Lo dịch bệnh đầu xuân

ANTĐ - Ngày 5-2, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế xác nhận đã có thêm một trường hợp tử vong mới do nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 trong năm 2014. Cùng đó, cúm gia cầm A/H7N9 và nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác cũng có nguy cơ bùng phát mạnh trong mùa đông xuân này.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, nạn nhân mới nhất vừa tử vong do cúm A/H5N1 là một phụ nữ 60 tuổi, ở huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp). Bệnh nhân này khởi phát bệnh từ 22-1, được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang ngày  27-1 và tử vong sau đó một ngày. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho thấy kết quả dương tính với cúm A/H5N1. Qua điều tra tiền sử, trước đó bệnh nhân này đã giết mổ vịt bị chết không rõ nguyên nhân. Khu vực sinh sống của gia đình bệnh nhân có hiện tượng gà, vịt bị ốm, chết. Hiện tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp và Trung tâm y tế huyện Thanh Bình đã xử lý, khống chế ổ dịch theo quy định. 

Như vậy, đây đã là ca tử vong thứ 2 do dịch cúm gia cầm A/H5N1 kể từ đầu năm 2014 đến nay, sau hơn 9 tháng cả nước không ghi nhận ca bệnh nào trên người. Như ANTĐ đã đưa tin, trường hợp tử vong đầu tiên trong năm nay là một nam giới, 52 tuổi, ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo, hiện tỷ lệ lưu hành virus cúm gia cầm H5N1 trên đàn gia cầm ở nước ta khá cao, nguy cơ lây nhiễm cúm từ gia cầm sang người rất lớn. Đặc biệt, thời tiết mùa đông xuân hiện nay rất thuận lợi cho các loại virus phát triển và theo kinh nghiệm thì đây thường là thời điểm có số ca mắc, tử vong do cúm gia cầm tăng cao nhất trong năm. 

Khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 trong nước đang bùng phát trở lại thì loại dịch cúm gia cầm A/H7N9 đang lan rộng tại Trung Quốc vẫn đang đe dọa xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào. PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, thông tin mới nhất từ Trung Quốc cho thấy hiện nước này đã ghi nhận bệnh nhân dương tính với cúm H7N9 tại tỉnh Quảng Tây- khu vực giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn của nước ta. Vì thế, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT vừa có thông cáo chung xác nhận nguy cơ nhiễm cúm gia cầm cả trên người và trên gia cầm ở nước ta đều cao hơn rất nhiều vào giai đoạn này, đặc biệt trong bối cảnh việc thông thương buôn bán gia cầm qua biên giới, nhất là gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam hiện còn khá phổ biến và chưa được kiểm soát tốt. 

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm bằng cách: không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Cũng theo Bộ Y tế, bên cạnh các loại dịch cúm gia cầm thì trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc gồm Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn đã xuất hiện nhiều ổ dịch phát ban nghi sởi. Cụ thể, tại Sơn La, dịch sốt phát ban nghi sởi xảy ra ở 2 xã Chiềng Ân và Ngọc Chiến (huyện Mường La) với 80 trường hợp mắc được ghi nhận. Tại Yên Bái, dịch sốt phát ban nghi sởi xảy ra tại xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) với tổng số 65 ca mắc được ghi nhận, trong đó chỉ tính riêng 4 ngày Tết đã có 18 ca mắc. Còn tại Lạng Sơn ghi nhận 13 trường hợp mắc bệnh. Hiện có 47 mẫu bệnh phẩm được lấy tại các ổ dịch nói trên đã được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm, dự kiến sẽ có kết quả trong tuần này.