chi phí, các tập đoàn, tổng công ty sẽ phải làm gì để “mới hơn”? Mới từ trong ra ngoài, thực sự là “xương sống” của nền kinh tế để Nhà nước định hướng, điều tiết, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.