"Lạm phát" lãnh đạo, "bệnh" chưa trị được

ANTD.VN - Tình trạng “lạm phát” lãnh đạo, cấp phó ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong khi nhiều phòng, ban thừa lãnh đạo thì bộ phận giải quyết thủ tục hành chính lại thiếu cán bộ giỏi (Ảnh minh họa)

Giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016”, Đoàn giám sát của Quốc hội đã phát hiện nhiều tồn tại trong tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Đáng chú ý, tình trạng mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu qua nhiều năm vẫn chưa được khắc phục.

Lãnh đạo nhiều ngang nhân viên

Theo Đoàn giám sát, do cơ cấu tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ có quá nhiều đầu mối, đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, dẫn đến tình trạng tạm gọi là “lạm phát” lãnh đạo. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu tại các Tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ vào năm 2011 là 1/6 thì tới tháng 12-2016, thay vì giảm đi, con số này tăng lên 1/5.

Tương tự, tại các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỷ lệ số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên trên tổng số công chức vào năm 2011 là 1/2 thì tới tháng 12-2016, con số này tăng lên 4/7. “Điểm danh” một số bộ, ngành có tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp Phó phòng trở lên/công chức ở mức cao, Đoàn giám sát nêu rõ, con số này ở Bộ Công Thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5... 

Cũng theo Đoàn giám sát, trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và các Nghị định hướng dẫn, nhiều bộ, ngành đã thực hiện nghiêm túc quy định về số lượng cấp phó ở cơ quan, đơn vị mình. Tuy nhiên, một số vụ, đơn vị thuộc bộ vẫn có số lượng cấp phó vượt quá quy định của Luật Tổ chức Chính phủ. Chẳng hạn, tính đến 31-12-2016, Bộ Giao thông Vận tải có Cục Quản lý xây dựng đường bộ (4 phó); Cục Quản lý đường bộ cao tốc (4 phó); Bộ Công Thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý thị trường (4 phó); Bộ Tài chính có 12/20 vụ, đơn vị thuộc Bộ có số lượng Phó Vụ trưởng vượt quá quy định (Vụ Pháp chế: 5, một số vụ, đơn vị khác: 4).

Thiếu cấp phó để đi… họp

Tình trạng mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu cũng xuất hiện ở các tỉnh, thành phố do cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có quá nhiều đầu mối. Tỷ lệ này ở tỉnh Hà Giang là 3/4, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang là 1/2. 

Theo kết quả giám sát, ở địa phương, nếu biên chế trung bình của một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là 40 thì với tỷ lệ trung bình 8,1 phòng/sở, sẽ có đến 20 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên (mỗi đơn vị gồm 1 cấp trưởng và từ 2 - 3 cấp phó). Ví dụ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị có 25 biên chế, bố trí thành 8 phòng, mỗi phòng bố trí 2 - 3 người nên dẫn đến tình trạng người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhiều hơn nhân viên.  

Tương tự, tình trạng “lạm phát” cấp phó cũng tồn tại ở nhiều tỉnh, thành phố. Một số địa phương có số lượng Phó giám đốc sở hoặc tương đương, số lượng Phó phòng cấp huyện vượt quá quy định. Đơn cử, TP Hà Nội có Sở Nội vụ; Hà Tĩnh có Văn phòng UBND tỉnh, Sở Y Tế, Sở NN&PTNT; Lai Châu có Sở NN&PTNT, Sở Công Thương; Bạc Liêu có Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Bình, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Bạc Liêu...  

Theo Đoàn giám sát, nhiều địa phương cho rằng, việc quy định “cứng” số lượng cấp phó ở các sở, phòng của UBND là không hợp lý, chưa phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của mỗi địa phương (có sở, phòng cần nhiều cấp phó, ngược lại, có sở, phòng cần ít cấp phó). Tuy nhiên, Đoàn giám sát cho rằng, do phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính hiện nay chậm được đổi mới, duy trì các cuộc họp, hội nghị triển khai công việc quá nhiều, không gắn với nguyên tắc làm việc theo chế độ chuyên viên nên địa phương nào, cơ quan nào cũng thiếu cấp phó để đi họp...