Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản để phát triển kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dù được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản như: hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp…
Kinh tế số Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển

Kinh tế số Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển

Ngày 10-2, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo: “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”.

Theo báo cáo e-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek, và Bain Company quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD năm 2050, trong đó,thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất.

Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Nếu được tối ưu hóa, lượng khí phát thải từ hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể (từ 30 – 40%) so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu, hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% chi cục hải quan và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không…

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số như: hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, để có thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số với các nước trên thế giới, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ thể chế - pháp lý và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Việt Nam hiện cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020), thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, các văn bản về thương mại điện tử (Luật giao dịch điện tử, Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021...), cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các hiệp định thương mại tự do.