Làng đỏ vào Xuân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ra Giêng, tôi về thăm “Làng đỏ” Trung Mầu. Sông Đuống hiu hiu dưới mưa xuân gợi trong tôi hình bóng về làng quê yên ả nép dưới chân đê. Trong mắt tôi đang hiện ra khi là những lộc cây he hé, khi là cánh hoa giấy e ấp như những cánh bướm, báo hiệu một mùa xuân đã tới.
Xã Trung Mầu nhìn từ trên cao

Xã Trung Mầu nhìn từ trên cao

Từ truyền thống…

Nằm bên bờ Bắc sông Đuống, xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm, Hà Nội) bao đời yên bình, êm ả. Vọng từ ngoài sông tới là tiếng sà lan trầm đục lặng lẽ ngược xuôi đã tạo ra cho đôi bờ đi vào thơ Hoàng Cầm đầy lưu luyến: “Em ơi! Buồn làm chi/ Anh đưa em về sông Ðuống/ Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ/ Sông Ðuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Xưa xã Trung Mầu thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, là nơi đi về của các đồng chí Xứ ủy Bắc Kỳ. Và chính từ đó Trung Mầu trở thành “địa chỉ đỏ”, Chi bộ Đảng ở xã được thành lập khá sớm, từ tháng 6-1944. Và ngày 10-3-1945 nhân dân Trung Mầu dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, trở thành một trong những địa phương chủ động khởi nghĩa sớm nhất cả nước.

Phòng truyền thống xã Trung Mầu có dáng dấp của một “Bảo tàng lịch sử và cách mạng” thu nhỏ. Trong căn phòng chừng hơn 200m2, các tư liệu cùng hình ảnh được bố trí khá bài bản, phân chia theo từng thời kỳ cách mạng. Cô Thanh Hà - cán bộ văn hoá xã kiêm phụ trách Nhà truyền thống xã cho biết: “Phòng truyền thống luôn mở cửa hàng ngày. Vào dịp lễ, Tết hay những dịp có sự kiện chính trị, chúng tôi lại tổ chức cho các cháu học sinh trong xã tới thăm để giới thiệu truyền thống quê hương và cũng để các cháu nhớ kỹ, nhớ sâu về truyền thống của quê hương mình”.

Tôi thấy cần nói thêm rằng, “đây là một địa phương được nhận bằng “Có công với nước” cho nhân dân toàn xã”, một trường hợp cũng khá độc đáo”. Bên cạnh đó là danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Cô Thanh Hà chắc vui nên câu chuyện giữa chúng tôi cũng hào hứng hơn. Cô khoe thêm: “Xã chúng tôi đã đạt là xã nông thôn mới mấy năm rồi”.

Quang cảnh trong Phòng truyền thống

Quang cảnh trong Phòng truyền thống

Tới hiện tại

Người tiếp tục đưa tôi đi thăm các thôn trong xã là Đới Đăng Minh - Phó Chỉ huy quân sự kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã Trung Mầu. Minh còn khá trẻ và vui tính, cậu đèo xe máy đưa tôi tới bất kỳ chỗ nào mà tôi muốn. Là Phó Chỉ huy quân sự xã nên Minh rất thông tỏ xã mình, tôi thầm nghĩ: “Cán bộ trẻ có khác, xông xáo và nắm chắc địa bàn”. Minh dẫn tôi vào thăm gia đình cụ Nguyễn Xuân Ca, ngôi nhà này những năm trước cách mạng là nơi đặt xưởng in tài liệu và truyền đơn của Xứ ủy Bắc Kỳ.

Cụ Ca qua đời đã lâu, hiện ngôi nhà xưa có tuổi đời chừng trăm năm tuổi do người con trai cả trông nom, đó là nhà giáo nghỉ hưu Nguyễn Xuân Tôn - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS xã Trung Mầu trông nom. Ông đã cùng vợ thống nhất gia đình, quyết tâm giữ bằng được ngôi nhà cùng di tích căn hầm bí mật trong vườn. Việc làm ấy thật đáng trân quý giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng” này, nhất là những năm tới đây huyện Gia Lâm trở thành quận thì đất đai sẽ có nhiều lợi nhuận. Trả lời cho suy nghĩ của tôi, bà vợ ông Tôn khoe: “Nhà em, vợ chồng con trai, con gái, con dâu, con rể đều là Đảng viên tất. Đủ một chi bộ đấy!”. Câu khoe của bà Tôn đã cho thấy người dân Trung Mầu vẫn luôn tin tưởng và đi theo Đảng.

Trở lại Văn phòng UBND xã, cô cán bộ văn phòng Nguyễn Thị Thủy cứ xuýt xoa xin lỗi vì dịp này các đồng chí lãnh đạo bận việc cả, cô Thủy nói: “Sau kỳ nghỉ Tết, giờ các anh ấy tỏa đi các thôn xóm động viên bà con bước vào sản xuất vụ xuân anh ạ”. Tôi cười: “Không gặp lãnh đạo xã nhưng lại hay bởi vì tôi được làm việc với cánh trẻ của xã. Thấy tương lai lắm”.

Vào việc ngay và vào việc một cách cụ thể cho thấy “dàn” lãnh đạo nhiệm kỳ mới ở đây đã đi đúng hướng. Mấy năm vừa qua có nhiều thách thức, nhưng những thành tích xã Trung Mầu đạt được cho thấy một khi biết gắn lợi ích kinh tế với phát huy truyền thống sẽ đem lại hiệu quả tích cực. Mục tiêu “Phát triển kinh tế từng bước vững chắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của nhiệm kỳ vừa rồi mà Đảng bộ xã đề ra đã từng bước thành hiện thực. Tỷ trọng ngành nông nghiệp - thủy sản đạt 29,76% (vượt chỉ tiêu 0,2%) với giá trị trên 1ha đạt 87,15 triệu đồng (tăng 22,35 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ). Bình quân thu nhập đầu người đạt 45,36 triệu đồng, tăng 5,36 triệu đồng cho với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hiện toàn xã 100% số hộ gia đình đã được sử dụng nước sạch.

Tôi nói vui: “Thảo nào tôi thấy trong thôn có nhiều nhà mới xây. Đấy, ngôi nhà 2 tầng khang trang mới tinh của gia đình ông Nguyễn Xuân Thủy mà tôi vừa được cậu Minh dẫn vào đấy. Nuôi bò sữa cũng là thế mạnh của xã”. Bà Thủy cho biết thêm: “Năm qua mặc dù diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do việc xã phải nhường 23ha đất canh tác nông nghiệp cho Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống nên Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa các loại sản phẩm theo hướng phát triển hàng hóa nên diện tích đất canh tác nông nghiệp có giảm nhưng giá trị vẫn tăng”.

Ra vậy! Cũng theo những gì mà tôi được chứng kiến đã thấy người dân Trung Mầu bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp truyền thống như lúa, chuối thì việc chuyển nhanh sang các giống cây có giá trị cao như cây cảnh, cây ăn quả, cỏ phục vụ nuôi bò sữa theo đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh” của Đảng bộ xã là cách đi hiệu quả thiết thực.

Chăn nuôi bò sữa ở một hộ gia đình

Chăn nuôi bò sữa ở một hộ gia đình

Và tương lai

Câu chuyện của chúng tôi dần chuyển sang chuyện xuân mới. Hai cán bộ trẻ của xã là Nguyễn Thị Thanh Hà và Đới Đăng Minh tỏ ra nắm chắc nên câu chuyện nghe… khá vào. Đới Đăng Minh đã qua 3 năm học tại Trường Sĩ quan lục quân I trước khi về quê nhận công tác. Sức trẻ và được đào tạo chính quy nên Minh bắt tay vào việc với kiến thức và lòng nhiệt tình. Minh cho biết: “Chúng em luôn phối hợp giữa công an với quân sự địa phương trong công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Xã cách xa trung tâm huyện và thành phố, có sông Đuống chảy qua, lại giáp ranh với huyện bạn, tỉnh bạn nên tội phạm thường lợi dụng để hoạt động. Đảm bảo anh ninh, an toàn cho địa bàn cũng là đảm bảo an ninh, an toàn cho dân anh ạ”.

Mà như vậy là đúng! Phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, xây dựng xã Trung Mầu đạt xã “Nông thôn mới nâng cao” gắn với phát triển đô thị như mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ xã đề ra cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã gợi nên một màu xuân mới. Một Trung Mầu trước ngưỡng cửa mới đang mở ra những hy vọng mới.