Lách qua cửa hẹp

ANTĐ - Dù không đưa ra quyết định cụ thể nào về danh mục cải cách mà Hy Lạp phải thực hiện nhưng Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc với quyết định bằng mọi giá phải giữ Hy Lạp ở lại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Quyết định trên đã giúp châu Âu thở phào, nhất là khi Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế đang chạy đua với thời gian để cho ra đời một thỏa thuận mới về vấn đề nợ công của Hy Lạp trước hạn chót là ngày 30-6. Đến thời điểm đó, nếu không có 1,6 tỷ euro trả nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hy Lạp sẽ phá sản, đồng nghĩa với việc nước này phải chia tay với khu vực Eurozone.

Mới vài ngày trước đây, quan hệ giữa Hy Lạp với các chủ nợ gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế chẳng khác nào như nước với lửa. Để mở két sắt cho Hy Lạp vay 7,2 tỷ euro, các chủ nợ đòi nước này phải chấp nhận hàng loạt điều kiện: Tăng thuế đối với người giàu, tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), tăng độ tuổi nghỉ hưu; tăng thuế doanh nghiệp từ mức 26% hiện nay lên mức 28% và sau đó lên mức 29% sau năm 2016; cắt giảm 400 triệu euro chi tiêu quốc phòng, thay vì mức đề xuất là 200 triệu euro.

Lách qua cửa hẹp ảnh 1

Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng”

Trong con mắt của Hy Lạp, những điều kiện trên là quá ngặt nghèo. Athens lo ngại rằng việc tăng thuế VAT quá cao sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch của nước này, trong khi ngoài ngành du lịch và xuất khẩu dầu ô liu, Hy Lạp không có nguồn thu  ngoại tệ nào cả. Đất nước này cũng không có mạng lưới công nghiệp như Italia hay Tây Ban Nha. Thêm vào đó, chính sách “thắt lưng buộc bụng” đang khiến người dân Hy Lạp bất bình. 

Nhưng để vỡ nợ và phải ra khỏi khu vực Eurozone, Hy Lạp sẽ phải đối mặt với những hậu quả tai hại về mặt xã hội. Điều có thể thấy ngay là trong năm đầu tiên rời bỏ đồng euro, quay lại với đồng tiền cũ, mỗi đầu người Hy Lạp sẽ mất hơn 10.000 euro do tác động trực tiếp.

Đơn giản do Hy Lạp luôn trong tình thế nhập siêu so với các đối tác châu Âu. Đồng tiền thay thế cho đồng euro sẽ bị mất giá từ 50 đến 70% so với đơn vị tiền tệ của châu Âu. Điều đó sẽ khiến hàng nhập vào thị trường Hy Lạp thêm đắt đỏ. Lạm phát ước tính tối thiểu lên tới 30%. Sức mua của 12 triệu dân Hy Lạp đã giảm đi mất 1/4 kể từ năm 2008, có nguy cơ lại càng bị thu hẹp lại. 

Đối với EU, nếu Hy Lạp phải từ bỏ đồng euro để quay lại với đồng drachme thì các nước EU cũng chịu thiệt hại lớn. Cho tới nay, các nước thành viên trong khối đã phải huy động 200 tỷ euro để hỗ trợ thành viên yếu kém nhất là Hy Lạp. Nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone, GDP của toàn khu vực đồng euro sẽ giảm 2%. Hy Lạp sẽ không thể thanh toán nợ đã đi vay bằng đồng euro cho các chủ nợ. 

Vì vậy, giải pháp hợp lý nhất lúc này là giữ Hy Lạp lại trong khối, dù việc này sẽ rất tốn kém. Thay vì thúc bách, các đối tác phải để cho Athens có thời gian tái xây dựng. Thực tế thì không một quốc gia nào, kể cả những nền kinh tế đang thịnh vượng nhất, có thể dành ra đến 4,5% GDP để thanh toán cho các chủ nợ trong 20 năm liên tiếp. Khăng khăng đòi Hy Lạp trả nợ và cân bằng ngân sách, giảm nợ công sẽ đẩy nước này đến sụp đổ, làm dấy lên thêm tinh thần “bài châu Âu” trên xứ sở của Platon mà thôi. 

Với quyết định của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Hy Lạp và EU đã lách qua được “khe cửa hẹp” bất đồng vào phút cuối. Nhưng để khép lại câu chuyện nợ nần của Hy Lạp thì còn lâu.