Lòng mẹ
(ANTĐ) - Người đàn bà đó đến tìm tôi vào một tối mùa đông. Chiếc áo măng tô dày, nặng cũng không chống được cái lạnh cắt da cắt thịt khiến mặt chị tái đi. Chị giới thiệu rất nhanh là mẹ của một nhân vật trong loạt bài viết tôi vừa đi trại giam về. Qua rất nhiều mối quan hệ, cuối cùng, chị biết được địa chỉ nhà tôi.
Có thể vì chị quá xúc động nên sau khi nhấp ngụm chè nóng, chị vẫn còn run. Hai bàn tay cứ xoa đi xoa lại cái cốc. Tôi nhìn chị, chưa biết bắt đầu câu chuyện theo cách nào bởi có lẽ, trong đời làm báo của mình, đây là lần đầu tiên tôi bị rơi vào tình huống này.
Những khoảnh khắc chầm chậm trôi, chị kể:
...Người tôi gặp trong trại giam đó là đứa con trai duy nhất của chị. Khi nó 5 tuổi, cha nó bị bệnh nặng qua đời. Từ ngày đó, chị ở vậy nuôi con. Chị muốn dồn hết tình cảm cho nó, mặc cho tuổi xuân qua đi, mặc cho những cơ hội làm vợ qua đi. Để đáp lại, nó là đứa hiếu học, luôn thương mẹ và niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời chị chính là khi nó khoe mẹ đã thi đỗ đại học.
Đến năm thứ ba, trong một lần cãi nhau với bạn, tuổi trẻ ngông cuồng và tính hiếu thắng đã hại nó. Nó cầm viên gạch nện vào đầu thằng kia. Nạn nhân không chết nhưng liệt nửa người, còn nó vác cái án 12 năm tù. Các cánh cửa khép lại với nó từ đó.
Vậy chị đến gặp tôi có việc gì - Tôi hỏi chị. Người mẹ khốn khổ ấy nói trong nước mắt rằng, nếu có thể, tôi giúp chị gửi đơn đến những nơi có thể quyết định cuộc đời nó, nghĩa là hy vọng giảm án. Tôi chỉ có thể nói với chị rằng, án phúc thẩm, giám đốc thẩm đã có hiệu lực, sự thay đổi là điều rất khó, bởi trước đó, nó đã được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Những giọt nước mắt khô nhanh, và trên môi chị đã nở nụ cười. Chị kể, hôm qua, chị vừa lên trại thăm con. Chị mang cho nó một cái bàn phím vi tính cũ cùng những cuốn sách, tạp chí, để những ngày tháng trong trại giam trôi nhanh hơn, để đôi tay nó vẫn quen sử dụng bàn phím và để mỗi khi chiều buông xuống, nó có thể tâm sự với mẹ và người thân bằng cách gõ những con chữ trên bàn phím, phía trước là màn hình ảo.
Cả đêm đó, tôi không tài nào chợp mắt được. Tôi hình dung ra cảnh mỗi tối, người thanh niên ấy lại lấy bàn phím ra, những ngón tay mềm mại gõ đều đều trên bàn phím. Cậu ta nói chuyện với mọi người ở xa bằng cách đó và tưởng tượng ra cả những câu thoại mà họ sẽ nói với mình.
Còn người mẹ, dù ở cách xa con mấy trăm cây số, dù cuộc sống còn vô vàn khó khăn nhưng vẫn cảm thấy đứa con luôn ở rất gần, vẫn gõ đều trên bàn phím vào mỗi tối để nói với mẹ nhiều điều và dâng lên niềm hy vọng cho ngày trở về...
Việt Quang