Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp triển vọng khá u ám với nền kinh tế thế giới và ở nhiều nền kinh tế khác, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2023.

Một trong những nền kinh tế tầm trung phát triển nhanh nhất toàn cầu

Cuối năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2% trong năm 2023, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt 6,7%. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế lạc quan của Việt Nam đang đi theo một hướng khác so với xu hướng chậm lại của các nền kinh tế khác ở châu Á. Ngoài ra, tỉ lệ lạm phát của Việt Nam cũng vẫn nằm trong tầm kiểm soát do áp lực lạm phát trong nước hầu như chỉ diễn ra với giá nhiên liệu và các dịch vụ liên quan trực tiếp như vận tải.

Du lịch phục hồi đóng góp tích cực vào triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023

Du lịch phục hồi đóng góp tích cực vào triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023

Đây là tín hiệu tích cực với Việt Nam trong bối cảnh báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được WB công bố ngày 10-1-2023 cho thấy tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể do lạm phát tăng cao, lãi suất tăng, đầu tư giảm và gián đoạn do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 1,7% vào năm 2023 và 2,7% vào năm 2024. Riêng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tăng trưởng sẽ ở mức 4,3%, thấp hơn con số 5% theo dự báo hồi tháng 6 năm ngoái.

Còn theo Ngân hàng HSBC, tăng trưởng của Việt Nam 2023 được dự báo ở mức 5,8%. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Chứng khoán SmartInvest (AAS) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng lạc quan, hợp lý và tiêu cực lần lượt là 7,3%; 6,9% và 6,2%. HSBC khẳng định, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, phần nào bù đắp cho những khó khăn trong thương mại hiện tại. ASS thì cho rằng lạm phát năm nay dao động ở mức 3,8-4% nhưng tỷ giá và lãi suất thì cần theo dõi.

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Andrew Huntley - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn đầu tư BDA Partners cho rằng dù không cao bằng mức tăng trưởng năm 2022 nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tầm trung phát triển nhanh nhất toàn cầu với mức tăng trưởng kinh tế 6% vào năm 2023, tương đương mức tăng trưởng mạnh mà Việt Nam ghi nhận trong giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019.

Theo ông Andrew Huntley, du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng như du lịch trong nước đã có những dấu hiệu phục hồi trong năm 2022 và triển vọng này sẽ khả quan hơn nhiều trong năm nay, là điểm tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2023. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ đóng vai trò đáng kể đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023, khi vị thế của Việt Nam được nâng cao trong danh sách lựa chọn của các nhà đầu tư quốc tế. Thêm vào đó, Việt Nam là một quốc gia ổn định về xã hội, với nhiều nội lực, tập trung cao vào công nghệ và giáo dục.

Giáo sư David Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới, thuộc trường Quản lý Nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard của Mỹ nhận định, động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam có thể sẽ không còn là xuất khẩu hoặc chi tiêu tiêu dùng vốn đã tăng mạnh trong năm 2022. Thay vào đó là sự phục hồi của ngành du lịch khi Trung Quốc mở lại biên giới sau 3 năm đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, cùng với chính sách của Chính phủ Việt Nam tăng mạnh đầu tư, thúc đẩy kinh tế hướng tới mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP 6,5%.

Tạo động lực bên trong để phát triển mạnh và bền vững

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế thế giới cũng chỉ ra những thách thức với Việt Nam trong năm nay, trong đó lực cản lớn nhất là những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Những dự báo về khó khăn trong năm 2023 thực tế đã manh nha từ quý IV-2022. Chính vì vậy, Quốc hội cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khiêm tốn 6,5%, giảm gần 1,5% so với 2022.

Với một nền kinh tế mở như Việt Nam, nhận diện khó khăn hay lợi thế đều phải đặt trên bối cảnh toàn cầu. Về khách quan, các nền kinh tế lớn trên thế giới chưa đến nỗi suy thoái nhưng tốc độ tăng trưởng cũng chậm lại ở mức thấp hơn năm 2022. Trong khi đó, tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine về năng lượng, lương thực chưa lường hết; cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn thì vẫn còn là ẩn số.

Bên cạnh đó, 7 nền kinh tế gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và Hồng Kông (Trung Quốc) vốn chiếm tới 58% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn. Vì vậy, một số ngành dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Tiếp đến, trong 10 nền kinh tế chiếm hơn 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam thì có tới 6 nền kinh tế gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế năm 2023.

Trong nước, khi mở cửa kinh tế vào năm 2022, Việt Nam đã phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, từ quý IV-2022, một số ngành xuất khẩu suy giảm. Việc giải quyết những vi phạm trong thị trường tài chính, bất động sản đã tác động mạnh tới thị trường. Cùng với đó, giải ngân đầu tư công - công cụ để phục hồi kinh tế lại chậm. Vấn đề liên quan tới trái phiếu hiện nay cũng chưa được giải quyết xong, đặc biệt là lãi suất quá cao. Mặc dù đến nay, Ngân hàng Nhà nước khống chế mức lãi suất huy động ở mức 9,5% nhưng điều đó không có nghĩa là một số ngân hàng thương mại không vi phạm, cho vay với lãi suất cao hơn, do nhu cầu thanh khoản.

Để hạn chế những tác động tiêu cực, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam phải tận dụng các cơ hội đang mở ra. Trước hết, Việt Nam có thị trường nội địa cực kỳ tiềm năng với khoảng 100 triệu dân. Tất cả lĩnh vực hoàn toàn có thể dựa vào thị trường nội địa, kể cả sức mua, đầu tư, hàng không, du lịch… Vì thế, Việt Nam cần có chính sách tạo động lực bên trong, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 cũng như tạo nền tảng phát triển mạnh, bền vững.

Việt Nam cũng cần ổn định thị trường tài chính. Chẳng hạn, việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp là đúng nhưng cũng phải tạo điều kiện cho những doanh nghiệp minh bạch, đáp ứng đủ điều kiện phát hành trái phiếu, vì đây là một kênh huy động vốn quan trọng. Nó chia sẻ bớt gánh nặng vốn trung hạn cho hệ thống ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, cũng cần giảm mức lãi suất và đưa nguồn vốn đến đúng chỗ. Ví dụ như với thị trường bất động sản, dòng vốn nới hạn mức tín dụng phải dành cho những người có nhu cầu mua nhà ở, không bơm vào thị trường đầu cơ; dẫn vốn tới những dự án đang dang dở có khả năng hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu tăng cung thực tế cho thị trường, còn đối với những dự án chỉ tạo nên bán thành phẩm thì chưa cần thiết.