Lâu dài và khó khăn

ANTĐ - “Tiến trình tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, ngân hàng thương mại đang ở giai đoạn đầu, còn nhiều khó khăn, cần có quyết tâm cao, nguồn lực cần thiết”. Thủ tướng Chính phủ đánh giá như vậy khi nhìn lại năm 2012 được xác định là năm khởi động mạnh mẽ tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Trong những ngày cuối năm 2012, tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã tổng kết lại những bước đi của tiến trình tái cơ cấu trong năm qua với khối lượng công việc khổng lồ, chỉ có điều tất cả mới “trên giấy”. Đó là một loạt đề án quan trọng như Đề án tổng thể tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Tiếp đó là ban hành một số nghị định, nghị quyết, đề án…

Tuy nhiên, ông Bộ trưởng không nhắc đến những công việc cụ thể đã làm được để tái cơ cấu nền kinh tế trong năm qua. Có lẽ tiến trình này trong năm 2013 vẫn tiếp tục “trên giấy” khi những bước đi cũng được hoạch định như năm 2012 và hầu như không đưa ra những mốc thời hạn để đánh giá kết quả cụ thể. Ngay cả với một số thời hạn đã được vạch ra, đến nay dù chưa thực hiện nhưng cũng có thể biết trước là sẽ chậm trễ. Chẳng hạn, trong năm 2013 sẽ xây dựng để trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn… nhưng Chính phủ đã xin lùi vì chưa kịp chuẩn bị.

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư đã cảnh báo khi đề cập Đề án tái cơ cấu kinh tế: “Có thể phải hy sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng. Trong những năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể không cao như kế hoạch và thấp hơn so với trước đây”. Thế nhưng trong khi tái cơ cấu gần như chưa “nhúc nhích” được bao nhiêu thì tốc độ tăng trưởng đã thụt lùi một bước, từ 5,89% năm 2011 đã tụt xuống chỉ còn 5,03% GDP.

Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại, tăng trưởng thấp như vậy lấy tiền đâu mà tái cơ cấu? Mặc dù Chính phủ không đặt nặng vấn đề chi phí trong tái cơ cấu kinh tế, song không có bột thì không thể gột nên hồ. Tăng trưởng kinh tế suy giảm đâu chỉ tạo nên khó khăn về tài chính mà còn kéo theo hệ lụy là doanh nghiệp phá sản và giải thể. Còn nhớ, trong một phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tự hào nói rằng, trong lịch sử ngân hàng chưa bao giờ chỉ trong 6 tháng Ngân hàng Nhà nước đã xử lý tới 6 ngân hàng thương mại yếu kém. Vậy mà, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư lại nhận xét, tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng còn chậm chạp, xử lý các ngân hàng yếu kém chậm trễ so với kế hoạch vì thiếu sự hợp tác, thậm chí phản ứng mạnh từ các cổ đông lớn của ngân hàng đối với biện pháp tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước.

Một vị nguyên là Phó Thủ tướng Chính phủ trăn trở, nếu không thực sự nhiệt tình, sáng tạo hơn trong tư duy và hành động thì không thể có tái cơ cấu kinh tế. Bởi đây là một quá trình lâu dài, khó khăn và chật vật, thậm chí đau đớn.