Lương thực tế vượt xa lương tối thiểu vùng, vì sao vẫn kiến nghị lùi thời điểm tăng lương?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo các chuyên gia lao động, việc tăng lương tối thiểu vùng 6% có thể vẫn không đủ bù đắp bởi lạm phát, nhưng cũng giảm đi phần nào khó khăn của những người lao động "ráo mồ hôi là hết tiền".
Các hiệp hội kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu tới ngày 1/1/2023

Các hiệp hội kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu tới ngày 1/1/2023

Sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 tới với mức tăng 6% để báo cáo Thủ tướng, 8 hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng vừa có văn bản xin lùi thời điểm tăng lương tới đầu năm 2023.

Theo các hiệp hội trên, trong 2 năm 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp thực sự rất khó khăn và kiệt quệ.

Hiện vẫn có nhiều người lao động mắc Covid-19 nên các doanh nghiệp phải gồng mình ứng phó, cùng với ảnh hưởng hậu Covid-19, ảnh hưởng năng suất của doanh nghiệp, chưa kể nguy cơ xuất hiện các làn sóng dịch mới ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Lùi thời điểm tăng lương góp phần tạo điều kiện cho các doang nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Việc 8 hiệp hội đề nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu sang năm 2023 đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Chia sẻ ý kiến về đề xuất trên anh Lê Văn Hải (Đông Anh, Hà Nội) cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, 2 năm không tăng lương, người lao động quá vất vả. Do đó tăng lương là cần thiết và nên thực hiện ngay, không nên lùi thêm. Tăng lương, công nhân rất phấn khởi nhưng mức tăng 6% là không đáng kể, thấp so với nhu cầu cuộc sống. Nếu không tăng lương, sẽ phát sinh mâu thuẫn, bức xúc trong quan hệ lao động, ảnh hưởng đến tâm tư người lao động.

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động, trên 90% doanh nghiệp xây dựng lương căn bản cao hơn 7-10% so với lương tối thiểu vùng, có nơi thu nhập của người lao động cao gấp đôi lương tối thiểu vùng.

Khi chưa có dịch bệnh Covid-19, hàng năm các nhà máy vẫn điều chỉnh lương để thu hút nhân công. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, 2 năm qua, lương tối thiểu vùng không được điều chỉnh cho nên thu của người lao động không được cải thiện. Để có thêm thu nhập, bù đắp chi phí tăng cao khi dịch lan rộng, công nhân phải tăng ca liên tục.

Bàn về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thực tế mức tăng 6% chưa thực sự đạt được kỳ vọng, mong muốn của người lao động cũng như tổ chức công đoàn. Bản thân người lao động cũng như công đoàn các cấp mong muốn tăng cao hơn mức 6% nhưng các bên phải thảo luận làm sao để hài hòa lợi ích, cân đối một cách hợp lý nhất.

Ban đầu là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng từ 7-9% và cũng kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng từ 7,25-8,16% nhưng sau các bên cân đối lại, thống nhất mức tăng 6%. Thực tế, đây chỉ là mức lương tối thiểu làm căn cứ tính lương, thu nhập còn người lao động có thể thương lượng với doanh nghiệp để có mức tăng lương đáp ứng nhu cầu.

Nói về ý kiến tăng lương có thể khiến doanh nghiệp tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tiền lương tối thiểu đang cách mức sống tối thiểu một khoảng rất xa, nếu không tăng lương, đời sống của người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn. Quan hệ lao động những tháng gần đây khá phức tạp, các vụ ngừng việc xảy ra đều có lý do chính là yêu sách tăng lương không được đáp ứng.

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiều, việc tăng lương tối thiểu vùng có thể tạo áp lực cho doanh nghiệp. Nhưng từ đó, doanh nghiệp phải đổi mới quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa, để Việt Nam không còn là mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp theo đuổi lao động giá rẻ.

Đã đến lúc Việt Nam không thể lấy thế mạnh trong thu hút đầu tư bằng nhân công giá rẻ, mà phải cạnh tranh bằng cơ chế thông thoáng và lực lượng lao động dồi dào. Muốn thu hút được lực lượng lao động, không có cách nào khác là phải cải thiện đời sống, trong đó nâng thu nhập là yếu tố cốt lõi.

Đây cũng là giải pháp góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh theo Nghị quyết của Đảng và Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.