Lương “ăn” vào năng suất

ANTĐ - Tổ chức Lao động Quốc tế vừa đưa ra một số liệu khiến không ít người lo ngại. Tăng trưởng lương ở hầu hết các nước ở mức rất thấp, mức lương tháng trung bình chỉ tăng 1,2% trong năm 2011, giảm 2,1% so với năm 2010 và 3% so với năm 2007. Thế nhưng chỉ riêng Việt Nam lại đi ngược chiều, tiền lương danh nghĩa trung bình tăng tới 26,8%/năm trong giai đoạn 2006-2011. Ngay cả khi lạm phát ở mức cao thì lương thực tế vẫn tăng 12,6%/năm. Nghịch lý này nói lên điều gì?

Trong khi trên thế giới, tăng trưởng lương với tốc độ thấp hơn tăng năng suất lao động, thì Việt Nam lại diễn ra mâu thuẫn: tốc độ tăng lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động tới 3 lần. Nhiều chuyên gia lao động nhận xét đây là một thực trạng đáng lo ngại về chất lượng lao động của nước ta. Tổ chức Lao động quốc tế xếp hạng chất lượng nguồn lao động Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất ở khu vực dẫn đến năng suất lao động thấp. Năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn Indonesia 10 lần, Maylaysia 20 lần, Thái Lan 30 và Nhật Bản tới 135 lần. Cuộc khảo sát mới đây của Tập đoàn Manpower tại 6.000 doanh nghiệp thuộc 9 lĩnh vực ở 9 tỉnh, thành cả nước cho thấy, 1/4 doanh nghiệp thiếu lao động thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo,1/3 không tìm được lao động có kỹ năng, 1/5 thiếu lao động có khẳ năng thích nghi với công nghệ cao và 2/5 giám đốc điều hành gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động.

Đặc biệt, một số ngành như y tế, chế biến thực phẩm, xây dựng, hóa chất, dệt thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, nguyên nhân năng suất lao động thấp là do mâu thuẫn giữa mô hình tăng trưởng kinh tế, và chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Mười năm trước, trong chiến lược phát triển đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế dựa chủ yếu vào công nghệ cao và năng suất lao động. Song, sau hơn 10 năm, chất lượng nguồn nhân lực vẫn quá thấp, năng suất lao động thuộc loại thấp nhất khu vực, cơ cấu lại bất hợp lý. Một thực trạng đáng báo động là, tỷ lệ đóng góp từ nhân lực, trí tuệ, năng suất lao động, công nghệ vào tăng trưởng ở nước ta chỉ chiếm 28%, so với các nước ASEAN là 40% và các nước phát triển là 70%.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho rằng, nếu không nâng cao chất lượng lao động thì sẽ không có năng suất cao. Những kết quả không mấy tốt đẹp sau 10 năm quyết tâm đột phá về nguồn nhân lực chính là vì phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hầu như không đi cùng chiến lược đào tạo nhân lực. Với mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn và hệ thống doanh nghiệp nhà nước với giá trị gia tăng từ tăng trưởng rất thấp thì chất lượng, năng suất lao động khó có cơ hội phát triển.

Không có gì đáng mừng khi tốc độ tăng lương thực tế lại cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động, mặc dù mức lương tối thiểu không thể đảm bảo gần 70% nhu cầu tối thiểu của người lao động. Có nghĩa là lương tối thiểu không còn là công cụ hữu ích kích thích người lao động, bởi lương đang “ăn” vào năng suất lao động.