Lấp lánh sắc vàng ở làng nghề Kiêu Kỵ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Qua cầu Chương Dương, đi dọc theo sông Hồng chừng 8km về hướng Đông Nam lối đi Bát Tràng, sau đó rẽ trái 2km là sẽ đến Kiêu Kỵ, làng nghề lâu đời ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) làm vàng quỳ. Ở đây có nghề dát vàng dễ đã đến gần nghìn năm kể từ khi tướng Nguyễn Chế Nghĩa huấn luyện dân binh trên đồng đất của làng để bảo vệ bờ cõi chống quân Nguyên Mông xâm lược.

Từ đó đến giờ, Kiêu Kỵ là làng làm thứ nghề độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Ông tổ nghề là Nguyễn Quý Trị làm tới chức Binh Bộ Tả thị lang, Hàn lâm học sĩ, đi sứ Trung Quốc học được nghề rồi về dạy cho dân. Và người Kiêu Kỵ đã mang nghề đi khắp các tỉnh thành trong cả nước để kiếm sống.

Các cụ già cũng tham gia làm quỳ phục vụ cho nghề dát vàng bạc

Các cụ già cũng tham gia làm quỳ phục vụ cho nghề dát vàng bạc

Cả làng dát vàng

Người ta thường dát vàng quỳ chủ yếu trong các đình, chùa, đền, miếu để làm mới tượng Phật, phục chế hoành phi câu đối, sơn son thiếp vàng… Những thế hệ thợ có tay nghề cách đây vài trăm năm đã được triều đình Huế mời vào sang sửa cung điện. Bao nhiêu thăng trầm lịch sử, chiến tranh loạn lạc cũng chẳng hề làm cho nghề vàng quỳ Kiêu Kỵ mai một. Sang ngày đổi mới, Kiêu Kỵ phát triển nhanh chóng, danh tiếng lại càng thêm lẫy lừng, ấy là nhờ các di tích lịch sử văn hóa được khôi phục, nên làng thành nguồn cung lớn cho các địa phương chuyên tạc tượng, làm đồ thờ cúng, hay đồ trang trí cho các công trình kiến trúc hiện đại. Chưa kể nghề làm tranh sơn mài xuất khẩu sang các nước phương Tây phát triển mạnh, các gia đình trong làng cũng quay lại với nghề. Giờ thì cả học sinh, phụ nữ của làng cũng ngồi đập quỳ, cắt vàng điệp, nhuộm lá quỳ, xếp vàng dát.

Người xứ khác đi qua Kiêu Kỵ, đến đâu cũng nghe thấy âm thanh chí chát là tiếng búa đập quỳ trên chiếc đe bằng khối đá lớn. Để làm ra được những miếng vàng quỳ mỏng hơn cả tờ giấy là công phu lao động nghệ thuật của những nghệ nhân cao tuổi và cả lớp trẻ yêu nghề mà tiếp thu tinh hoa từ các bậc tiền nhân. Nghề dát vàng quỳ có đặc thù riêng, đòi hỏi kỹ thuật và bàn tay chuyên cần trong thao tác. Cụ thể là từ một thanh vàng ta, người thợ sẽ dùng búa đập trên đe sao cho thật mỏng. Để tránh bụi vàng bay trong không gian, nơi làm việc phải thật kín, nên nghệ nhân phải đập dát quỳ trong màn.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành sinh ra ở chính làng Kiêu Kỵ. Ông kể, sau giải phóng miền Nam, ông cùng các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trở ra Bắc. Vừa đến Hà Nội, ông về ngay Kiêu Kỵ để gặp mẹ già sau bao ngày tháng xa cách nơi chiến trường. Tới nhà, ông mở toang cửa, một luồng gió từ ngoài thổi vào, những lá quỳ vàng mỏng tang, óng ánh bay lượn bên trong bức màn. Hình ảnh mẹ già trở nên hư ảo cùng bụi vàng như trong cổ tích… Hình ảnh ấy đủ biết những lá vàng quỳ dát mỏng đến mức chỉ cần luồng gió nhẹ cũng có thể khiến nó bay đi mất.

Nghề làm vàng quỳ có tới 40 công đoạn rất phức tạp và tinh xảo, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, có óc sáng tạo. Nhiều nguyên vật liệu không sao tìm mua được, nên phải tìm cách thay thế. Khó khăn chồng chất khó khăn nên thợ muốn giỏi phải học hỏi nhiều thầy có kinh nghiệm trong nghề, vì mỗi thầy cũng chỉ biết một số công đoạn nhất định trong khâu sản xuất.

Nghề dát vàng ở Kiêu Kỵ

Nghề dát vàng ở Kiêu Kỵ

Thêm nghề làm đồ giả da

Phố Hà Trung, cạnh chợ Hàng Da hầu hết là nhà ở của người làng Kiêu Kỵ, bởi ngoài nghề vàng quỳ, dân chốn tài hoa ấy còn có nghề làm đồ giả da từ mấy trăm năm. Thời nay nghề này cũng phát tài. Cặp sách, ba lô, vali, ví đầm… thứ gì người Kiêu Kỵ cũng làm được. Nhiều công ty nước ngoài còn tìm đến tận Kiêu Kỵ để đặt hàng. Tiếng là làng nhưng là làng nghề giàu có, hầu như 100% dân làng đã xây nhà cao tầng, biệt thự. Nhiều gia đình sở hữu ô tô và xe tải để vận chuyên hàng nhanh chóng, thuận tiện…

Để ghi nhớ công ơn các tiền nhân có công xây dựng, truyền nghề cho dân làng, khu di tích lịch sử làng Kiêu Kỵ gồm đình, đền, chùa, văn chỉ đã được khởi công xây dựng từ đầu thế kỷ 17, trên khu đất rộng hàng vạn mét vuông với nhiều cây cổ thụ tuổi đời vài trăm năm. Đền làng Kiêu Kỵ thờ Khổng Bắc Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa, một danh tướng thời Trần từng 2 lần tham gia chống quân Nguyên Mông (1284- 1288) dưới cờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Sau ông bị gian thần giết hại vào ngày 28-8-1341 (Âm lịch) tại cầu làng Kiêu Kỵ. Các triều đình phong kiến đã có 82 đạo sắc, phong Nguyễn Chế Nghĩa làm thành hoàng làng Kiêu Kỵ. Làng Kiêu Kỵ còn sinh ra Lưỡng Quốc tướng quân Nguyễn Sơn. Năm 1926 ông là một trong 2 thanh niên được Bác Hồ cử người đón sang Trung Quốc học Trường quân sự Hoàng Phố cùng với các tiền bối cách mạng lúc bấy giờ là đồng chí Lê Hồng Phong và Trương Văn Lĩnh. Kiêu Kỵ cũng là nơi sinh thành cựu nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định (anh ruột nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành), từng được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Đinh Đăng Định tham gia cách mạng từ những năm 1939 trên mặt trận chống Pháp tại Liên khu 10 rồi ATK. Năm 1947, ông được cử làm phóng viên chuyên chụp ảnh Bác Hồ trong suốt 20 năm.

Hàng năm vào ngày 28-8 (Âm lịch), dân làng Kiêu Kỵ lại tổ chức lễ hội dâng hương để tưởng niệm người anh hùng dân tộc đã hết lòng vì nước, vì dân, đồng thời dâng lễ tại đình làng, nơi thờ tổ nghề Nguyễn Quý Trị, người đã có công mang nghề làm vàng quỳ cho dân làng.

Người dân làng Kiêu Kỵ miệt mài giã quỳ vàng

Người dân làng Kiêu Kỵ miệt mài giã quỳ vàng

Những tấm quỳ vàng chuẩn bị đem ra đóng thếp

Những tấm quỳ vàng chuẩn bị đem ra đóng thếp