Lấy phiếu tín nhiệm cán bộ: Làm không chặt sẽ gây căng thẳng

ANTĐ - Sáng qua, 16-1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) đã thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Lấy phiếu tín nhiệm cả cấp xã

Nghị quyết hướng dẫn này sẽ có hiệu lực từ 1-2-2013. Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ sẽ chính thức được triển khai trên quy mô cả nước ngay từ tháng 5 tới đây. Bên cạnh những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như đã quy định tại Nghị quyết số 35, Nghị quyết hướng dẫn còn quy định các chức danh lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã, phường, thị trấn. Cụ thể, các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm ở cấp cơ sở gồm: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các Ủy viên của UBND xã, phường, thị trấn. 

Nghị quyết hướng dẫn cũng quy định rõ, trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đối với chức vụ cao nhất. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hàng năm của Quốc hội, HĐND các cấp, kể từ năm thứ 2 của mỗi nhiệm kỳ.

Qua lấy phiếu tín nhiệm, trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH, Thường trực HĐND có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp tiếp theo, trừ trường hợp người đó đã có đơn xin từ chức. Riêng với trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì sẽ bị xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức tại ngay kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Phải hướng dẫn cụ thể

Tại phiên họp, nội dung còn nhiều ý kiến chưa đồng tình nhất tập trung vào quy trình xử lý cán bộ sau lấy phiếu tín nhiệm. Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho rằng, sau khi có kết quả lấy phiếu, nếu cán bộ bị 2/3 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì cần đưa ra bỏ phiếu ngay trong cùng một kỳ họp. Theo bà, không nên dời việc bỏ phiếu sang kỳ họp tiếp theo bởi như thế việc bỏ phiếu sẽ phải tiến hành chậm thêm 1 năm nữa, trong khi uy tín của cán bộ đó đã thấp thì không thể làm việc được. Tuy vậy, một số ý kiến bày tỏ quan ngại việc bỏ phiếu ngay tại phiên họp như vậy sẽ khiến công tác chuẩn bị nhân sự thay thế cho cán bộ được bỏ phiếu rất bị động. 

 Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc bãi nhiệm, miễn nhiệm người tín nhiệm thấp là việc làm cần thiết vì khi một vị cán bộ đã bị 2/3 số đại biểu đánh giá mức tín nhiệm thấp thì rõ ràng cán bộ đó có vấn đề. Về quy trình, có thể tiến hành bỏ phiếu với cán bộ có tín nhiệm thấp ngay kỳ họp đó, nhưng nếu không kịp thì chậm nhất sẽ tiến hành ở kỳ họp tiếp theo, thậm chí có trường hợp phải họp cả Ban chấp hành Trung ương để ra quyết định. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc xử lý sau lấy phiếu tín nhiệm với những cán bộ có tín nhiệm thấp nhưng kết quả lấy phiếu tín nhiệm vẫn đạt “quá bán”, cần phải quy định rõ hơn trong Nghị quyết. Tinh thần là những cán bộ có tín nhiệm thấp có thể chủ động xin từ chức, song vấn đề đặt ra là nếu họ không chủ động xin từ chức thì cơ quan nào, cá nhân nào sẽ “khuyên” họ từ chức. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, vấn đề này cần phải có các hướng dẫn, quy định cụ thể chứ không chỉ nói bằng nghị quyết chung chung. 

Tương tự, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đặt vấn đề, khi cán bộ có tín nhiệm thấp chủ động viết đơn xin từ chức thì phải quy định đơn từ chức đó được gửi trước bao nhiêu ngày cũng như phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Nếu không quy định rõ ràng, sẽ xuất hiện trường hợp những cán bộ ngày mai được bỏ phiếu tín nhiệm thì tối nay gửi đơn từ chức, lúc đó rất khó xử lý. Vì vậy, cần phải có hướng dẫn thêm về quy trình từ chức với cán bộ có tín nhiệm thấp để dễ thực hiện.

Một nội dung khác cũng chưa nhận được sự đồng tình cao của các thành viên UBTVQH là việc xác minh, trả lời về những vấn đề đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND yêu cầu làm rõ trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Một số ý kiến cho rằng, quy định như trong dự thảo Nghị quyết dễ gây căng thẳng đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, thậm chí có thể làm tình hình rối lên. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nên nghiên cứu cách thức lấy phiếu, bỏ phiếu thế nào để không tạo nên không khí căng thẳng, nặng nề.