Kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2022, kinh tế Việt Nam vững tin bước vào năm 2023 với nhiều dự báo lạc quan. Để có thể duy trì tăng trưởng tích cực, Việt Nam phải nhận diện rõ những thách thức và tháo gỡ những điểm nghẽn còn tồn tại.

Những trụ cột cho tăng trưởng trong năm 2022

Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã cán đích ngoạn mục với kết quả tăng trưởng lên tới 8,02%, mức cao nhất kể từ 2007 đến nay, trong khi lạm phát chỉ ở mức 3,15%. Đây là điều khá đặc biệt khi áp lực lạm phát của năm 2022 không nhỏ. Với GDP vượt mức 400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt con số 4.000 USD. Trong thành công của kinh tế năm 2022, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa có thể coi là 2 trụ cột. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Riêng xuất khẩu đạt con số 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao; xuất siêu hơn 11 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Thành tích đó đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2023

Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2023

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 53 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, xuất siêu tới 8,5 tỷ USD. Số nhóm hàng nông, lâm, thủy sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD đã lên tới con số 11, tăng 2 nhóm hàng so với năm 2021. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu, thủy sản chính thức gia nhập “câu lạc bộ” xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Hầu hết xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... đều tăng trưởng hai con số trở lên.

Những thành tích trên cho thấy, ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng về tái cơ cấu cũng như triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Trong khi đó, hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ. Khu vực dịch vụ tăng tới 9,99%, chiếm 41,33% trong cơ cấu GDP, chứng tỏ khu vực dịch vụ đã phục hồi dù chưa lấy lại đà như các năm trước đại dịch. Doanh số bán lẻ đều ghi nhận tăng trưởng trong hầu hết các tháng năm 2022 và lần đầu tiên tăng trở lại trên mức trước đại dịch vào cuối năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5,67 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và là mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây.

Với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ ngày 15-3-2022, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực và điều đó đã giúp đưa đến những kết quả đáng khích lệ. Theo con số thống kê, khách du lịch quốc tế năm 2022 ước đạt 3,66 triệu lượt (đạt trên 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm).

Lượng khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là 60 triệu lượt khách và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019. Sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường du lịch nội địa là một điểm sáng, cứu giúp cho toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn ở phạm vi toàn cầu.

Thành tích của năm 2022 là sự hội tụ nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, sự đoàn kết và ủng hộ của người dân. Đặc biệt là việc chuyển hướng kịp thời từ chiến lược “Zero Covid” sang mở cửa, phục hồi kinh tế hiệu quả. Đó là cơ sở để Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng dự kiến là 6,5% trong năm 2023. Nhiều tổ chức quốc tế cũng lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây dự báo kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định tại khu vực, tăng trưởng cao, có nền kinh tế mở, năng động và sức chống chịu qua đại dịch Covid-19. Theo IMF, quy mô GDP của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 35 trên toàn thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ các điểm nghẽn tăng trưởng

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước không ít khó khăn, khi thách thức từ các yếu tố bên ngoài sẽ ngày càng gia tăng, trong khi những hạn chế, bất cập, vấn đề tích tụ, tồn đọng trong nội tại nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. Trái với dự kiến phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu năm 2023 đối mặt với hàng loạt những thách thức lớn, bao gồm sức ép lạm phát và kinh tế tăng trưởng chậm lại do tác động của các biến động kinh tế, địa - chính trị thế giới, như: xung đột giữa Nga và Ukraine, tốc độ tăng trưởng chậm lại của Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), xu hướng thắt chặt tiền tệ ứng phó với lạm phát tăng cao.

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, tình hình kinh tế ảm đạm trên thế giới với triển vọng tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu đi xuống, tổng vốn FDI sụt giảm đương nhiên sẽ gây ra những tác động tiêu cực. Do ngành sản xuất chế tạo đóng góp khoảng 1/4 GDP và xuất khẩu của Việt Nam chiếm hơn 90%/GDP, nên kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động lớn từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu về các sản phẩm “Made in Vietnam” đang chậm lại nhanh chóng. Theo tính toán, các nhà bán lẻ ở Mỹ và EU sẽ phải mất ít nhất 6 tháng để xử lý hết hàng tồn kho dư thừa. Vì thế, các đơn đặt hàng xuất khẩu sẽ chỉ phục hồi vào nửa cuối năm 2023.

Thêm vào đó, cũng cần thấy rằng tốc độ tăng trưởng 8,02% của năm 2022 tuy khá cao nhưng là dựa trên nền thấp của các chỉ số vĩ mô của năm 2021 vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid với việc Hà Nội, TP.HCM cùng nhiều tỉnh lân cận bị phong tỏa vào quý III và IV năm 2021. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam chưa phục hồi lại mức tăng trưởng của năm 2018-2019. Việt Nam đang đứng trước giai đoạn bản lề (2023-2025) cho chiến lược phát triển thoát “bẫy thu nhập trung bình”. Trong bối cảnh đó, để duy trì được tăng trưởng, Việt Nam cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao năng lực thể chế, tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường, củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư…

Thêm vào đó, cần có nhiều đột phá đồng bộ để tháo gỡ điểm nghẽn về ổn định cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu (nổi bật là xăng, dầu) cho sản xuất, đời sống; tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường tín dụng, lao động, cũng như trong tái cơ cấu kinh tế và định hướng lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thúc đẩy liên kết giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước; tiếp tục đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đi đôi với đó là thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...

Trước những khó khăn về xuất khẩu, đặc biệt là với ngành dệt may và da giày, cần tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do đã ký kết như CPTPP, EVFTA, RCEP, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm rủi ro suy giảm tăng trưởng xuất khẩu của các thị trường chính như Mỹ, EU. Các cơ quan quản lý chuyên ngành cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thị trường thế giới, khu vực và trong nước để chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất.