Ký ức những khu chợ nổi tiếng Hà thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chợ truyền thống là thứ không thể thiếu với cư dân Hà Nội, nó đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Thủ đô dù trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, cả chiến tranh và hòa bình, nhưng Kẻ Chợ vẫn tồn tại nét văn hóa giao thương.

Chợ Mơ

Chợ Mơ xưa tuy nằm trong thành phố nhưng lại giống chợ quê

Chợ Mơ xưa tuy nằm trong thành phố nhưng lại giống chợ quê

Hà Nội từ xa xưa hình thành nhiều chợ truyền thống từ nội thành đến ven đô. Những chợ được nhiều người biết tới phải kể đến chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Bưởi... Mỗi chợ có nét đặc thù riêng tồn tại đã vài trăm năm và người dân tìm đến để trao đổi, mua bán những mặt hàng mà chỉ nơi đây mới có.

Đơn cử như chợ Mơ nằm trên đường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng). Sau năm 1954, Hà Nội được giải phóng, chợ Mơ hoạt động sầm uất, nhộn nhịp từ sáng tinh mơ cho đến chiều muộn. Nằm ở phía Nam thành phố, cuối con đường Bạch Mai có ngã tư rẽ trái ra bờ sông Hồng, rẽ phải ra ngã tư Vọng, đi thẳng là ra ngoại thành, chợ Mơ họp 5 ngày 2 phiên (phiên chính, phiên phụ theo ngày ta). Phiên chợ chính thường tấp nập ngay từ tờ mờ sáng. Hàng hóa, nhu yếu phẩm, gia súc gia cầm, đồ mây tre đan từ đò dọc, đò ngang theo sông Hồng mang sang. Đặc sản làng nghề như bánh dày Quán Gánh, bún làng Kỳ, giò chả Ước Lễ, cà bát muối Khương Hạ… tấp nập gánh gồng chen nhau vào chợ. Những chuyến tàu điện từ Bờ hồ chạy qua phố Bạch Mai, trên tàu đông nghịt hành khách với những gánh rau củ, hoa trái tíu tít đổ về.

Vào phiên chợ chính có hẳn khu đất dành riêng làm nơi mua bán gia súc như lợn, chó, mèo, dê… Từ xa xưa, chợ Mơ có truyền thống là chợ gia súc. Những con lợn hàng tạ buộc vào thân tre 2 người khênh đi bộ vài cây số mang tới. Chó vàng, đen, nâu béo núc trong cũi tre chở bằng xe ba gác, mèo con được các bà gánh trên đôi thúng, đội trên đầu ùn ùn mỗi lúc một đông. Khoảng 8 - 9h là lúc chợ đông nhất, người ta họp chợ tràn cả ra đường Bạch Mai, Minh Khai. Tiếng ồn ào mua bán, tiếng gia súc gia cầm kêu hòa cùng tiếng rít bánh xe tàu điện tạo thành không khí “như chợ vỡ”. Ngày ấy, tính từ ngã tư Ô Cầu Dền về phố Bạch Mai thì chợ Mơ được coi là ngoại thành Hà Nội. Do đó, đường tàu điện trong nội thành từ phố Huế đặt chìm dưới mặt đường. Còn từ ngã tư Bạch Mai - Ô Cầu Dền xuống đến chợ Mơ thì đường tàu chạy nổi. Nhà cửa mặt phố ngày ấy cũng thưa thớt, đa phần nhà cấp 4, nhà tranh tre nứa lá. Do đó chợ Mơ tuy cũng nằm trong thành phố nhưng chẳng khác gì chợ quê.

Chợ Bưởi

Một góc chợ Bưởi năm 1920

Một góc chợ Bưởi năm 1920

Nằm ở phía Tây Hà Nội, chợ Bưởi mang nét đặc thù của chợ quê thuần chất. Chợ họp 1 tháng 6 phiên, trong đó có 2 phiên chính vào ngày mùng 4 và 9 Âm lịch là đông nhất. Còn lại các ngày 14, 19, 24, 29 hàng tháng họp từ tờ mờ sáng (khoảng 5h), đến khi mặt trời đứng bóng thì chợ cũng tan dần.

Chợ Bưởi chủ yếu là dân Kẻ Bưởi từ các vùng lân cận hợp thành. Vào ngày phiên chính, họ mang nông sản vốn là cây nhà lá vườn hoặc nhiều gia đình có nghề trồng cây cảnh, cắt tỉa, tạo dáng cho lạ rồi mang đến chợ bán. Chợ cũng có riêng một khu bán các loại chim cảnh như chim yến, chim cu, sáo, chào mào… với những chiếc lồng rất đẹp, tạo dáng cầu kỳ. Ở chợ Bưởi người ta cũng bán chó, mèo, gà, vịt… nhiều vô kể. Dân từ các làng Nghĩa Đô, Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài, Đông Xã, Hồ Khẩu… gồng gánh, mang vác các đồ thủ công mây tre đan, bàn, ghế, giường tủ, sản phẩm làng xã bày bán la liệt từ cổng, thậm chí tràn cả ra đường. Đi sâu vào trong chợ, những chồng giấy dó, giấy thủ công do chính dân Kẻ Bưởi làm ra chất cao ngất ngưởng. Những hàng quà như bánh đúc, bún riêu, bánh cuốn khách ngồi chật cứng, nhưng đông nhất vẫn là dãy hàng thịt chó.

Ngày ấy, rất nhiều người Hà Nội có thú đi chơi chợ Bưởi, không phiên chợ chính nào là họ chịu vắng mặt. Cũng chẳng phải để mua bán gì, chỉ đơn giản là đi để ngắm, để xem những giống chim quý, những cây cảnh lạ, có thế đẹp, rồi làm bát bánh đúc riêu ấm bụng, nghỉ chân uống nước ra về tạt vào mua vài xu thuốc lào Kiến An.

Chợ Đồng Xuân

Chợ Đồng Xuân thời Pháp

Chợ Đồng Xuân thời Pháp

Nằm giữa trung tâm Hà Nội, chợ được xây dựng 100 năm có lẻ. Đây là chợ lớn nhất, quy mô hiện đại suốt một thế kỉ qua. Chợ Đồng Xuân có diện tích gần 7.000m2, cao 3 tầng, mái vòm, là trung tâm mua bán hàng hóa của cư dân Hà Nội. Đây cũng là điểm cất hàng từ những tay buôn chuyến tìm về đóng kiện mang đi các tỉnh lẻ tiêu thụ.

Chợ Đồng Xuân là nơi tiêu thụ của ngon, vật lạ từ các địa phương đem về, từ miền ngược mang xuống như măng khô, nấm hương, mọc nhĩ cho đến hoa trái cây đặc sản từng vùng miền như nhãn lồng Hưng Yên, hồng Lạng Sơn, cam Bố Hạ, bưởi Đoan Hùng, chuối ngự Nam Định… mùa nào thức ấy đều đổ về Hà Nội. Trong các chợ nội thành thì chợ Đồng Xuân là chợ dành cho dân có tiền, người giàu có trong khu phố cổ hoặc phố Tây tìm đến. Từ thời Pháp, buổi sáng trước cổng chợ chật kín xe tay nhà, xích lô, có khi cả ô tô đỗ san sát đưa các bà, các cô ra chợ. Các mợ áo dài tân thời, guốc cao, đi cạnh là con sen xách chiếc làn mây để khi ra về đầy ắp của ngon vật lạ cho bữa ăn hàng ngày.

Người viết bài này từng sống ở Hà Nội trong quãng thời gian ấy, đến nay vẫn không thể quên thuở nhỏ theo cha đi chợ Đồng Xuân. Vào chợ, lần nào cũng choáng ngợp với đủ các mặt hàng. Dãy đồ khô từng thúng, từng sảo đầy ắp măng khô, miến, lạc, đỗ, vừng, nấm hương, mọc nhĩ… Những chiếc đùi bò, tảng thịt đỏ au treo lủng lẳng trên móc sắt. Nhưng thích nhất là khi đến khu bán hoa quả. Hương thơm đủ các mùi phả vào khứu giác làm cơn thèm thuồng dâng lên nhanh chóng. Nhất là khi nhìn vào những quả cam vàng ươm, những quả táo, lê từ Pháp, Úc, New Zealand có đóng dấu mực tím bọc trong giấy bóng mờ, từng chùm nho tươi tím đỏ treo trên dây. Những thứ trái cây ngon và lạ ấy đều được các nhà buôn nhập vào Việt Nam để phục vụ giới nhà giàu, quan chức Pháp và thuộc địa với giá rất đắt.

Khác hẳn với chợ Mơ hay chợ Bưởi, chợ Đồng Xuân được sắp xếp trật tự, khoa học hơn và có từng khu kinh doanh các mặt hàng riêng. Người bán hàng ăn mặc gọn gàng ra dáng tỉnh thành, đàn ông đầu búi tó, áo cánh trắng, phụ nữ tay đeo vòng ngọc, xà tích vàng, họ mời chào khách nhẹ nhàng, lịch sự. Gần một thế kỷ đã qua, chợ truyền thống Hà Nội vẫn là nơi giao thoa mua bán, là nét văn hóa không thể thiếu của dân Hà thành.