Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng kỷ lục, dấu hiệu thuận lợi cho lần mở cửa trở lại?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, Bộ VHTTDL vừa có đề xuất lộ trình đón khách du lịch quốc tế sau ngày 15/3/2022 trong điều kiện bình thường mới. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch là điều kiện tiên quyết cho lần mở cửa này vì thế cần có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn nữa.

Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng vọt

Theo thống kê, năm 2021, toàn ngành du lịch đã phục vụ 40 triệu lượt khách nội địa và đón được 3.800 khách du lịch quốc tế theo chương trình thí điểm. Đây là những tín hiệu vô cùng khả quan cho thấy sự hồi sinh của ngành trong thời gian tới.

Tính riêng 9 ngày của dịp Tết âm lịch, toàn ngành đã phục vụ được trên 6,1 triệu lượt khách nội địa với tổng thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn nhưng du lịch Việt Nam vẫn nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá hàng đầu của khu vực và thế giới.

Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng nhanh kể từ sau khi ngành du lịch triển khai chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ cuối tháng 11/2021 cùng chiến dịch truyền thông "Live fully in Vietnam" Ảnh: Lê Đức
Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng nhanh kể từ sau khi ngành du lịch triển khai chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ cuối tháng 11/2021 cùng chiến dịch truyền thông "Live fully in Vietnam" Ảnh: Lê Đức

Theo thống kê, nhu cầu tìm kiếm thông tin liên quan đến du lịch Việt Nam đã ngày một tăng cao. Trung tâm thông tin du lịch- Tổng cục Du lịch Việt Nam dẫn dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights, cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh.

Trong tháng 12/2021 lượng tìm kiếm tăng dần, sang đầu tháng 1/2022 thì tăng tới 222% so với tháng trước và tăng 248% so với cùng kỳ 2021.

Số lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam đang duy trì ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425% so với kỳ 2021. Cũng từ đầu tháng 12/2021 lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú tăng rõ rệt. Thời điểm đầu tháng 1/2022 tăng 42% so với cùng kỳ 2021. Lượt tìm kiếm tiếp tục duy trì ở mức cao và thời điểm ngày đầu tháng 2/2022 đạt mức tăng 86% so với cùng kỳ 2021.

Công cụ Google Destination Insights cũng chỉ ra lượng tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam đến từ các quốc gia như Mỹ, Úc, Nga, Pháp, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Anh, Canada… 10 điểm đến của Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất gồm TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Quy Nhơn, Vũng Tàu.

Du khách check in ở Đảo Phú Quý, một trong những điểm đến hấp dẫn thời gian vừa qua

Du khách check in ở Đảo Phú Quý, một trong những điểm đến hấp dẫn thời gian vừa qua

Theo ghi nhận, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng nhanh kể từ sau khi ngành du lịch triển khai chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ cuối tháng 11/2021 cùng chiến dịch truyền thông "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn ở Việt Nam).

Đây được xem là tín hiệu khả quan về việc phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam năm 2022, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế dự kiến vào ngày 15/3 tới.

Các doanh nghiệp du lịch nhận định, việc Việt Nam công bố mở cửa sớm sẽ giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn mở bán tour đến khách quốc tế và thu hút du khách trở lại dần vào giai đoạn từ cuối tháng 4/2022.

Nhiều công ty lữ hành đã kịp hoàn thiện các bộ sản phẩm phù hợp với các yêu cầu trong chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và đáp ứng các yêu cầu đi du lịch của khách hàng tại các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ, châu Âu…

An toàn vẫn được đặt lên hàng đầu

Chia sẻ về kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế trong giai đoạn sắp tới, ông Nguyễn Trùng Khánh- Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn ngành du lịch đã sẵn sàng và tiến hành hoàn thiện tất cả các khâu để mở cửa du lịch trong tình hình mới. Trong quá trình chuẩn bị này, việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu. Đây là yếu tố tiên quyết cho hoạt động mở cửa.

Việt Nam đã tiến hành thí điểm và tiến tới dỡ bỏ mọi rào cản các chuyến bay quốc tế từ 15/2. Các chuyến bay trong nước cũng được khôi phục và hoạt động trở lại bình thường. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để ngành du lịch giao thương. Cùng với phương án mở cửa du lịch, Bộ VHTTDL đã báo cáo Chính phủ và xin áp dụng quy định, chính sách thị thực nhập cảnh với khách quốc tế như trước thời điểm dịch bệnh (trước năm 2020). Đây là chính sách cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.

Tính riêng 9 ngày của dịp Tết âm lịch, toàn ngành du lịch đã phục vụ được trên 6,1 triệu lượt khách nội địa với tổng thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng

Tính riêng 9 ngày của dịp Tết âm lịch, toàn ngành du lịch đã phục vụ được trên 6,1 triệu lượt khách nội địa với tổng thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng

Hiện nay, Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vắc xin của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên mới chỉ có 14 quốc gia trên thế giới công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của chúng ta. Do đó, hoạt động du lịch đi ra nước ngoài sẽ bị hạn chế. Điều đó dẫn đến sự mất cân bằng trong các chuyến bay quốc tế. Chúng ta đều biết rằng chỉ khi nào lượng khách đi và về ở mức cân bằng thì mới có thể đảm bảo hoạt động đón khách quốc tế bằng đường hàng không diễn ra ổn định và hiệu quả. Ông Nguyễn Trùng Khánh- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “Đây là vấn đề cần sớm được thúc đẩy và sẽ là nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy trong thời gian tới”.

Nhân lực phân tán, phục hồi cách nào?

Trước thời điểm dịch, ngành du lịch thu hút khoảng 2,5 triệu lao động, trong đó gần 1 triệu lao động trực tiếp. Tuy nhiên đến nay, với khoảng 80-90% cơ sở lưu trú cùng công ty lữ hành phải đóng cửa, làm việc cầm chừng. Điều này nói lên vấn đề khôi phục nhân lực quan trọng như nào trong việc mở cửa du lịch thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của PV Báo ANTĐ, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trước tiên là cần có cơ chế chính sách của Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp được khôi phục thì người lao động mới có thể thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Chỉ có hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở đó mới có thể thu hút người lao động quay trở lại. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Nhà nước đã có sự quan tâm, hỗ trợ các gói an sinh xã hội trực tiếp đến với doanh nghiệp và người lao động.

Trong lần mở cửa trở lại này, ngành du lịch tiếp tục hướng tới việc nâng cao chất lượng cạnh tranh điểm đến và sản phẩm du lịch

Trong lần mở cửa trở lại này, ngành du lịch tiếp tục hướng tới việc nâng cao chất lượng cạnh tranh điểm đến và sản phẩm du lịch

Tới đây, Tổng cục Du lịch tiếp tục duy trì việc hỗ trợ cho đến hết năm 2023. Bởi theo dự báo, hết năm 2023 kinh tế của các quốc gia trên thế giới mới có thể phục hồi được. Bên cạnh đó là phối hợp với các địa phương, bởi lẽ, mỗi địa phương đều có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như là người lao động trên địa bàn.

Trong đại dịch, tất cả các ngành nghề đều bị thiệt hại không chỉ riêng du lịch, tuy nhiên, khi các ngành kinh tế đều được phục hồi, công ăn việc làm và thu nhập ổn định thì các lực lượng lao động từng được đào tạo bài bản và bị đã phân tán do dịch sẽ quay trở lại. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng nhấn mạnh thời gian tới sẽ tiếp tục tiến hành đào tạo bài bản, bổ sung nhân lực du lịch…tất nhiên là trong điều kiện mở cửa ổn định chứ không phải kiểu “bật- tắt”.

Tiếp đó, trong lần mở cửa trở lại này, ngành du lịch cần nâng cao chất lượng cạnh tranh điểm đến và sản phẩm du lịch. Hiện tại, hầu hết các quốc gia đều đang nỗ lực mở cửa trở lại. Do đó, sự cạnh tranh trong giai đoạn này là điều tất yếu và đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong thời gian qua, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của Phái đoàn liên minh châu Âu để tạo ra Bộ chỉ số năng lực đánh giá điểm đến du lịch Việt Nam. Bộ chỉ số này đã được áp dụng tại 15 địa phương trọng điểm. Đây là công cụ để các địa phương tìm hiểu, khai thác và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương mình.