Ký ức những quán nước đầu ngõ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Đầu ngõ có quán bán hàng/ Quanh năm bán nước trà đen kẹo vừng/ Khách là hàng phố xa gần/ Nghỉ chân điếu thuốc, chuyện gần chuyện xa” - Đấy là hình ảnh mộc mạc thân thương của người Hà Nội sau giờ làm việc hay ngày nghỉ rỗi rãi.

Những năm 60-70 thế kỷ trước, khi phương tiện thông tin giải trí còn thiếu thốn thì quán nước là nơi lui tới của nhiều người, nhất là lớp trẻ. Không biết các quán hàng ra đời từ bao giờ, song, có lẽ khởi đầu là những gánh rong bún riêu, bánh đúc, bánh cuốn, thúng xôi… ngồi hè đường bán cho dân ngõ phố và khách vãng lai từ sớm tinh mơ.

Hàng quán Hà Nội thời bao cấp

Hàng quán Hà Nội thời bao cấp

Khi lính về hưu

Hồi ấy, khi mấy gánh quà vãn khách là lúc quán nước ông Tòng “cối” bắt đầu dọn hàng. Quán dựng ngay đầu ngõ, mái giấy dầu với 4 cột tre, nền quán được tôn bằng than xỉ bếp lò rồi láng mỏng xi măng. Trong ngõ sâu hút là những dãy nhà tập thể của công nhân đường sông xen lẫn nhà cấp 4 mái ngói, mái tôn phibro xi măng thò thụt lấn vào con ngõ vốn đã rất hẹp.

Quán ông Tòng xơ xài, tứ bề trống huếch. Ngày nắng có tấm cót che, ngày mưa là miếng vải nhựa kéo từ mái xuống. Khi đường phố bắt đầu đông người, công nhân nhà máy, thợ thuyền xí nghiệp, hợp tác xã vội vã đi làm trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, mấy bác xích lô chất đầy rau củ, nông sản chở đến chợ thì cũng là lúc vợ chồng ông dọn hàng. Một bệ xi măng thay cho chiếc bàn gỗ, ông Tòng bê chiếc thúng đựng đủ chủng loại chai lọ, ấm chén, bánh kẹo… bà vợ đi sau 2 tay xách 2 phích nước sôi.

Mấy món đơn sơ được đặt lên bệ xi măng gồm lọ kẹo vừng, kẹo dồi, kẹo lạc, hạt bí, hạt dưa xếp lên trên, rồi đến túm chuối Tây, chuối tiêu, chuối lá, xâu bánh đa buộc lạt treo lủng lẳng, lại cả vài chiếc bánh chưng, bánh nếp đặt cạnh đám cốc uống trà. Riêng khay thuốc lá bằng gỗ có nắp kính đặt ngay trước mặt chủ quán. Qua mặt kính trắng có thể nhận ra các thương hiệu lừng danh lúc bấy giờ: Tam Đảo, Sông Cầu, Trường Sơn, Đ’Rao, Điện Biên… và vài bó thuốc lá quấn. Sở dĩ khay thuốc phải để gần chủ quán là do khách thường xuyên mua lẻ, chỉ 1 - 2 điếu là cùng.

Ông Tòng tuổi chừng gần thất thập nhưng khỏe mạnh, minh mẫn dù vẫn hưởng chế độ thương binh loại 4. Sở dĩ ông mang biệt danh Tòng “cối” vì thời chống Pháp từng làm Tiểu đội trưởng hỏa lực cối. Đơn vị của ông đoạt vô khối thành tích tiêu diệt đồn bốt giặc, đánh chìm 2 tàu chiến trên sông Lô, được tuyên dương toàn quân và nhận giấy khen của cấp trên. Từ khi nghỉ chế độ, sau bao năm làm bảo vệ cho một xí nghiệp đường sông, ông quay sang mở quán nước ngay đầu ngõ để kiếm thêm thu nhập.

Sân chơi bàn tròn

Quán hàng của ông Tòng lúc nào cũng đông khách đủ mọi thành phần, nhưng đông nhất vẫn là thanh niên. Nó gắn bó với họ trong những trưa hè nóng nực. Ngồi bên bát nước chè xanh, cốc nước vối, rít vài vê thuốc lào, khách đi đường tạt vào nghỉ chân chốc lát còn có thể nhấm nháp chiếc bánh gai, bánh nếp, miếng chè lam, mè xửng.

Khách kéo đến đông nhất là lúc trưa, ông Tòng về nghỉ, thay vào đó là cô con gái xinh xắn đang tuổi trăng tròn ra trông hàng. Đã nhan sắc lại có duyên nên cô chủ quán khiến nhiều chàng trai trong ngõ, ngoài phố tìm đến. Chỉ là mấy chuyện gẫu bâng quơ mà ánh mắt, nụ cười của cô làm nhiều chàng “đóng đinh” vài giờ, ngồi nhả khói gần hết bao Tam Đảo mới chịu đứng lên. Tốp này về, tốp khác lại tới khiến cho quán hàng lúc nào cũng đông vui.

Buổi chiều đến ca ông Tòng thay phiên là lúc khách quen trong khu tập thể tìm đến. Cứ sau 15h, mấy ông trung niên lại ra quán ngồi hàn huyên. Thôi thì đủ thứ chuyện, nào là cửa hàng lương thực đã hết bột mì phải thay bằng ngô xay, sắn xay bán kèm gạo, hay tem thịt lợn có thể được mua thêm mỡ đóng hộp viện trợ. Rồi thì sáng nay cá biển về nhiều nên bán tự do không cần tem phiếu…

Hết chuyện thịt cá lại chuyển sang thời sự trong nước. Tình hình chiến trường miền Nam đang ác liệt, quân ta đánh sâu vào những cứ điểm quan trọng, tiêu diệt nhiều địch và thu nhiều vũ khí. Miền Bắc đang kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ chi viện cho miền Nam ruột thịt. Tiếng rít thuốc lào òng ọc, tiếng tranh luận về chiến sự khiến quán nước rôm rả hẳn lên.

Mấy ông khách quen cùng ngõ đã nghỉ hưu còn coi quán ông Tòng là nơi chia sẻ những kỉ niệm, ký ức xưa cũ của một thời xông pha chiến trường thời kỳ chống Pháp. Họ cũng chỉ ngồi vê thuốc lào vặt, hay hút vài điếu thuốc quấn, uống dăm bát chè xanh, nhưng chuyện thì không bao giờ tắt.

Cùng là bộ đội Cụ Hồ nhiều năm chiến đấu trên các mặt trận chống Pháp nên ông Tòng coi những vị khách này như đồng đội cũ của mình. Dù hàng họ bán chẳng được là bao, nhưng vẫn thấy vui. Ngày ấy các chiến sĩ từ nhiều nơi tập hợp thành những đơn vị chiến đấu. Họ là những thanh niên trẻ từ đồng bằng và cả dân tộc thiểu số, coi nhau như anh em một nhà, sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, chịu đựng gian khổ.

Những không gian của quán cà phê được bài trí giống với thời bao cấp

Những không gian của quán cà phê được bài trí giống với thời bao cấp

Nét xưa phố cũ

Lần nào ông Tòng “cối” cũng kể đi kể lại một câu chuyện, giọng lên trầm xuống bổng như thuyết minh phim mà khách ngồi quán bỗng thành khán giả bất đắc dĩ. Ngày ấy, đơn vị ông được cấp trên giao nhiệm vụ phục kích đánh đoàn tàu chở vũ khí trên sông Lô. Đơn vị được trang bị 2 khẩu cối thì ông phụ trách một khẩu. Từ nửa đêm, tất cả ngụy trang ngay bên bờ sông.

Trời càng về sáng càng lạnh, muỗi đốt chi chít, các chiến sĩ áp sát tai xuống mặt đất xem có tiếng máy nổ không, nhưng không gian vẫn tịch mịch, chỉ có tiếng côn trùng râm ran. Bỗng âm thanh ì ì từ xa vẳng lại, cùng lúc đèn pha quét 2 bên bờ sông sáng như ban ngày. Mọi người nằm bất động chờ đoàn tàu vào đúng điểm mai phục thì Tiểu đội trưởng Tòng mới phát lệnh chiến đấu.

Hàng loạt quả đạn đan nhau về phía địch, trên tàu bắn trả như mưa, lần lượt 2, rồi 3 chiến sĩ ngã xuống. Lúc này, Tiểu đội trưởng Tòng liền bê khẩu cối chạy ngược lên trên rồi nhằm chiếc tàu gần nhất nhả đạn. Nòng súng tóe sáng, chiếc tàu bốc cháy rực lửa cả một khúc sông, tiếp theo là những tiếng nổ liên tiếp xé tan màn đêm.

Thêm 2 quả đạn nữa bắn trúng thân tàu khiến những chiếc tàu chiến còn lại hoảng loạn quay đầu tháo chạy. Trận đánh đêm đó ông Tòng bị thương nhưng được anh em đơn vị sơ cứu đưa về tuyến sau. Những lúc ấy, khách như không phải nghỉ chân để uống bát chè xanh cho đỡ khát mà chủ yếu là để hóng chuyện, còn ông Tòng, nhẽ cũng không phải bán quán để kiếm tiền mà là kiếm người nghe chuyện.

Bây giờ thì ông Tòng và “những vị khách muôn năm cũ” đã thành người thiên cổ, nhưng những quán nước vỉa hè vẫn là một phần hồn cốt của Hà Nội, dù đã bớt đi nhiều rồi, vì các tiệm cà phê máy lạnh được design thời thượng nhan nhản ra đấy. Các chủ quán cũng không bán nước chè xanh mà thay bằng trà chanh, nhưng người ta vẫn mê ngồi chiếc ghế nhỏ xíu ấy mà chuyện vãn, dẫu thời thế có đổi thay biết bao nhiêu.