Ký giao ước thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều ngày 10/8 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Hà Nội đã tổ chức lễ ký giao ước thi đua " "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam". 

Dự buổi lễ có đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; đồng chí Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí Thủ đô.

Phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam" nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước và Thủ đô, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí. Đồng thời, nêu cao tinh thần xây dựng cơ quan văn hóa, môi trường văn hóa của các cơ quan báo chí và người làm báo Việt Nam; tạo giá trị văn hóa của những người làm báo Thủ đô trong chiều sâu văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hưởng đến năm 2030, tầm nhiền đến năm 2045.

Đồng chí Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội phát biểu tại buổi lễ

Đồng chí Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội nhấn mạnh, để hưởng ứng phong trào "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam" đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua tới các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo Thủ đô, cán bộ công nhân viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí tích cực hưởng ứng, thực hiện và lan tỏa phong trào ra xã hội. Hội Nhà báo thành phố cam kết duy trì thường xuyên, liên tục tạo thành nề nếp, để từ đó tạo nên nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội ở Thủ đô và đất nước.

Cũng tại buổi lễ, đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, lâu nay, khái niệm văn hóa đang được hiểu là học vấn, là truyền thống gia đình... Chúng ta cần mở rộng việc hiểu và thực hành khái niệm văn hóa trong cơ quan bằng việc xây dựng tập thể đoàn kết, đồng chí, đồng nghiệp thương yêu, đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh nơi công sở.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí Thủ đô ký giao ước thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam"

Lãnh đạo các cơ quan báo chí Thủ đô ký giao ước thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam"

Nội dung bản ký giao ước thi đua gồm 2 nội dung. Trong đó, cơ quan báo chí cần nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí; nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Nội dung thứ 2 của bản ký giao ước thi đua là văn hóa của người làm báo. Trong đó, người cầm bút cần có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Người làm báo cần tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm bảo; Tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức...

Tại buổi lễ, lãnh đạo các cơ quan báo chí của Hà Nội đã ký vào bản giao ước thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam".