Lễ hội và niềm tin tâm linh mù quáng

ANTD.VN - Xử lý những lễ hội có vấn đề nổi cộm như chen lấn xô đẩy, tranh cướp, bạo lực, hướng tới ứng xử văn minh được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa trong mùa lễ hội năm nay. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra nhiều chỉ đạo quyết liệt đối với các địa phương có lễ hội lớn như cần xây dựng kế hoạch chi tiết, phương án điều chỉnh phù hợp để không tái diễn những hình ảnh phản cảm, xấu xí như những mùa lễ hội trước. Cùng với đó, các địa phương, các Ban tổ chức lễ hội cũng khẳng định quyết tâm chấn chỉnh. 

Nhưng có lẽ, tất cả những nỗ lực đó là không đủ khi lòng tham, sự thiếu hiểu biết của người tham gia lễ hội không hề chuyển biến. Năm nay, ngay những ngày khai màn mùa lễ hội, nạn xô đẩy, giẫm đạp để “cướp lộc” lại tái diễn. Mùng 6 Tết, chùa Hương, đền Gióng, đền Hai Bà Trưng, Cổ Loa… đồng loạt khai hội thì những hình ảnh dòng người dẫm đạp, xô đẩy để giành lộc cũng lập tức được lan truyền trên báo chí, mạng xã hội.

Mặc dù Ban tổ chức các lễ hội đã huy động đông đảo các lực lượng cho công tác bảo vệ và ngăn chặn người dân cướp lễ nhưng tình hình cũng chỉ khả dĩ hơn mọi năm chút ít. Chẳng hạn, tại Hội Gióng, nếu như mọi năm chưa hành lễ xong người ta đã xông vào tranh nhau cướp đến vỡ cả lư hương thì năm nay may mắn là màn tranh cướp diễn ra sau khi hạ lễ xong. 

Còn tại chùa Hương, trong sáng khai hội, vì lượng người quá đông, thay vì trực tiếp trao những chiếc vòng đeo tay (để lấy may) cho du khách, một nhà sư đã có “sáng kiến” là đứng lên cao tung xuống cho biển người bên dưới. Và cảnh hỗn loạn đã diễn ra. Đó mới chỉ là điểm xuyết vài hình ảnh dịp đầu năm khi mới có một số ít nơi khai hội. Những lo lắng chắc chắn chưa thể dừng lại bởi tới đây, hàng loạt lễ hội vốn khiến dư luận bức xúc vì nạn tranh cướp lộc như khai ấn đền Trần (Nam Định), hội phết Hiền Quan (Phú Thọ)… sẽ diễn ra.

Thật ra, việc người dân tranh nhau cướp lộc không phải bây giờ mới phát sinh mà nó có từ xưa, thậm chí là “hồn cốt” của một số lễ hội. Thế nhưng ngày nay, khi quy mô các lễ hội mở rộng thì không chỉ là người dân địa phương mà hàng nghìn du khách thập phương cũng tham gia vào màn tranh cướp. Với thói thực dụng, tham lam, họ không chỉ tranh giành mà còn bất chấp, thậm chí “đả thương” nhau để lấy lộc.

Thật đáng buồn khi lễ hội lẽ ra là nơi người dân trẩy hội, du xuân, cầu bình an thì nay cứ như đi đánh trận, đâu đâu cũng thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, hết vòng trong lại tới vòng ngoài. Trong một xã hội ngày càng văn minh, có lẽ những hình ảnh đó không còn phù hợp nữa. 

Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành xây dựng bộ khung về quy tắc ứng xử trong lễ hội, trong đó sẽ có quy định ứng xử của Ban tổ chức lễ hội, người tham gia lễ hội, ứng xử của cộng đồng địa phương với người tham gia lễ hội. 

Điều này là cần thiết, nhưng liệu nó có đem lại hiệu quả khi những du khách vẫn trẩy hội với một lòng tham và niềm tin tâm linh mù quáng?