Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh:

Luồng gió mới của âm nhạc cổ điển ở Việt Nam

ANTĐ - Về nước, chấp nhận mức lương thấp hơn rất nhiều mức lương được hưởng tại nước ngoài, nhưng nhạc trưởng tài năng Đồng Quang Vinh không hối tiếc khi được sống ở quê hương và cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam. 

Luồng gió mới của âm nhạc cổ điển ở Việt Nam  ảnh 1Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chỉ huy đêm nhạc “Beethoven concert 2”

Khước từ mức lương gấp 50 lần

Đồng Quang Vinh là người sôi nổi và nhiệt huyết, bằng cớ là khi nói chuyện, anh không mấy khi ngồi yên. Lúc cao hứng, Quang Vinh vừa hát, hai tay bỗng dưng biến thành cây đàn violon và gương mặt lúc nhíu lại lúc giãn ra theo tiết tấu. Cũng nhờ sự nhiệt huyết ấy cộng với tài năng và sự thông minh, Đồng Quang Vinh ngay từ nhỏ đã gặt hái được nhiều thành công. Sinh năm 1984, sau 9 năm theo học thạc sỹ chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc với thành tích xuất sắc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải (Trung Quốc), Đồng Quang Vinh đã khước từ nhiều lời mời ở lại làm việc với mức lương rất hấp dẫn để về nước. Một phần  lý do là gia đình, còn phần khác, anh muốn được chung tay cùng các nghệ sỹ nhạc cổ điển Việt Nam dàn dựng và biểu diễn các chương trình âm nhạc thính phòng thật chất lượng. 

Kết hôn với một cô gái Trung Quốc, người bạn học cùng lớp tại Thượng Hải, việc trở về Việt Nam với hai vợ chồng Đồng Quang Vinh là một bước ngoặt. Không được làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo, vợ Quang Vinh buộc phải chuyển sang dạy piano cho người nước ngoài. Còn Quang Vinh ngoài công việc của một giảng viên chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng, Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, anh còn lăn lội đi dạy thêm, tham gia biểu diễn. Dù vẫn nhận được nhiều email mời sang làm việc tại Trung Quốc với mức lương gấp 50 lần hiện nay, nhưng Đồng Quang Vinh không hối tiếc với quyết định trở về Việt Nam để cống hiến cho đất nước. 

Đưa nhạc hàn lâm đến gần công chúng

Đối mặt với chuyện “cơm áo gạo tiền” khi trở về đã đành, Đồng Quang Vinh còn vấp ngay phải sự thờ ơ của khán giả với thể loại âm nhạc bác học này. Lỗ hổng trong giáo dục âm nhạc đối với các học sinh Việt Nam đã tạo nên một lớp khán giả không hiểu, dẫn đến không yêu âm nhạc cổ điển. Với vai trò là một chỉ huy trẻ, Đồng Quang Vinh có nhiều ý tưởng để đưa loại hình âm nhạc này đến gần khán giả hơn. Những tác phẩm opera đồ sộ theo Đồng Quang Vinh nên được diễn trích đoạn, cắt ngắn lại, sử dụng trang phục Việt Nam, lời thoại nên được dịch ra tiếng Việt, hát đến đâu chiếu hình đến đó hoặc có thể kết hợp dàn nhạc giao hưởng với trình diễn thư pháp, hội họa (vẽ xong một bức tranh khi dàn nhạc vừa kết thúc) hoặc dàn nhạc giao hưởng có thể kết hợp với dàn nhạc tre nứa dân tộc… 

Mới đây, Đồng Quang Vinh được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam mời về làm chỉ huy chính. Đồng thời, anh cũng là Giám đốc và chỉ huy chính của Dàn hợp xướng Quốc tế Hà Nội, kế nhiệm nhạc trưởng người Anh, Graham Sutcliffe. Đặc biệt, về nước chỉ 1 năm, Đồng Quang Vinh đã kịp khôi phục lại dàn nhạc tre nứa “Sức sống mới” do cha anh là người đã chế tác toàn bộ nhạc cụ như: T’rưng, Ching’ram, K’lông pút, Đinh Pá, bộ gõ tre nứa, sáo trúc. Hiện nay, cái tên Đồng Quang Vinh đã phủ sóng rộng khắp tại các buổi biểu diễn hòa nhạc thính phòng cổ điển. Anh quan niệm: “Là chỉ huy, mình phải đi trước các nhạc công 10 bước, làm thế nào để âm nhạc đi đến khán giả theo con đường ngắn nhất”. Vì thế, những hôm thức đến 3h sáng để soạn bản tổng phổ nhạc cho đêm diễn không phải hiếm với Đồng Quang Vinh. Thậm chí, anh còn hóm hỉnh đùa vui rằng: “Có lẽ do thức đêm nhiều quá nên tôi luôn xuất hiện trước công chúng với cái đầu không mọc tóc”. 

Sự tận tâm của anh cho âm nhạc cổ điển đã được bù đắp bằng sự đón nhận nồng nhiệt của nhiều khán giả. Đồng Quang Vinh cho biết, người chỉ huy cầm cây đũa lên không chỉ là những cái phẩy tay đơn thuần mà còn cần truyền cảm hứng và chỉ ra cho nhạc công hiểu được họ phải làm gì. Sự mạnh mẽ và dứt khoát trong phong cách chỉ huy của Đồng Quang Vinh trên các sân khấu nhạc cổ điển đang hứa hẹn một luồng gió mới cho âm nhạc hàn lâm Việt Nam.