Lương đủ sống sẽ bớt tham nhũng

ANTĐ - Ngày 4-10, BCH Đảng bộ TP đã thảo luận về Chương trình Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2011-2015. Nhiều ý kiến, đề xuất mới mẻ, mạnh dạn đã được đưa ra góp ý cho lĩnh vực được đánh giá là rất nhạy cảm này.

Nhiều cá nhân được biểu dương về thành tích phòng chống tham nhũng


Thi tuyển lãnh đạo

Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Dự thảo chương trình nêu: “Quản lý cán bộ, đảng viên ở một số nơi còn lỏng lẻo. Việc phát hiện tham nhũng, lãng phí trong nội bộ còn hạn chế. Một số đảng viên, cán bộ, chuyên viên còn lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, tiêu cực. Tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng, sử dụng tài sản công, hội họp, lễ lạt... còn diễn ra ở nhiều ngành...”.

Dự thảo chương trình cũng chỉ ra 8 nhóm nhiệm vụ - giải pháp để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Trong đó, có một ý rất mới, được nhiều người quan tâm là “việc bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý theo hướng thi tuyển công khai (thí điểm ở các sở, ngành) nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ chạy chức, chạy quyền”. Rất ủng hộ ý này, Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội, ông Đào Văn Bình nói, đây là việc nên làm và thành phố cần sớm bổ sung quy định chi tiết về quy chế thi tuyển. Cũng tán thành thi tuyển lãnh đạo, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho rằng, chủ trương này giúp tăng tính công khai, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ.

Cũng bàn về cán bộ, công chức, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho rằng, phải “nuôi cán bộ, công chức đủ sống bằng thu nhập hợp lý, chính đáng” thì mới nâng được hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Ông chia sẻ: “So với hơn 10 năm trước, số cán bộ không tăng lên bao nhiêu trong khi đối tượng phải quản lý có lĩnh vực tăng tới hàng trăm lần. Lương thì có tăng, mỗi lần vài trăm nghìn đồng, nhưng cuối cùng vẫn không theo kịp giá nên có thể nói là chưa chăm lo đúng tầm cho “cái gốc” để phòng, chống tham nhũng. Giả sử, tiết kiệm 5 - 10% tiền chi xây dựng cơ bản thì lương sẽ tăng được bao nhiêu cho cán bộ công chức...”. Ông Trần Huy Sáng còn cho rằng, việc công khai tài sản cá nhân hiện nay chưa thực chất, dẫn tới thất thu thuế rất lớn, đặc biệt tại các doanh nghiệp. Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, cần phải giải quyết tốt “tiền lương” và “công khai tài sản” thì mới xử lý được gốc của vấn đề.

Lãng phí còn rất lớn

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức, ông Khuất Văn Thành nói: “Chúng ta lâu nay dường như thiên về phòng, chống tham nhũng hơn vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong khi đó, lãng phí nguồn lực, đất đai... đang khá phổ biến. Ở huyện tôi, có dự án thu hồi đến 200ha đất canh tác của dân nhưng để 5-6 năm nay không làm gì. Làm dự án cũng thế, mất nhiều tháng để làm thủ tục thành ra vốn bị “đội” lên. Dự toán ban đầu hết có 60 tỷ đồng thì thành 100 tỷ đồng mới xong. Đáng ra được 2 công trình cuối cùng chỉ còn 1. Những sự lãng phí đó lớn lắm chứ...”. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu bổ sung: “Thực hành tiết kiệm chưa làm được nhiều, trong cả sản xuất và tiêu dùng. Tôi đến cơ quan nào cũng thấy biển cấm hút thuốc lá nhưng chưa bao giờ thấy biển kêu gọi tiết kiệm điện chẳng hạn...”. Ông Lê Văn Hoạt đồng tình: “Dự án mấy chục tỷ đồng không đưa vào sử dụng hay đất đai bỏ không là lãng phí lớn. Do đó, cần dành sự quan tâm sâu sắc hơn tới chống lãng phí, nhất là trong đầu tư, xây dựng, đất đai, họp hành...”.

Phân tích những nguyên nhân gây ra nạn tham nhũng, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức, ông Nguyễn Ngọc Thạch nói: “Ở đây có 2 góc độ, người đưa tiền muốn “bôi trơn” để nhanh được việc và người nhận cũng không từ chối”. Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức cũng đề nghị, cần tập trung nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng. Bởi, ai cũng cho đó là nguy cơ nhưng lại nghĩ “tham nhũng còn đang ở đâu đó rất xa, chứ không có ở nơi mình công tác”. Dẫn lại 5 bí quyết của Hàn Quốc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ: “Muốn cho dòng nước trong thì đầu nguồn phải chảy” - tức lãnh đạo phải gương mẫu. Tiếp đó là, “quy luật ánh sáng tới khắp mọi nơi” - mọi thứ phải công khai minh bạch. Kế sau là, “cá phải ướp muối” - các vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh... Những câu này không phải tầm chương trích cú mà thực sự rất đúng trong phòng, chống tham nhũng.”