- Chấm dứt hợp đồng xử lý 400 tấn chất thải của Formosa Hà Tĩnh
- Bộ Công Thương không cấp phép cho Formosa nhập "bùn bauxite"
- Bao giờ người dân 4 tỉnh miền Trung mới được nhận tiền đền bù do sự cố Formosa?
Bộ TN&MT: Bãi tắm, khu vực nuôi trồng thủy sản đạt quy chuẩn
Bộ này đã phối hợp với các đơn vị chức năng, tổ chức quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích và các hệ sinh thái trong khoảng thời gian tháng 4-5/2016, trên phạm vi 8 tỉnh từ Thanh Hóa- Quảng Nam. Bộ TN&MT cũng phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại 4 vùng biển từ Hà Tĩnh- Thừa Thiên Huế
Trước đó, hôm 22-8, Bộ TN&MT đã công bố kết quả điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, theo đó về chất lượng nước biển các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép; chất lượng trầm tích biển cũng nằm trong quy định.
Dù thời điểm tháng 7/2016 vẫn còn hiện tượng lớp màu vàng bám mặt đá, rặng san hô, song cũng là giảm đi nhiều so với 3 tháng trước đó.
Các hệ sinh thái rặng san hô, cỏ biển, khu vực nguồn lợi hải sản từng bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã bắt đầu phục hồi tích cực, ấu trùng san hô bắt đầu định cư và phát triển trên nền đáy rạn. Cá kích thước nhỏ và các động vật đáy cỡ lớn phục hồi tích cực với mật độ cao hơn hẳn giai đoạn trước đó.
Bộ TN&MT đi đến kết luận: Với sự kiểm soát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đã giảm theo thời gian. Chất lượng môi trường nước biển miền Trung đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi và có cảnh báo khi cần thiết.
Bộ Y tế: Không ăn hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý
Sau khi sự cố môi trường xảy ra, Bộ Y tế đã tập hợp các chuyên gia đầu ngành về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, độc học, sức khỏe… cả trong và ngoài nước để đánh giá mức độ an toàn hải sản 4 tỉnh miền Trung.
Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng hải sản sống tầng đáy, trong vòng 20 hải lý, làm thực phẩm (Ảnh minh họa)
Đợt nghiên cứu quy mô lớn đã lấy hơn 1.000 mẫu hải sản ở tất cả các cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung. Bộ Y tế cũng lấy 300 mẫu khác tại Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu là các tỉnh không bị ô nhiễm, để so sánh.
Từ những kết quả nghiên cứu, Bộ Y tế kết luận: Các loại hải sản an toàn để sử dụng làm thực phẩm là: cá ngừ, cá thu, cá nục, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản đầm nuôi.
Không sử dụng các loại hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các loại hải sản khác sống tầng đáy trong vòng 20 hải lý.
UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh- Thừa Thiên Huế chỉ đạo các Sở NN&PTNT, Sở Công thương phân loại hải sản theo từng lô, Sở Y tế lấy mẫu và trả kết quả cho đơn vị quản lý. Chỉ cho phép lưu hành lô sản phẩm khi được xét nghiệm an toàn, bằng không phải tiêu hủy.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục giám sát định kỳ với hải sản 4 tỉnh miền Trung và hải sản tầng đáy trong phạm vi 20 hải lý.
Rà soát thiệt hại, trình Thủ tướng Chính phủ trước 20-9
Về phần mình, Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo cần thiết về sản xuất thủy sản.
Về công tác kê khai, xác định thiệt hại của người dân 4 tỉnh miền Trung để làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ, đại diện Bộ cung cấp thông tin: Trong hai ngày 16-17/9, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KHĐT, các tỉnh từ Hà Tĩnh- Thừa Thiên Huế rà soát định mức thiệt hại để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-9.
Bộ cũng đang xây dựng dự thảo đề án: “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường”. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xây dựng đề án, đồng thời đang xin ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.