Kỳ tích Lý Thường Kiệt thoát quan hầu thành võ tướng lẫy lừng nhất nước Việt

ANTD.VN - Bây giờ đi qua những con phố lớn của Hà Nội, nếu nhìn thấy một ngôi đình làng thì lạ lắm thay! Nhưng mà vẫn có, mỗi lần qua phố Nguyễn Lương Bằng, lòng tôi lại không nén nổi tò mò về một ngôi đình cổ, rồi phải dừng bước vào thăm vị thần chủ của ngôi đền: Lý Thường Kiệt - một trong những võ tướng lẫy lừng nhất nước Việt.

Một tượng đài Lý Thường Kiệt - hình mẫu danh tướng lẫy lừng nhất nước Việt 

Nam Đồng: Mảnh đất thái ấp dưỡng già 

Các tài liệu lịch sử đáng tin cậy đều khẳng định Lý Thường Kiệt (1019-1105) sinh ra đất Thăng Long và Nam Đồng chính là mảnh đất Vua Lý ban cho vị võ tướng làm thái ấp dưỡng già. Theo sách “Tây Hồ chí” thì Lý Thường Kiệt đã mất ở đất Nam Đồng và có mộ chôn tại đây. Chỉ tiếc là theo thời gian và biến động lịch sử đã không tìm được dấu tích. Dân Nam Đồng tôn ông làm thành hoàng làng bảo trợ cho dân và đình làng Nam Đồng từ một vị trí ven đô xưa kia giờ đã nằm giữa phố phường đông đúc.

Từ thái giám vươn tới tột đỉnh vinh quang

Tiểu sử xuất thân của Lý Thường Kiệt là một câu chuyện đầy ly kỳ, hấp dẫn. Ít ai ngờ rằng vị tướng oai dũng như vậy lại xuất thân từ thái giám. Lý Thường Kiệt khi trẻ là một cậu bé mặt mũi tươi đẹp, nguyên tên họ là Ngô Tuấn và được đưa vào cung làm “Hoàng môn chi hậu” theo hầu Vua Lý Thái Tông.

Nếu ai để ý thì thấy rằng trong lịch sử chế độ phong kiến nước Việt, thái giám là một chức vụ rất tầm thường, chỉ chuyên để phục vụ hoàng đế và hậu cung, hầu như không được tham dự vào việc triều chính. Thế mà từ một thái giám, Ngô Tuấn đã vươn lên vị trí tột đỉnh vinh quang và được vua ban quốc tính thì không phải là chuyện thường tình. Chỉ riêng việc thoát khỏi chức quan hầu và gia nhập hàng võ tướng đã là một kỳ tích, nỗ lực phi thường của Ngô Tuấn.

Lễ hội đình làng Nam Đồng 

Những thái giám tạo nghiệp hiển vinh

Xem lại lịch sử của các thái giám nước Việt thì rất hiếm người có sự nghiệp hiển vinh. Ngoài Lý Thường Kiệt có thể coi là vị thái giám nổi danh nhất thì các đời sau có thể kể đến Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc - một võ tướng uy dũng của chúa Trịnh Doanh. Hoàng Ngũ Phúc từng mang quân đánh bại quyền thần Trương Phúc Loan, từng được cử làm trấn thủ Thuận Hóa và trở  thành một trong những võ tướng có ảnh hưởng bậc nhất của thời Vua Lê, Chúa Trịnh.

Từ một thái giám, Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt) đã vươn lên vị trí tột đỉnh vinh quang và được vua ban quốc tính thì không phải là chuyện thường tình. Chỉ riêng việc thoát khỏi chức quan hầu và gia nhập hàng võ tướng đã là một kỳ tích, nỗ lực phi thường của Ngô Tuấn.

Một võ tướng xuất thân thái giám khác là Tả quân Lê Văn Duyệt, người được người dân Nam bộ yêu quý vì ông có công lớn với vùng đất này. Lê Văn Duyệt từng hai lần làm Tổng trấn Gia Định và có nhiều công lao trong việc phát triển vùng đất Nam bộ cũng như có những quan điểm khá cởi mở với người phương Tây và tôn giáo. Mặc dù lịch sử có những nhận định khác nhau về ông nhưng với người dân Nam bộ, Lê Văn Duyệt là một trong rất ít những võ tướng triều Nguyễn được người dân dành cho sự kính trọng đặc biệt.

Ngoài ra có thể kể thêm một nhân vật xuất thân thái giám khác đó là Nguyễn An, người đã bị đưa sang Trung Hoa và ông là người góp công lớn trong việc thiết kế, tu tạo cố cung Bắc Kinh khiến cho tòa thành cổ này có một diện mạo mà người đời sau phải ngưỡng mộ.

Hiển hách những chiến công 

Quay lại cuộc đời của Lý Thường Kiệt, từ một vị trí quan hầu, dần dần ông đã giành được những vị trí quan trọng. Chiến công lớn đầu tiên của ông là năm 1061 ông được cử đi bình định vùng đất Thanh Nghệ và nhờ tài nghệ của mình, ông đã khiến cho một dải non sông được yên bình. Đến năm 1069, Lý Thường Kiệt lại theo Vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành, ông là tướng tiên phong và bắt được Vua Chiêm là Chế Củ. Sau sự kiện này, Chiêm Thành đã cắt 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính cho Đại Việt để đổi lấy tự do của Chế Củ.

Cũng chính Lý Thường Kiệt là người có vai trò lớn trong việc nâng cao vị thế và vai trò của Thái hậu Ỷ Lan. Theo nhà sử học Hoàng Xuân Hãn, nếu không có sự hậu thuẫn và ủng hộ của Lý Thường Kiệt thì Ỷ Lan khó lòng nhiếp chính và có thể đưa ra những quyết định quan trọng trong lúc Vua Lý Nhân Tông, con trai bà còn nhỏ tuổi.

Nói đến sự chủ động và tài nghệ cầm quân của Lý Thường Kiệt có lẽ đáng kể nhất là chủ trương “tiên phát chế nhân” của ông. Nước Việt từ rất lâu đời luôn bị quốc gia hùng mạnh láng giềng xâm chiếm và trong tình thế bị động chống đỡ với ngoại xâm. Khi nhà Tống, dưới mưu đồ của tể tướng Vương An Thạch đang chuẩn bị lực lượng tiến đánh Đại Việt, Lý Thường Kiệt đã dâng một kế sách táo bạo chưa từng có - đó là ngăn chặn hiểm họa xâm lăng từ xa, không cho chúng có cơ hội và sức mạnh để đánh chiếm nước Việt. Lý Thường Kiệt đã chủ trương đánh châu Khâm, Liêm, Ung của nhà Tống để ngăn chặn trước một cuộc tiến đánh nước Việt và chủ trương của ông đã giành thắng lợi rực rỡ.

Nhà văn Uông Triều

Năm 1076, nhà Tống sai Quách Quỳ mang 10 vạn quân tiến đánh Đại Việt và một lần nữa Lý Thường Kiệt trổ tài thao lược của mình. Dưới sự chỉ huy của ông, quân dân Đại Việt đã giáng cho quân Tống những đòn nặng nề. Đặc biệt là trận chiến ở phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu), quân Tống đã bị những thiệt hại nghiêm trọng. Và chính ở trận đánh nổi tiếng này đã xuất hiện bài thơ thần nổi tiếng “Nam Quốc Sơn Hà” mà Lý Thường Kiệt cho người tâm phúc vào ngôi đền Trương Hống, Trương Hát ở bờ sông đọc giữa đêm khuya để khích lệ tinh thần binh sĩ và làm khiếp nhược quân thù.

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. 

Và ở chính ở bài thơ này, vị trí của nước Việt lại được khẳng định sự độc lập và bình đẳng với các nước láng giềng. Bị thiệt hại quá nhiều ở phòng tuyến sông Như Nguyệt và biết không thể thắng được Đại Việt, quân Tống buộc phải rút về nước.

                      *    *    *

Đình Nam Đồng bây giờ nằm trên phố Nguyễn Lương Bằng, một trong những trục phố huyết mạch của tuyến đường từ phía Hà Đông đi vào trung tâm thành phố. Cạnh đình Nam Đồng có cổng làng Nam Đồng đã rêu mốc với thời gian như những minh chứng về một vùng đất xưa kia từng là ngoại ô giờ đã thành trung tâm thành phố. Làng xã thành phố xá. Lịch sử có những biến chuyển mạnh mẽ nhưng ký ức, hình ảnh của một ngôi đình cổ, cổng làng xưa cũ như một minh chứng rằng diện mạo có thể đổi thay nhưng lịch sử và tinh thần bất khuất của dân tộc thì mãi như một dấu son khắc sâu vào tâm khảm mỗi cư dân nước Việt.