Liên hoan phim Tokyo mở màn với “Cry Macho” của Clint Eastwood

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên hoan phim quốc tế Tokyo (TIFF) lần thứ 34 năm 2021 khai mạc ngày 30-10 với bộ phim “Cry Macho” - phim mới nhất của đạo diễn bậc thầy Clint Eastwood.
Mike (Clint Eastwood đóng) và cậu bé Rafo (Eduardo Minett) trong “Cry Macho”

Mike (Clint Eastwood đóng) và cậu bé Rafo (Eduardo Minett) trong “Cry Macho”

Đàn ông ở tuổi gần đất xa trời

Khác với khá nhiều siêu phẩm trong sự nghiệp làm phim lừng lẫy của mình, “Cry Macho” do Clint Eastwood đạo diễn có câu chuyện rất đơn giản và tưởng chừng thử thách sự kiên nhẫn của người xem. Lấy bối cảnh năm 1979, phim hành trình này diễn ra như sau: Mike (Clint Eastwood đóng) là một nài ngựa già nua, góa vợ và hết thời đang sống lặng lẽ nơi thôn dã. Người chủ cũ của Mike là Howard (Dwight Yoakam đóng) lo ngại cậu con trai của ông là Rafo (Eduardo Minett đóng) đang sống bấp bênh nên nhờ Mike đến Mexico (nơi Rafo đang sống với mẹ là Leta) tìm lại cậu và dụ cậu rời khỏi chốn đó để có một tương lai an toàn hơn.

The Film Stage cho rằng, nếu như khán giả có thể dễ dàng hiểu cốt truyện “Cry Macho” thì “những khoảnh khắc cô đơn kéo dài” của ngôi sao 91 tuổi Eastwood làm nên sự quyến rũ. Tờ Variety đánh giá, phim “thân thiện, dễ chịu và ấm áp”. Còn tờ Rolling Stone ca ngợi về “lòng tốt” mà bộ phim truyền tải khiến người xem rung động.

Mike đi qua biên giới và gặp Leta (Fernanda Urrejola đóng) - một người đàn bà giàu có, trăng hoa và ca thán rằng Rafo là đứa trẻ hư hỏng, trộm vặt, mê đá gà. Mike không tin lời Leta mà còn từ chối sự lẳng lơ của bà để mang Rafo cùng chú gà trống rất thú vị (tên là Macho) của cậu lên chiếc xe hơi cà tàng để rời đi. Hai người đàn ông, một ở tuổi gần đất xa trời, một chỉ là cậu bé non nớt, cùng bắt đầu cuộc phiêu lưu trên sa mạc. Mike dạy Rafo một số bài học về huấn luyện ngựa hoang, họ cũng thư giãn vui vẻ trong một quán cà phê thuộc sở hữu của một góa phụ trung niên tốt bụng tên là Marta (Natalia Traven) - người cũng cảm mến Mike và cả 2 có những giây phút tình cảm dịu dàng. Eastwood và Natalia Traven đã diễn xuất rất ăn ý và tinh tế ở trường đoạn này. Đây là một trong những nét nổi bật của bức tranh tâm lý xã hội và những nhân vật trong cuộc đời mà bạn có thể tình cờ gặp gỡ, song lại mang đến niềm vui và hạnh phúc ấm áp nhất.

Mike hứa với Rafo rằng, cha cậu có ý định cao cả trong việc đưa cậu đến vùng đất mới và điều này khiến Rafo phấn khích trước viễn cảnh về một cuộc sống mới cho chính mình. Những trao đổi, chia sẻ “trước lạ sau quen” giữa Mike và Rafo có ý nghĩa như một sự chuyển giao thế hệ tất yếu trong quy luật cuộc sống (tre già, măng mọc). Và sự trưởng thành của những đứa trẻ như Rafo sẽ có sự giúp ích rất nhiều từ lời khuyên của những ai đã đi qua hết mọi thăng trầm, trải nghiệm buồn vui cuộc đời như Mike.

Dẫu sao, khán giả không khỏi ngậm ngùi thương cảm với nhân vật “đầu đội trời, chân đạp đất” nhưng nay đã đến tuổi “gần đất xa trời” như Mike. Thật may, khi ông bắt đầu đưa ra những gợi ý cho người dân ở thị trấn địa phương về cách chăm sóc, chữa trị với những con vật bị ốm hoặc bị thương của họ. Người xem nhận ra rằng, cuộc sống mới này đối với Mike có thể sẽ trở thành cứu cánh để ông sống những năm tháng ít ỏi cuối đời một cách trọn vẹn và ý nghĩa nhất.

Clint Eastwood và Natalia Traven diễn xuất ăn ý và nồng ấm

Clint Eastwood và Natalia Traven diễn xuất ăn ý và nồng ấm

Sự kính trọng với Clint Eastwood

Việc LHP quốc tế Tokyo 2021 quyết định chọn “Cry Macho” làm phim chiếu khai mạc hẳn là một sự kính trọng và tri ân dành cho huyền thoại Hollywood Clint Eastwood (năm nay đã 91 tuổi). Tạp chí Time ca ngợi “Cry Macho” (được quay bởi Ben Davis) là phim “có khung cảnh vẻ ngoài đẹp đẽ, không tiếng động”. Những ai yêu thiên nhiên có thể cảm nhận và mến những thước phim bàng bạc đẹp đến nao long, những đám mây màu tím đầy bụi, sa mạc màu vàng bao la gợi lên những cơn gió ấm áp, tưởng chừng thời gian trôi chậm rãi hơn bao giờ hết. Thực tế, “Cry Macho” đã có cốt truyện từ 50 năm trước (kịch bản viết năm 1970, phát triển thành tiểu thuyết năm 1975) bởi Nick Schenck và N.Richard Nash, nhưng không ai khám phá ra vẻ đẹp của nó để làm phim, cho tới khi Eastwood nhớ đến và tìm cách mang nó lên màn bạc.

“Cry Macho” - theo các nhà phê bình và truyền thông quốc tế - không phải là một kiệt tác vĩ đại, nhưng vẫn cho thấy “nghị lực đáng khâm phục của huyền thoại vĩnh cửu Clint Eastwood” (theo Time). Không giống như những bộ phim gần đây như “The Mule” và “Gran Torino”, vai diễn Mike do Eastwood đóng cũng “không còn cố gắng che giấu tuổi tác của mình nữa” (ông mảnh khảnh và thẳng như một cái que, mọi chuyển động đều rất chậm chạp). Bộ phim được làm, như thể Eastwood thanh thản chấp nhận tuổi già của mình bằng sự tự an ủi nhẹ nhàng. “Cry Macho” không có nhiều kịch tính như người ta có thể mong đợi. Thay vào đó, nó cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn cho người xem, đó là liệu bạn có nghĩ về những khoảnh khắc thú vị hơn (sự yên tĩnh thanh bình) trong cuộc sống hàng ngày? Liệu bạn có mở lòng với một tình cảm dung dị? (chẳng hạn như cặp Mike và Marta hay cả cậu bé Rafo cũng bắt đầu làm quen với một trong những cháu gái của Marta). Và khi phải ra quyết định cho đời mình, bạn sẽ quyết ra sao? (như Rafo phải chọn lựa giữa ở lại nơi cậu thích hay tiếp tục đi gặp cha mình).

Với người viết, xem xong tác phẩm mới nhất của Clint Eastwood, bạn có thể tìm một nơi yên tĩnh để suy ngẫm về ý nghĩa thực sự của việc chữa lành các vết thương trong các giai đoạn đời người. Việc trân quý những niềm vui, tình cảm chân thành giản dị và nghĩ đến sự thanh thản, bình an trong những năm tháng của tuổi xế chiều. Trong đó, việc khám phá vẻ đẹp của cuộc sống và tìm thấy hạnh phúc nó không phụ thuộc vào tuổi tác, mà phụ thuộc vào chính cảm nghĩ và trái tim của chúng ta.

Ngôi sao điện ảnh kỳ cựu người Pháp Isabelle Huppert

Ngôi sao điện ảnh kỳ cựu người Pháp Isabelle Huppert

Chủ tịch Bam giám khảo LHP Tokyo năm nay là ngôi sao điện ảnh kỳ cựu người Pháp Isabelle Huppert cùng các thành viên giám khảo khác là đạo diễn/biên kịch Aoyama Shinji, nhà phê bình phim Chris Fujiwara, nhà sản xuất Lorna Tee và nhà soạn nhạc phim Sebu Hiroko.

Diễn ra từ 30-10 đến 8-11, LHP quốc tế Tokyo (TIFF) năm nay có 15 phim tranh giải chính thức bao gồm 2 bộ phim công chiếu lần đầu tiên: “Payback” (phim mới nhất của đạo diễn Brillante Mendoza) và “Arisaka” (phim của đạo diễn trẻ tài năng 29 tuổi Mikhail Red). Chỉ 3 trong số các bộ phim được chọn tranh giải do phụ nữ làm đạo diễn, bao gồm “Hommage” - phim điện ảnh mới nhất của Shin Su-won (Hàn Quốc) có sự tham gia của diễn viên Lee Jeong-eun (từng đóng phim “Ký sinh trùng”) hay “La Civil” của đạo diễn Teodora Ana Mihai (Romania)… Phim chiếu bế mạc ngày 8-11 là “Dear Evan Hansen” của đạo diễn Stephen Chbosky, bên cạnh đó là phần trao giải thưởng lớn nhất Tokyo Grand Prix, giải Ban giám khảo, giải Khán giả bình chọn… cùng các giải cá nhân.