Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 có gì mới?

ANTD.VN -Ngày mai, 28-9, Lễ hội chọi châu Đồ Sơn sẽ chính thức được tổ chức sau bao “sóng gió” và sự cố đáng tiếc ở vòng loại. Sẽ có 18 trâu tham gia với cơ cấu giải thưởng hấp dẫn, chủ trâu giải nhất nhận được 100 triệu đồng; giải nhì nhận 60 triệu đồng; giải ba trị giá 40 triệu đồng.

Phải chấp nhận sự khác biệt?

Sau tai nạn hy hữu ở vòng loại, dẫn tới cái chết thương tâm của chủ trâu số 18 Đinh Xuân Hướng (47 tuổi, xã Vạn Hương, Đồ Sơn), dư luận khi ấy đặt câu hỏi, có nên tồn tại một lễ hội mang tính bạo lực và có nên rút hồ sơ công nhận di sản phi vật thể quốc gia của chọi trâu Đồ Sơn sau sự cố này không?

Cũng vì tai nạn thương tâm của chủ trâu số 18 mà khi đó Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL cùng cả các chuyên gia của Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đã phải có một cuộc tọa đàm để đánh giá lại tổng thể lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, đẫm máu thế nào, phản cảm ra sao, cân nhắc so sánh với những lễ hội tương tương ở nước ngoài. Bên cạnh đó, UBND TP Hải phòng mà cụ thể là UBND quận Đồ Sơn đã có những giải trình, cam kết về việc siết lại an ninh, các khâu tổ chức, hạn chế việc giết mổ trâu phản cảm sau khi kết thúc lễ hội.

Các chuyên gia khẳng định, dù có thế này thế kia thì Lễ hội chọi trâu vẫn là di sản văn hóa

Cũng là một điều lạ, khi dư luận dậy sóng, nhiều ý kiến đưa ra nên cấm thì tại cuộc hội thảo này, các nhà nghiên cứu văn hóa lại đưa ra nhiều lập luận, rằng đây là một lễ hội ý nghĩa, cần duy trì. GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia bày tỏ quan điểm, dù Bộ VH-TT&DL có muốn hay không, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia có ra quyết định nọ kia thì lễ hội chọi trâu vẫn là di sản văn hóa. Không phải thích thì công nhận, không thích thì thôi. Chấp nhận sự khác biệt là cái gốc của sự phát triển. Ông cũng không quên đưa ra ví dụ: “Nhìn ra thế giới như đấu bò tót ở Tây Ban Nha hay như Canada có Lễ hội cưỡi bò điên. Phải chọn những con bò điên thật, trói hờ để nó lồng lên rồi ngồi lên lưng những con bò đó, ai ngồi lâu thì thắng. Cưỡi bò điên rất nguy hiểm và theo thống kê, từ khi tồn tại đến nay đã cả trăm người chết. Quyền tham gia trò chơi là tự nguyện, lễ hội làm phong phú thêm đời sống của người ta và mình không thể dùng cách này hay cách kia để dừng, không thể phê phán cái này là man rợ, là ngu ngốc!”.  

GS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng, cơ quan quản lý, đơn vị tổ chức cần sát sao hơn nữa, không để cho lễ hội chọi trâu biến tướng, trở thành một lễ hội mang tính chất thương mại. Cũng đồng quan điểm, PGS.TS Trần Lâm Biền phản đối gay gắt hiện tượng giết và xẻ thịt trâu chọi bán ngay sau khi trận đấu xảy ra. Theo PGS.TS Trần Lâm Biền thì việc xẻ thịt trâu chọi rồi bán không hề có trong truyền thống và hành động kể trên là biểu hiện của sự “bần tiện hóa” lễ hội.

Siết chặt an ninh, an toàn cho chủ trâu và người đi hội

Việc Bộ VHTT&DL tiếp tục để UBND quận Đồ Sơn duy trì chọi trâu theo thông lệ, đồng thời, các chuyên gia đến từ Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đánh giá tốt về lễ hội như là một sự chấp nhận “khác biệt của văn hóa” khiến người dân Hải Phòng rất phấn khởi. Đến mức, theo lời một người dân Đồ Sơn cho biết thì, người nhà nhà ông dù đã 85 tuổi, ốm liệt giường cả tháng nay, nhưng khi biết tin lễ hội chọi trâu được tổ chức liền bật dậy, như chưa từng ốm và đi chăm trâu chọi!?

Để chuẩn bị cho hội năm nay, ngay từ ngày 1-8 âm lịch, Ban Tổ chức đã làm lễ rước nước mở màn lễ hội. Và để thực hiện đúng cam kết, Ban tổ chức lễ hội đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm thắt chặt an ninh. Ví như sân đấu được thu hẹp lại còn 60 m x 35 m nhằm mở rộng khoảng cách thoát cho trâu, tạo bước đệm an toàn cho khán giả. Ngoài ra, hệ thống rào được gia cố, dựng mới 2 lớp bằng những hàng cọc bạch đàn lớn.

Thay đổi trong mùa giải 2017, sẽ không cho bất cứ ai vào sân khi trâu đang chọi kể cả chủ trâu và trọng tài

BTC cũng cho gia cố lại hàng rào sắt chắc chắn ngăn cách với khu vực khán đài, đảm bảo trâu không phá được rào. Đường thoát trâu cũng được gia cố bằng các lốp ô tô, các cột sắt chắc chắn tạo lối vào-ra cho trâu khi kết thúc trận đấu.

Đồng thời, Ban tổ chức Lễ hội thực hiện nghiêm việc không cho bất cứ ai vào trong sới chọi (kể cả trọng tài và chủ trâu) khi bắt đầu thi đấu. Các lực lượng liên quan chỉ được bắt trâu khi có lệnh của ban tổ chức hoặc tổ trọng tài điều hành trận đấu. Tại lễ hội chọi trâu lần này, kiên quyết loại bỏ khỏi lễ hội những trâu có biểu hiện khác thường như hung dữ, hay tấn công người...

Việc kiểm soát thịt trâu bán tại lễ hội được quán triệt thực hiện nghiêm, không để lợi dụng lễ hội đưa thịt trâu không thi đấu vào trong hội chọi trà trộn để bán...Trước giờ đấu, UBND TP Hải Phòng sẽ yêu cầu BTC thử chất kích thích cho toàn bộ trâu chọi.

Giải thưởng cho chủ trâu thắng cuộc

Tổng giá trị giải thưởng là 272,6 triệu đồng, một giải Nhất là 100 triệu đồng, một giải Nhì là 60 triệu đồng, 2 giải Ba mỗi giải 40 triệu đồng. Phường có trâu giải Nhất được 10 triệu đồng và được BTC trao biểu tượng Lễ hội, cờ hội giữ trong 1 năm. Phường có trâu giải Nhì được thưởng 5 triệu đồng, phường có trâu giải Ba được thưởng 3 triệu đồng.