Luật chơi và người chơi

ANTĐ - Sau gần 10 năm nghiên cứu và thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, hiện vẫn chưa có mô hình đứng theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh: hiệu quả bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử. Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chiếm phần chi phối lớn nhất trong khâu phát điện. Ý kiến này được một số chuyên gia nhấn mạnh tại cuộc hội thảo quốc tế về phát triển thị trường điện Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì cho rằng đang chịu áp lực tăng giá, trong khi nhiều chuyên gia đề nghị phải tăng tính cạnh tranh trong ngành này.

Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, chỉ riêng 1 năm triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, EVN đã phải thanh toán tiền mua điện lên tới trên 54.000 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD), cao hơn 827 tỷ đồng so với cơ chế thanh toán theo hợp đồng. Có một thực tế, trước đây các nhà máy điện chỉ có một cách duy nhất là giảm chi phí để tăng lợi nhuận, hiện nay họ có thể tăng lợi nhuận bằng cách chào giá. Một hạn chế của thị trường điện là chỉ mới cạnh tranh khâu phát điện, nhưng đầu vào như than, khí hóa lỏng và giá bán lẻ điện đầu ra lại không theo thị trường, mặc dù Chính phủ đã có lộ trình nâng giá bán lẻ đến năm 2015.

Vì vậy, theo đại diện EVN, giá bán lẻ điện cần được điều chỉnh ở mức tương ứng so với thị trường điện cạnh tranh. Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương cũng lên tiếng trước áp lực giá điện do giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện liên tục tăng trong 2 năm qua, đẩy chi phí nhiệt điện lên cao hơn. Cụ thể, mức giá trần cao nhất của thị trường phát điện đầu năm 2013 mới ở mức 846,3 đồng/kWh, đến đầu năm 2014 đã vọt lên 1.168/kWh. Mặc dù ủng hộ giá điện phải theo cơ chế thị trường, song Chủ tịch Hiệp hội năng lực Việt Nam (VEA) nhấn mạnh, để thị trường vận hành tốt hơn, cần xây dựng lại “luật chơi, cách chơi và người chơi”. Chừng nào cách chơi vẫn bị chi phối bởi cơ chế xin cho, ban phát, dựa theo mối quan hệ chiều dọc từ trên xuống và từ dưới lên như dư luận vẫn gọi là “chạy”, thì thị trường điện chưa thể vận hành lành mạnh.

Theo lộ trình Bộ Công Thương đang thực hiện, phải đến hết năm 2023, nước ta mới xây dựng xong thị trường điện  bán lẻ cạnh tranh. Như vậy, từ năm 2005 bắt đầu và phải đến tận năm 2023 mới hoàn thành là một chặng đường quá dài. Đại diện Hội đồng Khoa học năng lượng VEA và một số chuyên gia nhấn mạnh, nếu không có giải pháp mạnh mẽ và khẩn trương thì hậu quả xấu là độc quyền vẫn tồn tại, gây tổn thất cho nền kinh tế. Không thay đổi “luật chơi và người chơi” thì doanh nghiệp và người dân không được quyền mua điện, trong thị trường bán lẻ cạnh tranh như các loại hàng hóa thiết yếu khác.