Nhà thơ Hoàng Cát:

Làm “que diêm” cháy hết mình

ANTĐ - Trong làng văn, cái tên Hoàng Cát được nhiều người nhớ dù không “sốt” ở các diễn đàn, không “sôi” ở các tọa đàm, không “hot” trên thị trường sách. Những vẫn nhớ, là bởi “giai thoại” quá đỗi nổi tiếng giữa ông với thi sĩ Xuân Diệu. Nhớ thêm một chút với câu chuyện một thời văn nghệ “Cây táo ông Lành”. Còn tôi, lại nhớ về ông với nụ cười tươi rói và những câu thơ kiêu bạc: “Cháy hết mình như que diêm, rồi tắt / Còn hơn âm thầm làm khúc gỗ lặng im”.

Nhà thơ Hoàng Cát với tập thơ “Thanh thản”

Cây khế... ông Cát

Thời gian gần đây, ít thấy Hoàng Cát xuất hiện. Hóa ra ông đang nằm nhà điều trị ung thư hạch cổ. Những đợt xạ trị hóa chất liên tiếp khiến người đàn ông U70 mệt nhoài. Cái mái tóc bồng bềnh “rất Hoàng Cát” cũng đã rụng hết, không còn sợi nào. Cũng may, tóc rụng nhưng cái cổ thì đã nhẹ nhõm hơn chứ không còn sưng như ngày mới phát hiện bạo bệnh. 

Khi biết mình bị thoát vị ổ bụng và ung thư hạch cổ Hoàng Cát đã có ý định… buông xuôi. Vì ông nghĩ tới khoản tiền cả trăm triệu phía trước, biết tìm đâu. Nhưng những câu thơ ông “tiên tri” năm nào: “Tôi sống được là nhờ lòng bè bạn/ Như nắng giữa mùa đông, như gió mùa hè…” đã ứng nghiệm. Khi biết tin ông bị bệnh nan y, bạn bè văn nghệ đã giúp đỡ khá nhiều.

Tôi vẫn nhớ lần đầu đến thăm Hoàng Cát. Căn nhà ông ở nằm ngõ nhỏ của đường Nguyễn An Ninh. Khoảng sân nhỏ có một cây khế lâu năm trùm lối lên cầu thang. Những chùm khế vàng ươm, ngon mắt đến lạ lùng. Cây khế ấy quả chín lúc lỉu, nhiều khi ông vẫn cứ để cho chim về ăn, không vặt. Và cây khế ấy, như một nhân vật đầy bí ẩn, để ông không chỉ viết văn, mà còn làm thơ: “Một cây khế cũng hóa thành vườn cảnh/ Tỏa bóng xanh gọi tiếng chim về/ Trưa tĩnh lặng như trưa cổ tích/ Trái treo chùm cho gió vuốt ve…”. 

Hoàng Cát rỉ tai tôi nói rất khẽ: “Khi xưa đây còn là vườn hoang rậm rạp, có một cây táo dại tự dưng mọc ở đây và lớn rất nhanh”. Vợ chồng ông đi làm suốt ngày. Ông sợ khi cây táo có quả, trẻ con sẽ trèo vào hái trộm và quấy phá, thế là mang dao chặt đi. Chặt rồi thấy hối tiếc, vì sao mình lại có những lúc nhỏ bé thế? Mình vốn là người rất yêu trẻ con cơ mà. Thế là ông buồn mất nhiều ngày. Và cây táo bị chặt chính là cú “đềpa” để cho ông viết nên câu chuyện “Cây táo ông Lành”. Đấy, chuyện chỉ có thế, nhưng “chẳng may” có những trùng lặp, những hiểu lầm hay là những gì đó, để một thời lao đao. Giờ kể lại, Hoàng Cát chỉ cười, lại nụ cười rất hiền, như gió thoảng. Bởi như nhiều nhà thơ khác, Hoàng Cát đắm đuối với thơ, và luôn vịn vào thơ để sống, để vượt qua bất kì hoàn cảnh nào. Thơ vẫn cho ông những đức tin để vững vàng, đi tiếp.

Người thích tự làm… “Tuyển tập”

Là “nhà thơ thương binh”, lại biết mình luôn có bệnh, Hoàng Cát luôn trù liệu cho mình. Bạn bè nhiều người đã thấp thỏm, phấp phỏng lo ngại cho Hoàng Cát. Nhưng rồi ông vẫn trụ vững được với tuổi tác và bệnh tật. Mấy năm trước, ông in tập thơ “Thanh thản”. Ông xác định “đó có thể là tập thơ cuối cùng”, bởi ông lượng thấy sức mình đã yếu, lại còn chứng nhồi máu cơ tim đã khiến ông nhiều lần ngã quỵ giữa hè phố. 

Nhưng có điều lạ mà vui, cứ sau mỗi lần Hoàng Cát ra tập thơ, sức khỏe ông lại tốt hơn, tinh thần minh mẫn hơn. Sau khi tập thơ “Thanh thản” ra mắt, Hoàng Cát tâm sự với vợ: “Đời anh buồn thật, nhưng anh sẽ thanh thản thực sự khi làm xong tuyển tập cho mình”. Khi ấy, người vợ hiền tần tảo của ông cả đời mới ki cóp được 20 triệu đồng, ngay lập tức đã đưa cả cho ông để thực hiện mong mỏi đó. Rồi vay mượn, rồi được bạn bè “tài trợ” người nhiều thì vài triệu, người ít thì dăm trăm nghìn, “Tuyển tập thơ” ra đời dày 560 trang, bìa cứng, “ngốn” của Hoàng Cát gấp đôi số tiền vợ đưa. Nhưng ông vẫn lấy làm vui, vì với tâm hồn nhạy cảm của thi nhân, chẳng thà như thế còn hơn là đi ngửa tay xin một Mạnh Thường Quân tài trợ hoàn toàn. Hoàng Cát bảo: “Cầm những đồng tiền ấy, cái tư thế nhà thơ không còn thẳng nữa”. Và điều còn khiến ông sợ hơn, đó là những cuốn sách có tài trợ đó sẽ chìm khuất đâu đó trong một nhà kho, rồi cuối cùng các thùng sách mới phủ bụi sẽ đi thẳng tới… hàng giấy vụn.

Tự làm “Tuyển tập” cho mình, với nhiều người điều ấy có gì đó… không hay, thậm chí còn là “điềm gở”. Tuy nhiên, Hoàng Cát có lý do của mình. Ông ví von việc tự tay làm “Tuyển tập thơ” cho mình như là cách tự xây “đền” cho mình. Mấy năm trước, Hoàng Cát cứ bị ám ảnh về hình ảnh nhà thơ Phạm Tiến Duật đang nằm trên giường bệnh, dây quấn quanh người, khi ấy, bạn bè mới đôn đáo chạy đi làm cho cuốn “Tuyển tập”. Và khi sách vừa rời nhà in, thi sĩ của những cánh rừng Trường Sơn cũng chỉ có thể nằm đó, mà không biết sách đẹp xấu ra sao. Hoàng Cát không muốn lặp lại trường hợp đó nữa. 

Thực hư “một mối tình trai”


Hoàng Cát có nhiều chuyện mà kể ra có lẽ phải cần đến một cuốn sách dày. Nhưng giai thoại vẫn được nhiều người nhắc tới đó là có thực hay không “một mối tình trai” với giữa Hoàng Cát với nhà thơ Xuân Diệu? Nhiều người sống cùng thời với Hoàng Cát bảo đã “chứng kiến” nhiều chi tiết “thú vị lắm”. Chả biết đúng đến bao nhiêu phần trăm. Riêng Hoàng Cát, ông công khai kể nhiều lần, rằng cái năm 1958 đó ở cánh đồng Nghệ An, lần đầu Hoàng Cát gặp Xuân Diệu. Khi đó chàng trai 17 tuổi Hoàng Cát đang hớt hải đi tìm… trâu lạc thì gặp Xuân Diệu ngồi nghỉ dưới tán cây giữa đồng làng. “Sau buổi gặp đó, chúng tôi trở nên thân thiết. Thực ra, Xuân Diệu có yêu tôi. Tôi biết điều đó, nhưng chỉ thương Xuân Diệu chứ không thể yêu giống kiểu trai gái yêu nhau, hay như một người đồng tính, bởi mình là người bình thường. Nhưng về mặt lý trí và tình cảm thì rất thương Xuân Diệu. Mà thương quá hóa chiều…”.

Chiều ra sao thì Hoàng Cát không nói, chỉ bảo rằng được Xuân Diệu làm khá nhiều thơ tặng. Trong đó, có những câu thế này: “Em đi, để tấm lòng son mãi/ Như ánh đèn chong, như ngôi sao/ Em đi, một tấm lòng lưu lại/ Anh nhớ thương em, lệ muốn trào. Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga/ Chưa chi ta đã phải chia xa!/ Nụ cười em nở, tay em vẫy/ Ôi mặt em thương như đóa hoa...” Và: “Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/ Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê”…