Làm phim hoạt hình là…phi lợi nhuận!

ANTĐ - Phim hoạt hình bao nhiêu năm nay vẫn loay hoay tìm đường tiếp cận với công chúng, các tác phẩm dù được đánh giá là có chất lượng tốt vẫn chật vật tìm đầu ra vì thiếu kinh phí và chiến lược quảng bá. Nỗi trăn trở không của riêng ai, kể cả với đạo diễn Trịnh Lâm Tùng, người  giành được giải Cánh diều Vàng 2012 cho thể loại phim hoạt hình với bộ phim “Càng to càng nhỏ”. 

Bộ phim “Càng to càng nhỏ” đoạt giải Cánh diều Vàng 2012 cho thể loại phim hoạt hình

- PV: “Càng to càng nhỏ” được đánh giá cao bởi kỹ thuật làm phim 3D, nhưng thực tế khán giả chưa có cơ hội được thưởng thức nó. Anh nghĩ sao?

- Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng: Sự bất cập này liên quan đến vấn đề bản quyền và khai thác bản quyền. Trước hết phim hoạt hình đều do đặt hàng từ Nhà nước nên sản xuất phim hầu hết là phi lợi nhuận. Không riêng gì tôi, nhiều bộ phim của các lớp đạo diễn đi trước nội dung rất hấp dẫn nhưng việc quảng bá gần như không có. Website của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng chỉ hoạt động cách đây chừng nửa năm, hiệu quả đạt được còn chưa cao.  

- Phải chăng để phim hoạt hình Việt Nam đến được với nhiều khán giả chỉ có kênh duy nhất là màn ảnh rộng?

- Đây cũng là trăn trở của những người làm phim hoạt hình chúng tôi. Để đưa một bộ phim hoạt hình ra rạp phải đáp ứng đủ hai yếu tố về thời lượng và chất lượng hiển thị. Phim hoạt hình Việt Nam hầu như có thời lượng ngắn từ 10-20 phút, cùng lắm 30 phút chưa đủ thời lượng để chiếu ở rạp. Chất lượng phim thì những năm gần đây, nhờ một số cải tiến trong công nghệ thì mới dần dần được cải thiện. Phim hoạt hình đầu tiên được chiếu ở rạp là “Người con của rồng” tôi cũng tham gia sản xuất nhưng cũng chỉ mới là một phim tốt, chứ chưa đủ sức để kéo khán giả ra rạp.  

- Theo anh đâu là cái khó mà những đạo diễn phim hoạt hình đang gặp phải trên con đường đưa tác phẩm của mình tiếp cận công chúng? 

- Những đạo diễn trẻ ở thế hệ chúng tôi ý thức hơn đến việc quảng bá cho sản phẩm của mình, và có lợi thế được tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ nhưng cũng gặp khó khăn trong việc liên kết với mạng lưới các rạp chiếu phim. Chúng tôi nhiều lúc “tự quảng cáo” nhưng cũng chỉ dừng ở việc tải phim lên các trang web như Youtube hay chia sẻ trên các trang mạng cá nhân cho bạn bè, đồng nghiệp biết. Nhưng khi hỏi đến trẻ con thì chúng nó không biết phim của mình (cười). 

 - Phim hoạt hình trên thế giới đã đạt được doanh thu thương mại khổng lồ trong khi ở Việt Nam, các nhà làm phim hoạt hình không dám mạnh dạn đầu tư vì đầu ra không mấy khả quan?

- Phim hoạt hình nước ngoài trước khi sản xuất xác định là một sản phẩm kinh doanh hàng hóa nghệ thuật, họ thực hiện thành công, thu về lợi nhuận lớn và được dành để đầu tư tiếp. Còn ở Việt Nam, nói vui như những người đồng nghiệp của tôi ở nước ngoài thì đạo diễn nuôi cả nhà còn ở đây cả nhà… nuôi mình (cười). 

- Có nhận xét cho rằng phim hoạt hình của chúng ta ít tính giải trí, nặng về giáo dục. Có phải do cách tư duy và thể hiện của những nhà làm phim vẫn chưa thay đổi?

- Theo tôi thành công của những phim hoạt hình nước ngoài là nhờ kỹ năng xử lý tình huống. Trong vòng 90 phút, họ tính toán dành thời lượng bao nhiêu phút để giới thiệu, để phát triển câu chuyện và xây dựng nhân vật của mình. Loại bỏ dần những yếu tố khô khan, giáo điều, để cho nhân vật tự trải nghiệm, tự nhìn nhận và bộc lộ cá tính, tôi nghĩ đó cũng là cách tạo cho con trẻ được tiếp nhận một cách tự nhiên.

- Người lớn dựng tác phẩm dành cho trẻ nhỏ đôi khi cũng phải nhìn từ góc độ, suy nghĩ của trẻ nhỏ. Anh có bí quyết gì để dựng phim của mình gần gũi hơn với khán giả nhỏ tuổi?

- Tôi cũng gửi phim, tặng đĩa cho bạn bè có con nhỏ, các trường mầm non, quan sát phản ứng của các cháu. Chẳng nói đâu xa, những câu từ, lời thoại trong phim tôi lấy từ những buổi trò chuyện với con trai tôi. 

- Anh là một đạo diễn trẻ và đã được giới chuyên môn ghi nhận bằng giải thưởng Cánh diều vàng. Sau câu chuyện của chú cua nhỏ, anh sẽ cho ra đời những tác phẩm quy mô lớn hơn? 

- Dù hạn chế khuyên răn, giáo điều thì mỗi phim hoạt hình sản xuất ra đều phải truyền tải một ý nghĩa, thông điệp. Với phim của mình, tôi muốn xây dựng những khuôn hình màu sắc như một cách lưu giữ tuổi thơ, để các em hiểu hơn thế giới tự nhiên. Dự án “Đuôi của thằn lằn” sắp tới của tôi cũng sẽ khai thác một cốt truyện đơn giản, bối cảnh gần gũi với thiên nhiên, hy vọng sẽ kịp hoàn thành vào tháng 9 năm nay.    

- Xin cảm ơn anh!