Kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội vượt nghịch cảnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Diễn biến phức tạp và khó lường của kinh tế khu vực và thế giới có thể sẽ tiếp tục tác động trong ngắn hạn tới nền kinh tế Việt Nam, song vẫn có những yếu tố thuận lợi mới xuất hiện giúp chúng ta vượt qua nghịch cảnh bên ngoài, nắm bắt cơ hội để vượt qua khó khăn.
Du khách Trung Quốc trở lại Việt Nam sau 3 năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy mạnh sự phục hồi của du lịch nước ta

Du khách Trung Quốc trở lại Việt Nam sau 3 năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy mạnh sự phục hồi của du lịch nước ta

“Gió ngược” thổi qua các nền kinh tế

Trong báo cáo “Dữ liệu tháng 2 của Việt Nam - Phần nào gỡ thế bí” công bố ngày 9-3, Ngân hàng HSBC Việt Nam đã đưa ra những nhận định tích cực hơn về triển vọng kinh tế nước ta so với những lo ngại trước đó. Do những lo ngại của suy giảm kéo dài của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, khu vực châu Âu cũng như Trung Quốc, HSBC cũng như nhiều định chế, tổ chức tài chính lớn đã giảm dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Ngân hàng HSBC từng cảnh báo, kinh tế Việt Nam ở thế “đứng mũi chịu sào” trước tình hình kinh tế suy giảm tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, và cũng là điểm đến lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 30% tổng xuất khẩu. Dự báo của tổ chức tài chính lớn như HSBC không phải không có cơ sở khi xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước, suy giảm diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chủ đạo. Những tác động tiêu cực từ sự suy giảm của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… tới Việt Nam cũng là luồng “gió ngược” thổi qua hầu hết nền kinh tế trên thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) trong dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đưa ra hồi tháng 1-2023 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống còn 1,75%, thay vì 3% đưa ra trước đó. Định chế tài chính hàng đầu thế giới này cho rằng, mức tăng trưởng chậm lại xảy ra ở hầu hết các nền kinh tế phát triển, trong đó kinh tế Mỹ dự báo chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023, còn nền kinh tế Trung Quốc là 4,3%. Việt Nam được WB dự báo có mức tăng trưởng cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mức dự báo 6,3% trong năm 2023, nhưng cũng thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng năm 2022.

Theo WB, tình trạng lãi suất tăng cao, khủng hoảng năng lượng, lương thực và xung đột vũ trang khiến nhiều nền kinh tế đứng trước bờ vực suy thoái. Các nước đang phát triển và thị trường mới nổi sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi phải đối phó với gánh nặng nợ công, đồng nội tệ suy yếu. Thêm vào đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát tăng cao sẽ buộc ngân hàng trung ương các nước tiếp tục thắt chặt lãi suất. Điều này có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đưa ra dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sau đó điều chỉnh theo hướng tăng nhẹ dự báo do nhu cầu “phục hồi đáng ngạc nhiên” của kinh tế Mỹ và châu Âu, chi phí năng lượng giảm, kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của IMF, dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn sẽ giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống 2,9% năm 2023, nhưng cao hơn so với mức dự báo 2,7% đưa ra không lâu trước đó.

Cùng chia sẻ nhận định của Ngân hàng HSBC và các tổ chức chức tài chính hàng đầu thế giới, Ngân hàng Standard Chartered (SCB) tại tọa đàm “Cập nhật triển vọng kinh tế, tài chính thế giới năm 2023 và tác động đối với Việt Nam” cũng cho rằng, bên cạnh những làn “gió ngược” đã bắt đầu xuất hiện những làn “gió xuôi” với kinh tế toàn cầu từ các dấu hiệu lạc quan từ các nền kinh tế chủ chốt, nhất là điều chỉnh chính sách “không Covid” của Trung Quốc và mở cửa trở lại nền kinh tế. Cùng với đó, thị trường lao động Mỹ dần phục hồi, nguy cơ suy thoái giảm nhiệt; lạm phát đã đạt đỉnh tại một số nền kinh tế lớn, có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới; một số nền kinh tế chủ chốt có khả năng dần phục hồi từ cuối năm 2023; xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, gia tăng các nguồn lực để đầu tư cho chuyển đổi năng lượng...

Cần nắm bắt và tận dụng “gió xuôi chiều”

Những luồng “gió xuôi” đã mở ra những cơ hội cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế nước ta. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực được dự báo sẽ có thêm cơ hội từ việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế sau 3 năm hạn chế do đại dịch Covid-19. Việc Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II-2023 được cho tác động tích cực tới doanh nghiệp và cổ phiếu trong nhiều ngành nghề của Việt Nam.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng, Trung Quốc tái mở nền kinh tế và những tín hiệu nhẹ tay hơn trong chính sách tiền tệ ở một số nước châu Á là các điểm sáng có thể thúc đẩy sự hồi phục của nhiều nền kinh tế trong khu vực. Việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ mở cửa hoàn toàn vào quý II/2023 là một thông tin tích cực với thế giới, nhất là khu vực, bởi thương mại hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc với các nước khác lên tới gần 7.000 tỷ USD trong năm 2021. Hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc nhiều sẽ hưởng lợi từ sự mở cửa trở lại này. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nước có lượng khách du lịch lớn hàng đầu tới Việt Nam nên việc mở cửa trở lại của nước này có tác động tích cực tới kinh tế nước ta. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 119 tỷ USD. Hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang và nhập khẩu từ Trung Quốc về là hàng hóa dùng cho sản xuất hoặc hàng hóa trung gian khác liên quan đến sản xuất hàng điện tử và hàng may mặc. Những hàng hóa này chiếm đến 2/3 tổng kim ngạch thương mại giữa 2 nước. Do vậy, trước thông tin nối lại hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới, gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm Covid-19 đối với hàng hóa từ ngày 8-1 vừa qua của Tổng cục Hải quan Trung Quốc được các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam kỳ vọng.

Thông tin tích cực mới nhất, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II, bắt đầu từ ngày 15-3 tới. Đồng thời, Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48h, du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.

Trung Quốc từ nhiều năm nay luôn luôn là thị trường khách lớn bậc nhất của Việt Nam và nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Đáng chú ý, khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, đạt 1.850 USD/chuyến đi, nằm trong nhóm đầu các nước nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Australia (3.370 USD/chuyến) và Singapore (2.440 USD/chuyến). Du khách Trung Quốc là thị trường quan trọng với nghành “công nghiệp không khói” của Việt Nam. Trong giai đoạn 2015 - 2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần, tăng bình quân 34,4%/ năm. Năm 2019, Trung Quốc là dòng khách du lịch lớn nhất khi chiếm 5,8 triệu lượt trong tổng số 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong nguy luôn có cơ, nắm bắt và tận dụng tốt làn gió xuôi chiều, nền kinh tế Việt Nam sẽ có được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2023 so với nhiều dự báo.