Lắm mối càng rối thêm

ANTĐ - Số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới công bố khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên về sự đan xen, chồng chéo trong quản lý nhà nước đối với khối doanh nghiệp nhà nước. Hiện có tới 101 đầu mối quản lý trực tiếp 1.039 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Các đầu mối bao gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố, 11 tập đoàn kinh tế nhà nước, và 10 tổng công ty 91. Nhà nước vừa đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp, vừa là cơ quan ban hành chính sách. Vai trò “kép” nên khó tránh được sự thiên vị.

Theo một tiến sĩ, nguyên Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, sự chồng chéo, đan xen này cho thấy còn một khoảng trống pháp luật về quyền sở hữu, thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Hệ quả là việc phân công, phân cấp quản lý doanh nghiệp không dựa trên nền tảng Luật Doanh nghiệp áp dụng cho mọi loại doanh nghiệp.

Thực trạng quản lý này không chỉ tiềm ẩn rủi ro, mà thực tế đã và đang dẫn đến những hệ quả tiêu cực, hiệu quả yếu kém trong công tác quản lý khối doanh nghiệp này. Việc phân công, phân cấp đầu mối, chủ yếu dựa vào các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, bộ máy hành chính, cán bộ công chức phân tán theo ngành, lĩnh vực kiểu “mặt trận” dẫn đến khó phối hợp, thống nhất và chậm ra quyết định của chủ sở hữu nhà nước.

Hơn thế, cách quản lý này còn ảnh hưởng xấu đến hiệu lực, hiệu quả quản lý doanh nghiệp nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước cùng lúc sắm cả “hai vai” làm cho chính sách kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự ưu ái cho doanh nghiệp “con đẻ”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính “bóp méo” môi trường kinh doanh, cạnh tranh không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hậu quả hiển nhiên là doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh hiệu quả kinh tế thấp nhưng không được xử lý đến nơi đến chốn, thậm chí còn được “giải cứu” khi không còn… sức sống.

Câu chuyện muôn thuở về quản lý vốn nhà nước trong khu vực doanh nghiệp này lại vừa được “hâm nóng” tại Hội nghị Người đại diện vốn nhà nước, những người được giao trọng trách “tay hòm chìa khóa” giữ vốn. Người đại diện, nói nôm na là đại diện cho sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp đó, cả quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm. Quy chế người đại diện đã được sửa đổi với các quy định rõ ràng hơn, nhưng vẫn chưa thật đầu đủ nên vẫn còn những khiếm khuyết. Người đại diện vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những vấn đề mấu chốt chưa được tháo gỡ là chưa quy định rõ quyền, trách nhiệm đối với người đại diện vốn nhà nước. 

Trong tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, vai của người đại diện vốn càng trở nên quan trọng. Vì thế phải sớm chấm dứt tình trạng lắm mối càng rối thêm trong quản lý, kế hoạch tái cấu trúc, chiến lược kinh doanh, thị trường.