“Loạn” tài liệu ôn thi

ANTĐ - Tình trạng loạn sách ôn thi tốt nghiệp hay tài liệu về những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 đang diễn biến trái ngược với chủ trương “giảm tải” cho túi tiền người dân của Bộ GD-ĐT sau khi quyết định không xuất bản các tài liệu này. 

Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, thí sinh và phụ huynh có thể tra cứu trên mạng để tìm hiểu thông tin được đăng tải đầy đủ trên các trang web của trường cũng như của Bộ. Bên cạnh đó, sách giáo khoa phổ thông được lãnh đạo Bộ khẳng định là tài liệu tốt nhất để thí sinh ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào tháng 6 tới thay vì trông chờ vào tài liệu hướng dẫn ôn thi của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, thiện ý của Bộ GD-ĐT lại trở thành một cuộc chạy đua vì lợi nhuận của các nhà xuất bản, khi liên tục gửi công văn về các địa phương đánh “hỏa mù” rằng đây là các tài liệu có sự tham gia của các chuyên viên, đại diện Bộ GD-ĐT. Không biết vô tình hay hữu ý nhưng nhiều Sở GD-ĐT đã phổ biến cho học sinh địa phương với tinh thần “khuyến khích” mua tài liệu hướng dẫn ôn thi nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Vậy là cách làm của Bộ GD-ĐT dù là vì mục đích tốt lại khiến cho nhiều gia đình lúng túng trong việc tìm mua cho con em mình tài liệu phục vụ cho kỳ thi đặc biệt quan trọng này đồng thời lại tạo cơ hội cho các đơn vị in ấn tranh thủ kiếm chác. 

Sở dĩ có tình trạng ăn theo của các đơn vị xuất bản, phát hành một phần chính là do ý thức chủ quan của học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Quan điểm nặng về thi cử, chỉ học dồn, học tủ trước khi diễn ra kỳ thi thay vì đầu tư dạy và học vững vàng từ trong năm học khiến cho đa số có tâm lý chờ đợi, phụ thuộc vào những tài liệu này. Thiếu các loại sách ôn tập, học sinh sẽ mất chỗ dựa tâm lý. Việc phải bơi trong một bể kiến thức đã hổng từ trước khiến cả thầy và trò đều lo lắng trước các kỳ thi quan trọng mà trước mắt là thi tốt nghiệp THPT. Vậy nên dù Bộ không phát hành thì hàng năm đến hẹn lại lên, tình trạng loạn tài liệu ôn thi sẽ tái diễn bởi sự thiếu tự tin cũng như tâm lý đối phó thi cử của cách dạy và học hiện nay.