Lao động Việt chưa thể dịch chuyển tự do trong ASEAN

ANTĐ - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập đã mở ra một thị trường lao động rộng lớn. Sẽ có nhiều cơ hội để lao động có tay nghề tự do dịch chuyển trong các quốc gia nội khối, đáp ứng sự thiếu hụt nhân lực, cải thiện thu nhập và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Tuy nhiên, các nước vẫn đang dựng lên những rào cản kỹ thuật để hạn chế lao động nhập cư.

Lao động Việt chưa thể dịch chuyển tự do trong ASEAN ảnh 1Thỏa thuận công nhận lẫn nhau là công cụ chính để di chuyển lao động trong khuôn khổ AEC

Chưa có “thước đo” chung

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề Nguyễn Quang Việt cho biết, thỏa thuận công nhận lẫn nhau là công cụ chính để di chuyển lao động trong khuôn khổ AEC. Những thỏa thuận này giúp những người hành nghề có kỹ năng hoặc kinh nghiệm phù hợp để được chứng nhận và làm việc tại nước ngoài.

Đến nay, đã có thỏa thuận trong 8 lĩnh vực là dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát, hành nghề y khoa, hành nghề nha khoa, dịch vụ kế toán và hành nghề du lịch. Về mặt lý thuyết, AEC hình thành cho phép dịch chuyển lao động có kỹ năng. Song trên thực tế, khung trình độ quốc gia hiện nay trong khối ASEAN vẫn đang tồn tại những khoảng cách đáng kể. Hơn nữa, việc xây dựng niềm tin để công nhận trình độ, kỹ năng của lao động mỗi quốc gia cũng là cả vấn đề. 

Mới đây tại Hội thảo thị trường lao động Việt Nam khi AEC thành lập, ông Simon Matthews - Giám đốc Manpower group Việt Nam cho hay, Cộng đồng kinh tế châu Âu xác lập quyền tự do lựa chọn nơi làm việc sao cho lao động của một nước có thể dễ dàng tìm được việc làm trong các nước thành viên khác. ASEAN chưa đạt được sự liên kết cao như vậy, dù đã thông qua các thỏa thuận công nhận kỹ năng lẫn nhau trong 8 nhóm ngành nghề nhưng khung trình độ quốc gia hiện nay trong khối vẫn tồn tại những khoảng cách đáng kể, đặc biệt là giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Bên cạnh đó, để bảo vệ các vị trí việc làm trong nước, mỗi quốc gia vẫn đang dựng lên những rào cản kỹ thuật liên quan đến lao động nước ngoài để hạn chế lao động nhập cư. Nghiên cứu về thị trường lao động Thái Lan cho thấy, nước này có khoảng 40 nghề cấm người nước ngoài làm việc, trong đó có những nghề thuộc nhóm tự do dịch chuyển của ASEAN.

Thiếu tự tin khi dịch chuyển

Việc kỳ vọng có mức lương, thưởng cao hơn, cơ hội nghề nghiệp phát triển tốt hơn là lý do khiến nguồn nhân lực Việt Nam mong muốn được sang các nước khác trong khu vực để làm việc. Nhưng trên thực tế, nhiều lao động vẫn chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng với việc dịch chuyển việc làm trong khu vực ASEAN.

Theo báo cáo về cơ hội dịch chuyển lao động đối với nhân sự cấp trung người Việt khi AEC được thành lập của Navigos search mới được công bố, 70% người tham gia khảo sát có kinh nghiệm làm việc từ 5-20 năm, tuy nhiên 67% người trả lời rằng họ chưa thực sự tự tin về khả năng tiếng Anh.

Ngoài ra, việc chưa tạo hoặc cập nhật hồ sơ cá nhân trên các trang mạng xã hội về việc làm chuyên nghiệp cũng là bất lợi của lao động Việt Nam so với ứng viên đến từ quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn như Thái Lan, Singapore. Thế mạnh của lao động Việt Nam là khả năng học hỏi nhanh, chăm chỉ và thích ứng nhanh với sự thay đổi cũng không được xem là lợi thế nổi trội để có thể tự tin với các cơ hội dịch chuyển lao động việc làm khi AEC được thành lập.

Lợi ích đáng chú ý của việc thành lập AEC là sự dịch chuyển tự do của lao động có kỹ năng, tay nghề. Tuy nhiên, nhóm lao động này chỉ chiếm 1,5% tổng số lao động của ASEAN và chỉ dịch chuyển được khi trình độ của những lao động này được công nhận thông qua các thỏa thuận. Nên trong ngắn hạn, thị trường lao động trong nước chưa được hưởng lợi về khả năng tăng trưởng việc làm nhưng cũng chưa phải chịu tác động xấu từ việc lao động các nước ồ ạt tới làm việc.

Để chia sẻ khối thịnh vượng chung và đảm bảo việc làm trong nước Việt Nam cần tận dụng các lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng nguồn lực, đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra.