Liên hoan Ca trù Hà Nội năm 2022: Xuất hiện nhiều nhân tố mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 24/12, Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3 - năm 2022 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội. Tại Liên hoan, xuất hiện nhiều nhân tố mới cho thấy di sản ca trù đang ngày càng được lan tỏa trong đời sống xã hội.

Tham gia Liên hoan có 12 nhóm, câu lạc bộ Ca trù trên địa bàn Hà Nội, trong đó có các nhóm mới như: Nhóm Ca trù Đại học FPT, nhóm Triều Xương và một số thí sinh tự do. Đặc biệt, nhóm Ca trù Đại học FPT được hình thành trên cơ sở phát hiện các nhân tố tiềm năng trong quá trình đưa ca trù vào giảng dạy ở môn học nghệ thuật truyền thống theo hình thức chính thống. Giảng viên giảng dạy chính là các nghệ nhân ca trù tại Hà Nội.

Tại Liên hoan, có 48 thí sinh dự thi phần thi cá nhân và 6 tiết mục múa hát tập thể của các nhóm, câu lạc bộ. Thí sinh nhỏ tuổi nhất là 5 tuổi (trong nhóm múa), cao tuổi nhất là 83 tuổi. Tổng số người tham gia Liên hoan (bao gồm cả người hỗ trợ các phần thi cho thí sinh) là hơn 140 người.

Năm nay, ngoài những tiêu chí chấm giải chung về trang phục, không gian biểu diễn, sự hòa hợp ăn ý, tiêu chí riêng đối với mỗi hạng mục dự thi cũng được chú trọng. Theo đó, tiêu chí đúng lề lối, thể cách luôn được đề cao với tất cả các hạng mục. Liên hoan năm nay tiếp tục có sự phân loại thí sinh theo độ tuổi để có mức đánh giá công bằng nhất.

Ca trù là loại hình nghệ thuật sang trọng và kén người thưởng thức.

Ca trù là loại hình nghệ thuật sang trọng và kén người thưởng thức.

Nội dung Liên hoan Ca trù Hà Nội 2022 bám sát với tình hình, thực trạng hoạt động của các câu lạc bộ, tạo điều kiện để các tài năng của câu lạc bộ Ca trù và các cá nhân yêu thích ca trù trên địa bàn Hà Nội thể hiện khả năng, giao lưu học hỏi, tăng cường chuyên môn để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động bảo vệ, thực hành di sản.

T.S Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hoá, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, năm 2022, thành phố Hà Nội được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng và truy tặng cho 66 nghệ nhân trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể trong đó có 11 Nghệ nhân Nhân dân và 55 Nghệ nhân Ưu tú. Đặc biệt, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Ca trù có tới 09 nghệ nhân được phong tặng với 03 Nghệ nhân nhân dân, 06 Nghệ nhân ưu tú.

Đây là kết quả cho thấy nghệ thuật trình diễn dân gian ca trù trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng mừng, Ca trù Hà Nội đã dần từng bước ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Ca trù. Liên hoan Ca trù năm nay không phải là liên hoan toàn quốc mà chỉ trong thành phố Hà Nội nhưng TS Phạm Thị Lan Anh mong những năm sau có thể tổ chức mở rộng Liên hoan Ca trù hơn nữa, sẽ có sự tham gia của những thành phố khác để giới thiệu bộ môn nghệ thuật này đến với nhiều người hơn cũng như tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị Ca trù trong đời sống.

Là thí sinh trẻ tuổi tham gia Liên hoan Ca trù năm nay, em Nguyễn Thị Huyền My, sinh viên Đại học FPT chia sẻ, trước đây, cô không biết ca trù là gì nhưng khi tham gia vào câu lạc bộ của trường được tiếp xúc tập luyện cùng mọi người, Huyền My thấy bộ môn nghệ thuật này rất thú vị và những câu hát đem đến cho cô một cảm giác rất thân thuộc, gần gũi. Huyền My cho rằng, Liên hoan sẽ giúp các bạn trẻ có thể tiếp cận gần hơn với ca trù, qua đó các bạn sẽ yêu thích và tiếp tục gìn giữ phát huy nghệ thuật ca trù cũng như nghệ thuật truyền thống khác của Việt Nam.

Ban tổ chức trao chứng nhận cho các Câu lạc bộ Ca trù tham gia liên hoan.

Ban tổ chức trao chứng nhận cho các Câu lạc bộ Ca trù tham gia liên hoan.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngoan (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên) chia sẻ, mấy năm nay, các hoạt động giao lưu, trình diễn bị chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các thành viên CLB rất nhớ nghề, nhớ sân khấu. Liên hoan lần này là cơ hội để các nghệ nhân và lớp học trò thể hiện tài năng; các câu lạc bộ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến trong truyền dạy. Cũng theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngoan, những câu lạc bộ, nhóm nghệ thuật thuộc địa bàn xa cách với trung tâm như Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn thường rất khao khát những cơ hội gặp gỡ, trình diễn như thế này, vừa để nhận thấy những hạn chế hay tiến bộ để khắc phục, phát huy, vừa là dịp tuyên truyền, quảng bá, huy động tình cảm, sự quan tâm của cộng đồng dành cho di sản.

Liên hoan năm nay tiếp tục có sự phân loại thí sinh theo độ tuổi để có mức đánh giá công bằng nhất và mong muốn tìm kiếm các đào nương, kép đàn, trống chầu tài năng, tiếp bước các thế hệ cha ông duy trì, bảo vệ và phát huy giá trị Ca trù Hà Nội.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho rằng, để bảo tồn, phát huy, tạo sức sống bền vững cho nghệ thuật ca trù, bên cạnh nỗ lực của các cộng đồng nắm giữ di sản, cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương trong việc tạo nguồn kinh phí hoạt động, chế độ đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức truyền dạy, phát triển không gian trình diễn... Đặc biệt là công tác truyền dạy, cần chú ý đào tạo ca nương, kép đàn đúng chuẩn mực, không chạy theo số lượng, phong trào, để bảo đảm về chất.