- Sắp trưng bày bức tranh thêu lớn nhất Việt Nam
- Bức tranh thêu kỷ lục sắp ra mắt tại Hà Nội
- Hà Nội sinh động trong tranh thêu len
Trong giới chơi tranh thêu nghệ thuật, người ta nhắc tới anh khá nhiều, nhưng phải sau nhiều cuộc hẹn chúng tôi mới gặp được anh tại nơi anh chuyên tâm sáng tác trên đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội). Ngôi nhà anh ở cũng thật kỳ dị, mang dáng dấp thuần Việt khác lạ. Thêu thùa vốn là công việc mà người phụ nữ thường làm bởi sự khéo léo. Vậy mà anh lại lăn xả vào công việc này như thể là bổn phận phải làm. Anh là nghệ nhân Nguyễn Văn Công, quê gốc ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).
Tranh gà do nghệ nhân Nguyễn Văn Công thực hiện
Vẽ tranh bằng chỉ
Anh Công không ngần ngại giới thiệu mình chỉ là kẻ ngoại đạo đối với dòng tranh thêu truyền thống. Tuy vậy, những người sành nghề thêu thùa đều biết đến anh là tay thêu thượng thặng. Những tác phẩm mà anh sáng tác luôn có một phong cách riêng biệt, mềm mại đầy mê dụ. “Từ hồi còn bé, khi thấy các mẹ các chị tỉ mẩn thêu khăn, thêu áo tặng người đi lính hoặc đi làm ăn xa đã khiến tôi rất xúc động. Sau này, khi ra Hà Nội tôi lại thường học lỏm các sinh viên trường mỹ thuật cách vẽ tranh, tạo hình nên tình yêu hội họa cứ lớn dần. Phải tìm cho mình một lối đi riêng và chỉ có tranh thêu truyền thống mới giúp tôi thỏa được đam mê. Đó là vẽ tranh bằng những sợi chỉ”, anh Công cho hay.
Dù từng chứng kiến người dân quê mình thêu thùa may vá đã lâu, nhưng khi Công bắt tay vào nghề thì đúng là “vạn sự khởi đầu nan”. Từ cách cầm kim, cách chọn chỉ đến từng đường đi của sợi tơ đều khiến anh lúng túng. Phải sau rất nhiều năm cặm cụi, các đầu ngón tay chai sần vì kim đâm mới giúp anh thành nghề. Vậy mà khi đi đến các làng nghề thêu truyền thống nổi tiếng như Xuân Nẻo (Hải Dương), Song Lãng (Thái Bình), Quất Động (Hà Nội)… lại làm Công suýt bỏ nghề. “Không phải vì tôi thêu không đẹp bằng các nghệ nhân làng nghề, mà cơ bản thấy chẳng mấy ai tha thiết với nghề nữa. Điều ấy cứ làm tôi suy nghĩ mãi, nhưng cuối cùng tôi quyết tâm phải vực dậy thứ nghề truyền thống bằng vẻ đẹp sẵn có của bản sắc Việt”, anh Công tâm sự.
Hướng về nguồn cội
“Vài năm trở lại đây, người dân đua nhau đến với tranh thêu chữ thập của Trung Quốc. Hệ lụy là tranh thêu truyền thống bị mai một và dần mất đi bản sắc. Trong khi đó, tranh của Việt Nam dù rất được thế giới yêu thích nhưng chính chúng ta lại không am hiểu và không gìn giữ. Thế là tôi hướng tới việc đi sâu vào đề tài dân tộc để khơi gợi cho người khác thêm yêu nghề cha ông”, anh Công cho biết. Theo anh Công, khởi thủy nghề thêu Việt Nam có từ thời phong kiến. Những sợi chỉ lúc đó được nhuộm bằng công thức thủ công như củ nâu, cây chàm, vỏ bàng, nước điệp, lá vông, đá mài, hoa hòe… khiến người nước ngoài phải cảm phục thốt rằng: Nhìn những màu nước nhuộm thấy rất dơ dáy, không ngờ đến khi nhuộm xong đều đủ hết một bảng màu vô cùng lạ lùng tưởng như phù phép.
Gạn đục khơi trong, nghề thêu ở nước ta sau nhiều năm thăng trầm đã đạt được giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ rất cao. Trước khi truyền dạy cho học trò, anh Công đều giảng giải rất kỹ về lịch sử, kỹ thuật và đặc trưng của dòng tranh thêu thuần Việt. Nhờ đó, các học trò của anh đều thêm yêu đất nước, làng quê và thổi hồn vào mỗi đường kim sợi chỉ như gửi gắm tâm tình trong đó. Là người am hiểu hội họa, những mẫu tranh mới do anh Công sáng tác luôn gắn với phong cảnh Việt Nam. Đó là những làng quê thanh bình, những cây đa - bến nước - sân đình đến những đống rơm, con trâu, con gà, buồng chuối, quả mít… mỗi cảnh vật đều toát được vẻ đẹp thân thương, gần gũi.
Không chỉ có vậy, nguyên liệu làm nên một bức tranh thêu truyền thống cũng là quy tắc bắt buộc mà mỗi thợ thêu đều phải hiểu rõ. Đó là vải lụa, một loại vải truyền thống cùng với đó là loại chỉ tơ, chỉ bóng. Phương pháp “nối đầu” chỉ cũng rất quan trọng đối với những người thêu tranh chuyên nghiệp. “Nhiều người khi mới vào nghề, hoặc đã vào nghề lâu nhưng không được chỉ bảo cẩn thận cũng không biết đến điều này khiến cho tranh bị thô, lỗi. Đặc biệt kỹ thuật thêu tranh truyền thống là đi từ trái sang phải, trên xuống dưới, từ trong ra ngoài cũng phải đảm bảo. Thế nên, nếu coi thêu tranh truyền thống là đơn giản thì rất sai lầm”, anh Công khẳng định.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Công cho rằng: Người thêu tranh truyền thống phải học tính kiên trì
Độc đáo tranh hai mặt
Đến nay, anh Công cũng không nhớ nổi mình đã làm ra bao nhiêu bức tranh, nhưng nhìn mười đầu ngón tay chai sần của anh đủ biết những vất vả của nghề. Không biết bao nhiêu lần bị kim đâm vào tay, không biết bao nhiêu giọt máu và mồ hôi đã chảy xuống, thấm vào từng sợi chỉ. Chỉ biết rằng, những bức tranh thêu kia luôn tôn vinh cảnh sắc quê hương, đất nước và con người Việt Nam ra với thế giới. Anh Công bảo rằng, khách nước ngoài rất thích thú xem các nghệ nhân thêu thùa và đều muốn sở hữu một vài bức tranh thêu truyền thống.
Cùng với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh thêu Việt như nói lên được tâm tình của cuộc sống, hồn cốt của phương Đông và giá trị nhân văn của người Việt.Trong hàng nghìn bức tranh thêu do nghệ nhân Nguyễn Văn Công và các học trò sáng tạo ra, nhiều bức được khách quốc tế mua về treo trang trọng tại các khách sạn lớn hoặc đem trưng bày tại các bảo tàng, triển lãm mỹ thuật để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.
Đặc biệt, trong các loại tranh thêu truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Văn Công luôn chú ý phát triển loại hình tranh hai mặt. “Đó là loại tranh không phải để treo mà để trưng bày, bởi cả hai mặt đều thể hiện những đường nét tỉ mỉ, mềm mại. Khoảng trắng của bức tranh là tấm lụa mỏng xuyên thấu và chúng ta có thể nhìn xuyên qua. Đó là tinh hoa và bước phát triển của tranh thêu Việt Nam, khó nước nào sánh được”, anh Công cho biết. Để làm ra loại tranh này, chỉ những thợ cao tay mới có thể thực hiện. Bởi vì, chỉ một đường đi của mũi kim sai lệch, hoặc một mối nối không đạt chuẩn coi như phá hỏng cả một tác phẩm.