Lúng túng quyền lợi thầy và trò

ANTĐ - Quy định về việc quản lý dạy thêm, học thêm đã có hiệu lực hơn 4 tháng theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đang tranh cãi giữa một bên là quyền lợi học trò, một bên là đời sống giáo viên khi siết chặt quản lý hoạt động này.

Hà Nội sẽ nói không với dạy thêm bậc tiểu học

Lương dưới 3 triệu đồng mà không dạy thêm thì...

Đây là phản ánh của Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, bà Nguyễn Thúy Anh. Theo Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, hiện tại trường  không đủ điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức dạy thêm trong nhà trường vì thế giáo viên có nhu cầu đều phải tham gia dạy thêm ở ngoài nhà trường. Tuy nhiên, theo quy định mới, giáo viên hưởng lương ngân sách nhà nước không được đứng ra tổ chức dạy thêm mà chỉ được làm việc này tại các cơ sở do tổ chức cá nhân khác đứng ra xin cấp phép hoạt động dạy thêm, đồng thời không được dạy thêm học sinh chính khóa của mình. “Rất khó khăn khi thực hiện Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT. Trường tôi có hàng chục giáo viên hiện đang hưởng mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng. Nếu không có thu nhập thêm sẽ khó có thể đảm bảo chất lượng đời sống.” – bà Nguyễn Thúy Anh cho biết.

Trong khi Hà Nội chưa đưa ra được quy định cụ thể về quản lý dạy thêm học thêm thì tại nhiều quận, huyện, việc dạy thêm đã bị dừng hẳn với bậc tiểu học theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT kể cả trông giữ ngoài giờ... Với các giáo viên tiểu học, việc dạy thêm học sinh của mình là một trong những khoản thu nhập chính. Nhiều giáo viên cho rằng sẽ bất cập, không triệt để và thiếu công bằng khi các trung tâm hay các cơ sở luyện thi vào lớp 6 vẫn thuê giáo viên tiểu học dạy thêm học sinh bậc học này còn các cô lại không được dạy học sinh của mình. “Với mức lương chỉ trên 3 triệu đồng thì khả năng các cô lại phải “cạnh tranh” với các sinh viên trong việc nhận gia sư, khi các lớp dạy thêm của học sinh mình hiện đã phải dừng hết” – một giáo viên tiểu học quận Đống Đa cho biết.

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Việt, Phó Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội-Amsterdam đặt câu hỏi, việc dạy thêm ở bậc tiểu học là không được phép, vậy có áp dụng với những thầy cô có uy tín được phụ huynh các trường ngoài tìm đến nhờ dạy thêm hay không vì đây là nhu cầu thực? 

Phải xét từ nhu cầu học sinh 

Khẳng định hướng xây dựng văn bản quản lý dạy thêm học thêm là phải xét từ nhu cầu học sinh chứ không xuất phát từ quyền lợi giáo viên, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tuyệt đối không cấp phép cho giáo viên tiểu học dạy thêm. “Giáo viên không được cấp phép thì cũng không thể tham gia dạy tại các trung tâm có tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học” – Ông Quang cho biết. Một mâu thuẫn được chỉ ra trong quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT là trong khi cấm dạy thêm với học sinh tiểu học thì lại không cấm cấp phép cho các trung tâm dạy chương trình tiểu học. “Tuy nhiên Hà Nội sẽ dừng hoàn toàn việc cấp phép này” - ông Quang cho biết về hướng đề xuất của Hà Nội đối với hoạt động dạy thêm bậc tiểu học. Đối với các nhu cầu trông giữ học sinh tiểu học ngoài giờ, lớp học kỹ năng, nghệ thuật, thể thao... thì không đưa vào quy định quản lý dạy thêm học thêm nhưng bắt buộc các trường phải có đề án và được cấp quản lý phê duyệt.

Không bị cấm hoàn toàn như bậc tiểu học, ở khối THCS và THPT chỉ phức tạp với việc giáo viên không được dạy thêm học sinh chính khóa của mình. Đây cũng là để đảm bảo quyền lợi học sinh, tránh việc lợi dụng, thiếu khách quan của giáo viên khi đồng thời vừa dạy trên lớp vừa dạy thêm học sinh của mình. Tuy nhiên, thực tế triển khai không dễ khi giáo viên vẫn muốn dạy học sinh của mình với giải thích là nắm bắt được điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh. Nhưng còn một nguyên nhân không được thừa nhận chính thức là nếu không được dạy học sinh chính khóa thì nhiều giáo viên sẽ không có lớp dạy thêm.

“Nếu không bắt buộc thì thay vì chọn giáo viên đứng lớp của mình, tôi sẽ lựa chọn những thầy cô có uy tín ở nhiều nơi khác để luyện cho con mình” - chị Nguyễn Minh Thái, trường THCS Thịnh Quang cho biết. Điều này sẽ dẫn tới khả năng có sự đối phó với cấp trên khi kiểm tra, còn thực tế vẫn là “cô đâu trò đấy”. Đại diện Ban Giám hiệu trường THCS Ngô Gia Tự cũng thừa nhận, việc sắp xếp học sinh học thêm theo năng lực thay vì theo lớp sẽ gây xáo trộn lớn trong nhà trường. Còn nếu muốn thực hiện thì đây sẽ phải là một cuộc “chiến đấu” thực sự với thanh tra, kiểm tra gắt gao mới triển khai được.