
Hậu quả của việc tự ý dùng thuốc
Tại đây, trong vai người mua thuốc, tôi hỏi chủ cửa hàng – một người phụ nữ trẻ tuổi khoác trên mình chiếc áo của dược sĩ: “Bé nhà em gần 2 tuổi, bị ho và sốt từ hai hôm nay. Uống thuốc gì bây giờ hả chị?”. Không cần hỏi xem con tôi đã đi khám chưa, cũng không cần hỏi đơn thuốc, chị dược sĩ trẻ tuổi liền đưa tôi vài gói thuốc hạ sốt Efferalgan và một chai siro Atussin cùng một chai nước muối sinh lý và dặn: “Em cho con uống thuốc trong 3 ngày, nếu không đỡ thì ra đổi thuốc khác nhé!”. “Nếu vẫn ho thì phải dùng kháng sinh đấy!”, chị tiếp lời. Tôi ngần ngại hỏi: “Con em từ bé tới giờ chưa bao giờ dùng kháng sinh, em sợ nhờn thuốc nên không uống kháng sinh được không?”. Chị dược sĩ nói: “Tùy em thôi, nếu không khỏi thì phải dùng kháng sinh, để ho lâu không tốt. Ai chẳng đã từng uống kháng sinh mà phải lo!”.
Khi tôi trả tiền thuốc, cũng là lúc một người phụ nữ trung niên đến mua thuốc. Cũng với “phong cách” tự ý làm bác sỹ, chị ta nói với người bán hàng: “Em ơi, từ sáng tới giờ chị khó chịu, mệt mỏi, như bị cảm cúm ấy. Em cho chị thuốc cảm cúm đi”. Cũng không cần hỏi tình hình bệnh nhân, người bán hàng đưa ra một vỉ Decolgen cùng 4 viên thuốc sủi có giấy bọc màu xanh da trời và nói đây là thuốc tăng cường miễn dịch.
Tại một hiệu thuốc khác, tôi lại tiếp tục đóng vai người mua thuốc. Lần này, tôi hỏi mua thuốc trị đi ngoài phân lỏng cho cháu 3 tháng tuổi. Cũng như lần mua hàng trước, chị bán thuốc không cần hỏi về tình trạng bệnh của "cháu" tôi và nhanh nhảu đưa ra một hộp men tiêu hóa, vài gói Smecta cùng một chai Biseptol và nói: “Nếu uống men tiêu hóa trong 1 ngày không đỡ thì uống Smecta kết hợp Biseptol”. Mà theo tôi tìm hiểu thì Biseptol cũng là kháng sinh dạng xiro và trên các diễn đàn chăm sóc trẻ nhỏ, nhiều bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm, không nên cho trẻ sơ sinh dùng Biseptol!
Trong vòng vài giờ đồng hồ quan sát tại các hiệu thuốc, tôi nhận thấy, không chỉ tự bắt bệnh kê thuốc với những bệnh thông dụng như cảm, sốt, viêm họng, nhiều người dân còn tìm đến hiệu thuốc để mua thuốc dị ứng, tim, thận, thuốc tiêm cho người mắc bệnh tiểu đường (những loại thuốc cần có đơn của bác sỹ)... không cần đơn thuốc của bác sỹ mà vẫn ra về với một túi thuốc trên tay.
Hậu quả nặng nề!

Một người mua thuốc cho biết lý do chị ta tự bắt bệnh, mua thuốc “Bệnh viện đông nên rất ngại xếp hàng để khám. Vì thế, cứ sau mỗi lần bị bệnh đi khám, được bác sỹ cho đơn tôi đều giữ lại, chẳng may lần sau lại mắc triệu chứng tương tự thì chỉ cần ra hiệu thuốc mua theo đơn thuốc cũ. Hoặc nếu bệnh thông thường như cúm, sốt, viêm họng thì chỉ cần mô tả triệu chứng bệnh cho người bán là được tư vấn loại phù hợp ngay, đỡ mất công vào viện. Không đúng thuốc thì mình đổi còn nếu hết bệnh thì lần sau mình lại mua y như thế!”.
Không chỉ tự ý mua thuốc Tây để chữa bệnh, tình trạng tự chữa bệnh còn được thể hiện ở việc dùng những quan niệm dân gian, những loại lá cây để chữa bệnh cho trẻ nhỏ như, nếu trẻ bị dị ứng thì lấy giẻ lau hơ trên lửa cho âm ấm rồi lau khắp người trẻ, nếu trẻ bị chàm thì nhai trầu rồi liếm lên vết chàm, nếu bị tiêu chảy thì tìm loại lá đắng giã nát, pha với chút nước sôi để nguội rồi uống... Chưa rõ tính thực hư của những kinh nghiệm này ra sao nhưng nếu không cẩn thận người bệnh sẽ gặp hậu quả nặng vì mỗi người đều có cơ địa khác nhau, tình trạng bệnh cũng không giống nhau nếu không qua thăm khám của bác sỹ thì sẽ khó đoán chính xác được đó là bệnh gì!.
Không chỉ là các bệnh về đường thuốc uống, theo các bác sỹ Bệnh viện mắt Trung ương, BV đã từng tiếp nhận nhiều ca đau mắt nặng vì tự ý nhỏ thuốc mắt. Theo các bác sỹ tại đây, triệu chứng khi bị bệnh về mắt rất khó nhận biết, nên dù bắt gặp những triệu chứng đơn giản hay phức tạp ở mắt chúng ta không nên chủ quan mà nên đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và có hướng điều trị dứt điểm, không nên tự ý mua thuốc và tra, nhỏ mắt kéo dài gây biến chứng có thể dẫn tới mù loà.
Cũng như vậy, theo các bác sỹ khoa Tiêu hóa BV Nhi Trung ương, tiêu chảy do rất nhiều nguyên nhân nên phải đưa trẻ đi khám để biết rõ bệnh để điều trị. Việc tự ý cho trẻ uống nước lá cây có thể làm trẻ thêm tiêu chảy. Ngoài ra, khoa Tiêu hóa của BV cũng từng tiếp nhận nhiều trẻ bị tiêu chảy do dị ứng với thuốc tự kê....