"Mây như ý” báo điềm lành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Văn “mây như ý” là một trong nhiều đồ án hoa văn được sử dụng trong trang trí kiến trúc cổ cũng như trên những cổ vật. Mặc dù vậy, loại hoa văn này không được sử dụng đại trà mà thường xuất hiện ở những vị trí tôn nghiêm hoặc trên những di vật có chất lượng, phẩm cấp cao gắn với đối tượng sở hữu sang quý, nhưng dường như loại hoa văn này chưa được đề cập một cách toàn diện và đầy đủ. Bài viết cho bạn đọc rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa và các dạng thức của văn “mây như ý” gặp trên những di vật có niên đại từ thời Lý (thế kỷ XI - XIII) đến thời Lê sơ (thế kỷ XV), nhằm thấy được những đặc điểm về tạo hình cùng sự biến đổi của chúng qua các thời, từ đó giúp cho việc nhận diện về đặc điểm mỹ thuật, trong một chừng mực tạo nên phong cách mỹ thuật của từng thời mà những di vật được trang trí đồ án hoa văn này.
Văn “mây như ý” trang trí trên mặt trống Bình Yên, thời Lý, các thế kỷ XI - XII (Nguồn: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa)

Văn “mây như ý” trang trí trên mặt trống Bình Yên, thời Lý, các thế kỷ XI - XII (Nguồn: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa)

“Thiên hạ thái bình, khánh vân sẽ hiện”

Văn “mây như ý” trong nhiều tài liệu gọi là “mây hình khánh”. Ý nghĩa bao trùm là “mây mang ý nghĩa tượng trưng nhiều vẻ, trong đó những nét chính nhằm nói lên bản chất mơ hồ và khó xác định của nó, tính chất là công cụ cho những cuộc hiển thánh và hiển linh. Ở Trung Hoa ngày xưa, người ta truyền tụng rằng trong các lễ tế thần ứng nghiệm, có những đám mây trắng hoặc mây màu bay xuống các gò nơi cúng tế, mây cũng bay lên từ các mộ các vị Tiên, các vị đó cưỡi mây bay lên Trời. Mây màu hồng là dấu hiệu bảo lành đặc biệt…” (Jean Chevalier, Alain Gheebrant, 2015: 585).

“Mây hình khánh” - “khánh vân” là loại mây đem lại điềm lành. Thiên nhân cảm ứng luận cho rằng “thiên hạ thái bình, khánh vân sẽ hiện”. Loại mây này có 5 màu, nửa như mây nửa như khói. Tống thư - Phù thụy chí viết: “Mây có 5 màu, ứng với thiên hạ thái bình, gọi là Khánh vân” (Lê Khánh Trường, 2001: 220). Tuy nhiên, tại sao loại mây này còn được gọi là “mây như ý”? Tra cứu thuật ngữ: “mây như ý” hay “cát tường đồ án” trên một số trang web nghiên cứu mỹ thuật cổ của nước ngoài, chúng ta sẽ gặp những hình ảnh minh họa về loại văn mây này cùng ý nghĩa của nó như: văn “mây như ý” biểu thị cho sự may mắn, thành công và hạnh phúc...

Văn “mây như ý” trang trí trên những di vật thời Lý các thế kỷ XI - XIII có cấu trúc gồm 3 phần: đầu, thân và đuôi. Tiêu biểu là hình văn mây trang trí trên nắp hộp men lục phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Phần đầu có tạo hình bồng bềnh như đám mây, với 3 lớp là các cung tròn nhỏ nối tiếp nhau. Hai đầu ngoài cùng cuộn lại sát vào thân. Thân có nhịp giống phần đuôi của thân rồng hay đuôi của chim phượng chạm khắc trên mặt bên lan can thành bậc có niên đại thời Lý tại chùa Hương Lãng (Hưng Yên), hay chùa Bà Tấm (Hà Nội)… với 5 nhịp lên xuống, nhỏ dần về phía đuôi. Căn cứ vào đặc trưng hình rồng cùng các họa tiết khác cũng như kỹ thuật khắc, trang trí… niên đại của nắp hộp được cho là tương đương với niên đại khởi dựng chùa Long Đọi cũng như chùa Phật Tích vào các thế kỷ XI - XII.

Tương tự như nắp hộp men lục cùng thời, với các đồ án rồng, các chấm tròn nối tiếp…, nhưng văn “mây như ý” trên nắp gốm men trắng và trên mặt trống đồng lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hóa có tạo hình giản lược hơn cả về chi tiết và nhịp điệu. Ví như nhịp điệu thân văn mây trên nắp hộp gốm men trắng ít và ngắn và nhịp điệu văn mây trên mặt trống đồng tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa thì doãng và khoảng lên xuống ngắn.

Văn “mây như ý” thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)

Những di vật thời Trần là loại hình chậu, thạp, thống gốm hoa nâu hay những bệ đá bài trí trong không gian của những ngôi chùa thờ Phật. Trong số đó, nhiều di vật có niên đại tuyệt đối như: trên tháp chùa Phổ Minh, năm 1305 (ngôi chùa được xây dựng năm 1262); trên bệ đá thời Trần tại chùa Hương Trai, có niên hiệu Đại Định thứ 2 (1370), chùa Bối Khê có niên hiệu Xương Phù thứ 6 (1382). Những di vật gốm hoa nâu, mặc dù không đề là đồ “ngự dụng”, nhưng những đặc trưng về phẩm cấp, hoa văn trang trí, có thể khẳng định chúng thuộc về tầng lớp quý tộc nhà Trần thậm chí nó là đồ “ngự dụng”. Những bệ đá thờ là những “bảo vật” có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao được bài trí trong không gian thiêng, trên thượng điện của những ngôi chùa.

Có thể nhận thấy, trên những di vật có niên đại thời Trần, cấu trúc văn “mây như ý” gồm ba phần như thời Lý, nhưng các dạng thức thì đa dạng hơn. Trong đó, nhiều hình cho thấy sự gần gũi, dường như là sự chuyển tiếp từ thời Lý sang, như trên chậu gốm men nâu phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long, hay như thống gốm phát hiện tại đền An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh) cùng thuộc loại hình gốm hoa nâu. Dạng thức này còn được liên tưởng đến hình rồng, mà đầu được cách điệu thành hình bông sen. Cũng có khi hình văn “mây như ý” trên bát gốm men trắng hay bát men nâu lại cho thấy nét tương đồng với hình trên nắp hộp men trắng hay trên mặt trống đồng lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hóa thời Lý như đã dẫn ở trên.

Văn “mây như ý” trên mảnh thạp gốm hoa nâu thời Trần tại Hoàng thành Thăng Long cũng như trên thạp gốm lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định có dạng thức khác biệt hơn cả. Nếu nó đứng độc lập một mình, sẽ khó có thể nhận ra là văn “mây như ý”, bởi vì mọi chi tiết phần đầu được tối giản thành ba chấm tròn, cùng hai hình cong cân xứng sang hai bên. Nhịp điệu của thân và đuôi doãng rộng như một dải lụa đang bay trước gió.

Văn “mây như ý” trang trí trên nắp hộp men trắng, thời Lý, các thế kỷ XI - XII (Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Văn “mây như ý” trang trí trên nắp hộp men trắng, thời Lý, các thế kỷ XI - XII (Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Văn “mây như ý” thời Lê sơ (thế kỷ XV)

Thời Lê sơ, văn mây như ý trang trí cùng với hình rồng, phượng trên những đồ ngự dụng đích thực đó là những chiếc bát, đĩa, bình gốm sứ men trắng, hoa lam phát hiện tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng như khu di tích Lam Kinh. Và nó trang trí cùng hình rồng trên trán bia có niên đại tuyệt đối tại khu di tích Lam Kinh.

Các dạng thức văn “mây như ý” dưới thời này vẫn là sự kế thừa cấu trúc của các thời trước đó. Sự bồng bềnh của phần đầu tượng trưng cho đám mây là những nét khắc/in, vẽ hình xoáy trôn ốc tạo nên, đám mây có phần đỉnh và hai vai giống hình chiếc khánh như hình được in trong lòng những bát gốm ngự dụng men trắng thời Lê sơ - thế kỷ XV, hình trên đạo sắc có niên hiệu Hồng Đức thứ 28 (1497), hay hình trên trán bia đá lưu giữ tại lăng Vua Lê Thánh Tông có niên đại 1498. Phần đuôi giống như một dải lụa với các nhịp lên xuống doãng, dài ngắn tùy thuộc vào từng bố cục trong từng vị trí cụ thể.

Căn cứ vào văn “mây như ý” cùng hình rồng khắc trên trán bia lăng Vua Lê Thánh Tông, niên đại 1498, so sánh với hình rồng in trên bát ngự dụng men trắng phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi cho rằng: dạng thức loại hoa văn này có sự tương đồng nhau, niên đại không muộn hơn năm 1498.

“Theo PGS. Nguyễn Bích thì mẫu hình rồng trang trí trên đồ sứ trắng mỏng (mà ông gọi là sứ “bạch định” và hoa lam khai quật ở Hoàng thành Thăng Long ta nhận thấy nó tương đồng phong cách với hình mẫu rồng đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Đây là ý kiến rất đáng lưu ý” (Bùi Minh Trí - Nguyễn Đình Chiến, 2004: 109). Sau đó, PGS.TS. Bùi Minh Trí xác quyết thêm: “Và dường như phong cách nghệ thuật này chỉ xuất hiện và được sản xuất nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn, từ giữa đến cuối thế kỷ 15, dưới thời Vua Lê Thái Tông (1433-1442), Vua Lê Nhân Tông (1442-1459) và Vua Lê Thánh Tông (1460-1497)” (Bùi Minh Trí, 2021: 9).

Có thể khẳng định một cách chắc chắn là: văn “mây như ý” đều được trang trí trên những di vật có giá trị cao về phẩm cấp (là đồ ngự dụng), những di vật đặc biệt (tạo hình và kích thước lớn) hoặc những di vật khi trang trí loại hoa văn này đều được bài trí ở những không gian thiêng, trang trọng trong những công trình kiến trúc thuộc về tín ngưỡng, tôn giáo. Văn “mây như ý” cùng với nhiều tiêu chí khác như rồng, phượng, sóng nước, các chữ “Quan”, “Kính”, “Trường Lạc”, “Quan dạng/diêu” (Bùi Minh Trí, 2021: 6-34) là một trong nhiều tiêu chí khẳng định phẩm cấp cùng đối tượng thuộc tầng lớp hoàng gia sử dụng chúng.

Cấu trúc và dạng thức văn mây như ý từ thời Lý đến thời Lê sơ về cơ bản tương tự nhau gồm 3 phần: đầu, thân và đuôi, nhưng diễn biến chi tiết có sự khác nhau. Văn mây như ý thời Lý thường được thể hiện tỉ mỉ, tinh tế, chi tiết, thời Trần nhịp điệu của thân doãng, thoáng và chắc khỏe; thời Lê sơ, thân và đuôi của văn mây như ý thanh mảnh và sắc nhọn. Chính những đặc điểm này góp phần làm nên đặc điểm, đặc trưng và phong cách mỹ thuật của từng thời. Đặc biệt, dạng thức của văn “mây như ý” có niên đại tuyệt đối, là cơ sở cho việc đưa ra nhận định về niên đại cho các dạng thức văn “mây như ý” khác không đề niên đại. Từ đó giúp cho việc nhận định về niên đại của những di vật trang trí loại hoa văn này.