Lấy ý kiến biểu giá điện sinh hoạt: EVN "nhầm vai"?

ANTĐ - Có đến một nửa số đại biểu là các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức sáng nay (22-9) đồng tình rằng EVN không thể thay Bộ Công Thương tổ chức hội thảo này. 

Giá điện phải đảm bảo hài hòa lợi ích

Không bình luận trực tiếp vào các phương án điện đang được lấy ý kiến cộng đồng, TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay: “Tôi hơi ngạc nhiên vì EVN làm hội thảo này mà không phải là Bộ Công Thương. EVN làm thì dễ bị xã hội hiểu nhầm. Việc của doanh nghiệp là kinh doanh, EVN chỉ làm giá điện cho doanh nghiệp này thôi, không phải làm giá điện cho Nhà nước”.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dường như có sự nhầm lẫn về chức năng trong việc tổ chức hội thảo này. “Giá điện rất nhạy cảm, EVN đứng ra chẳng khác nào đi thanh minh. Tuy nhiên, theo tôi, giá điện gắn với tiền lương. Nếu chỉ bàn về giá điện thôi, giả định các yếu tố khác không thay đổi thì không giải quyết vấn đề gì cả”- ông Trần Đình Thiên nói.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), EVN tổ chức hội thảo trên cơ sở thực trạng, xem xét biểu giá điện mới và sẽ thực hiện đầy đủ các bước có ý kiến bộ, ngành.
Còn ông Đinh Quang Tri- Phó Tổng giám đốc EVN chia sẻ: “Đứng ở góc độ nhà sản xuất thì EVN chỉ cần có giá bán đủ chi phí là được, nhưng EVN phải chịu trách nhiệm trước quốc gia về cung cấp điện cho toàn nền kinh tế. Mặc dù EVN chỉ chiếm 5% nguồn điện nhưng nếu điện cả nước không đủ thì EVN phải mua, trong nước không đáp ứng đủ thì EVN phải đàm phán mua nước ngoài. Nếu không giao nhiệm vụ cho EVN, thì làm sao khi thiếu điện có thể gọi EVN để chịu trách nhiệm”.
Đại diện Tập đoàn cũng khẳng định, đây là nhiệm vụ Thủ tướng và Bộ Công Thương giao nên EVN phải làm. Hiện nay, mức tăng trưởng phụ tải điện là 12%/năm. Sắp tới khi nhiều hiệp định thương mại tự do được Việt Nam ký kết với đối tác, nhu cầu điện sẽ còn tăng hơn nữa nên việc đảm bảo đủ nguồn cung rất quan trọng.

Ngày 16-9, EVN đã công bố 3 phương án điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện, gồm: giữ nguyên biểu giá với 6 bậc thang như hiện tại, áp dụng đồng giá 1.747 đồng/kWh và phương án 3 là rút gọn bậc thang còn 3-4 bậc với 5 kịch bản khác nhau. Các chuyên gia tham luận tại hội thảo cho rằng, nên áp dụng cách tính giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, không nên áp dụng đồng giá. Tuy nhiên, cần xem xét nghiên cứu số bậc và mức chênh lệch giữa các bậc cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi các bên.