"Lửa thanh xuân"- Ký ức về thời thanh niên sôi nổi

ANTD.VN -Các nhân chứng lịch sử có mặt tại lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Lửa thanh xuân” đã rất xúc động khi được sống lại thời thanh niên sôi nổi lên đường đấu tranh giành độc lập cho tôe quốc, có những người phải chịu ngục tù, những trận đòn tra tấn dã man nhưng lớp thế hệ khi ấy vẫn một lòng sắt son với đồng chí, với Đảng và nhân dân.

Cựu chiến binh Nguyễn Tài Triệu, 80 tuổi, với một bên chân giả nhớ lại, năm 16 tuổi, mới học hết lớp 7 của hệ phổ thông 10 năm, nghe theo tiếng gọi của phong trào “Ba sẵn sàng” của Thành đoàn Hà Nội năm 1965, ông đã viết đơn bằng máu, xung phong vào Nam chiến đấu. Trong một trận đánh ở Tuy Hòa, Phú Yên, ông bị thương ở chân và bị địch bắt. Câu hỏi duy nhất ông bị tra vấn là nơi rút quân của bộ đội Việt Nam sau trận đánh ở đâu?

Ông nhất quyết không khai và chỉ trả lời “không biết”. Không khai thác được gì, chúng để mặc vết thương của ông không chữa trị, dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử, chân phải cưa đến 3 lần, cụt đến háng. 1 tháng rưỡi sau, khi vết thương còn mưng mủ, chúng chuyển ông về trại giam Hồ Nai (Biên Hòa) và sau đó là trại giam tù binh Phú Quốc.

Các nhân chứng lịch sử tham quan trưng bày

Còn Trung tướng, Anh hùng LLVT Châu Văn Mẫn, một cựu tù Côn Đảo chia sẻ, năm 18 tuổi, ông tham gia công tác điều tra tình hình địch ở chiến trường Tây Nguyên. 2 năm sau ông bị địch bắt. 10 ngày ròng rã, chúng thay nhau tra hỏi, liên tục tra tấn bằng quay điện đến đòn roi.

“Tôi chỉ mới 20 tuổi và thân hình quá nhỏ bé đối với chúng nhưng không hiểu vì sao càng đau đớn, càng căm giận, tôi càng kiên cường”, ông Châu Văn Mẫn nhớ lại.

Cả hai nhân chứng cho biết, bị bỏ đói, ăn cơm hẩm hay chịu những đòn tra tấn không thể làm khuất phục những người thanh niên trẻ tuổi khi ấy. Niềm tin vào chiến thắng tất yếu của cuộc đấu tranh chính nghĩa khiến họ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Dù để lại một phần thân thể nơi chiến trường hay chịu nhiều đau đớn về thể xác trong các nhà tù của thực dân và đế quốc nhưng họ luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Đó là thời thanh niên nhiệt huyết mà những người trẻ đã cống hiến cho đất nước trong một giai đoạn lịch sử đầy hào hùng của dân tộc.

Một nhân chứng đã rất xúc động khi nhìn lại thời thanh niên của lớp thế hệ thanh niên ngày ấy

Bà Đỗ Hồng Phấn (86 tuổi), nguyên Bí thư Chi đoàn học sinh kháng chiến Trường Nữ Trung học Trưng Vương (Hà Nội) cho biết, phòng trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên Hà Nội rất sôi nổi vào năm 1950. Các bà khi ấy đều là con các gia đình khá giả của Hà Nội nhưng không chịu đứng ngoài những cuộc diễu hành, trên đường phố, giương khẩu hiệu tưởng nhớ các học sinh miền Nam bị kẻ địch giết hại ngày 20-1-1950.

Không khí căm giận trong thành phố lớn tới mức chính quyền thành phố phải để yên cho học sinh nghỉ học đi truy điệu. Đội ngũ chỉnh tề, mỗi trường mỗi đoàn, rồi băng khẩu hiệu và vòng hoa, tất cả nam nữ mặc quần áo toàn trắng và băng tang đen trên ngực.

Bà Đỗ Hồng Phấn lý giải, dù có đủ đầy về vật chất nhưng bà vẫn hăng hái tham gia các phòng trào thanh niên khi ấy là bởi, bà cảm nhận được nỗi nhục của người dân một đất nước còn chịu xiềng xích của thực dân. Và khi nhớ về quãng đời tuổi trẻ, bà đã vô cùng tự hào với những đóng góp của mình.

Không chỉ nhớ lại ký ức đã đi qua, bà Đỗ Hồng Phấn còn mong muốn, thế hệ trẻ ngày nay sẽ nối dài thanh xuân của thế hệ các bà, làm rạng rỡ cho non sông đất nước. Thanh xuân không chỉ là tuổi trẻ mà còn là cảm xúc. Khi ta còn khát khao và nhiệt huyết cống hiến, thì khi đó ta vẫn đang sống với cảm xúc của lứa tuổi 20.

Một hiện vật được trưng bày tại "Lửa thanh xuân"

Với 3 nội dung chính: "Khúc ca tuổi trẻ", "Ánh sao nơi tù ngục", "Niềm tin và Khát vọng", triển lãm giới thiệu về sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tri ân những cống hiến, hy sinh của các thế hệ Đoàn viên, thanh niên trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Những hiện vật như giấy khen, thư, khăn tay, bằng khen…gắn với những người lính, những anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đều được trưng bày.

Trưng bày còn giới thiệu đến công chúng 25 hiện vật gắn liền với ký ức thanh xuân, quá trình hoạt động Đoàn của các nhân chứng lịch sử.

Trưng bày diễn ra từ 15/3 - 30/6 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội