Kinh tế Trung Quốc suy giảm, triển vọng trỗi dậy có đảo chiều?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giấc mơ cũng như những dự báo cách đây không lâu về việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm bắt kịp và vượt Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - giờ đang trở nên bấp bênh khi cường quốc kinh tế số hai toàn cầu đang chững lại do mất đi các động lực tăng trưởng trong khi gặp phải hàng loạt thách thức lớn thời gian qua.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm dần

Tờ nhật báo chuyên về kinh tế nổi tiếng thế giới Financial Times (Thời báo Tài chính) vừa đăng tải một bài viết gây sự chú ý lớn, trong đó dẫn lời ông Ruchir Sharma, Chủ tịch Rockefeller International, nhận định rằng, quá trình tăng trưởng vượt bậc kéo dài hàng thập kỷ của nền kinh tế Trung Quốc cuối cùng đã đi đến hồi kết. Theo ông Ruchir Sharma, giờ đây nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong tổng GDP toàn cầu.

Kinh tế Trung Quốc suy giảm, nhiều bất động sản bỏ không

Kinh tế Trung Quốc suy giảm, nhiều bất động sản bỏ không

Nếu tính theo đồng đô la danh nghĩa - điều mà ông Ruchir Sharma cho là thước đo chính xác nhất về sức mạnh tương đối của một nền kinh tế, tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu bắt đầu giảm từ năm 2022 do các biện pháp phong tỏa chặt chặt chẽ khi thực hiện chính sách “zero Covid” (Không Covid) nghiêm ngặt từng được áp dụng trong phần lớn thời gian của năm 2022. Cho dù kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục giảm hơn nữa vào năm 2023, chỉ ở mức 17%.

Chủ tịch Rockefeller International nhìn nhận, điều đó khiến Trung Quốc phải đối mặt với mức giảm 1,4 điểm phần trăm trong vòng 2 năm qua, một mức sụt giảm chưa từng thấy kể từ những năm 1960 - 1970 khi nền kinh tế nước này còn gặp nhiều khó khăn. Khi đó, chiến dịch “Đại nhảy vọt” (1958-1963) đã để lại những tác động tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc khiến cho nền kinh tế nước này chỉ có thể khởi sắc và bùng nổ từ khi thực hiện cải cách mở cửa vào cuối thập niên 1970.

Sau thập kỷ đầu tiên cải cách mở cửa, do xuất phát điểm thấp nên đến năm 1990, tỷ trọng GDP của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa đến 2%. Tuy nhiên, việc duy trì liên tục con số tăng trưởng trên dưới 2 con số trong thời gian dài mấy chục năm, tỷ trọng này đã tăng gấp gần 10 lần, lên tới 18,4% vào năm 2021 và đó là mức tăng nhanh chưa từng thấy trước đây với bất kỳ quốc gia nào trên toàn cầu, đưa quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới sau Mỹ.

Giới kinh tế thế giới đã chỉ ra những nguyên nhân khiến đà trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc có nguy cơ bị đảo ngược. Sự phát triển tới mức bùng nổ của kinh tế nước này trước hết là do dòng vốn đầu tư lớn bất thường vào cơ sở hạ tầng và các tài sản cố định khác. Trung bình trong các năm từ 2008 đến 2021, dòng vốn đầu tư này chiếm khoảng 44% GDP, trong khi cùng kỳ, tỷ lệ này trên thế giới là 25% và ở Mỹ chỉ khoảng 20%.

Trung Quốc thời gian qua đã xây dựng hàng chục nghìn km đường cao tốc, hàng trăm sân bay và mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới cùng rất nhiều đô thị lớn. Tuy nhiên, qua thời gian, những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng nóng trong thời gian dài đã dẫn tới dư thừa nguồn cung. Tính tới năm 2018, đã có khoảng 1/5 số căn hộ ở thành thị Trung Quốc (tương đương ít nhất 130 triệu căn) bị bỏ trống. Tương tự, nhiều hạ tầng quy mô khác hoặc vắng khách hoặc không đưa vào sử dụng sau khi hoàn thành do nhu cầu quá thấp.

Hiệu quả vốn đầu tư ở Trung Quốc ngày càng thấp. Các chuyên gia kinh tế ước tính, hiện tại Trung Quốc phải đầu tư khoảng 9 USD để tạo ra 1 USD tăng trưởng GDP, trong khi con số này chưa đến 5 USD cách đây 1 thập kỷ và chưa tới 3 USD vào những năm 1990. Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) của các doanh nghiệp tư nhân cũng đã giảm từ 9,3% ở thời điểm cách đây 5 năm xuống còn 3,9% hiện nay; ROA của khối doanh nghiệp nhà nước giảm từ 4,3% xuống còn 2,8%.

Cùng với đó, lực lượng lao động của Trung Quốc đang bị thu hẹp do tình trạng già hóa dân số và năng suất tăng chậm lại. Từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000, tăng trưởng năng suất đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng GDP Trung Quốc, nhưng trong thập kỷ vừa qua tỷ trọng đã giảm xuống còn chưa đến 1/6.

Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt được Mỹ?

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc từ đầu những năm 1980 đến trước đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Nước này đã phát triển từ một quốc gia có tỷ lệ dân nghèo đói cao trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ để giành vị thế lãnh đạo toàn cầu. Thậm chí có không ít dự báo về điều gọi là “Thế kỷ của Trung Quốc” với việc quốc gia này thay thế Mỹ thống trị nền kinh tế và chính trị thế giới.

Tuy nhiên, với sự sụt giảm lúc này, Trung Quốc đã không đóng góp gì vào mức tăng trưởng GDP toàn cầu trong 2 năm qua với mức tăng ước tính khoảng 113 nghìn tỷ USD. Đáng nói, đà suy giảm của kinh tế Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024 xuống 4,4% từ mức ước tính trước đó là 4,8%, với lý do những khó khăn dai dẳng trong nước như nợ tăng cao, thị trường bất động sản trượt dốc và dân số già đi. Đây là mức tăng trưởng chỉ khoảng một nửa so với mức trung bình trong 40 năm qua. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại vào khoảng 3,5% trong trung hạn, từ mức khoảng 5% trong năm nay, do những trở ngại về nhân khẩu học và tăng trưởng năng suất chậm lại.

Sự suy giảm nhanh của kinh tế Trung Quốc đã khiến giới chuyên gia phải nhìn nhận, đánh giá lại những dự báo trước đây về triển vọng trỗi dậy của nền kinh tế nước này. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) từng dự báo, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào 2028. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới đây, tổ chức này đã lùi thời điểm thêm 2 năm, tới năm 2030. Tỏ ra kém lạc quan hơn, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản nhận định, việc Trung Quốc vượt qua Mỹ sẽ không thể xảy ra cho đến năm 2033, muộn hơn 4 năm so với dự báo trước đó của họ. Một số tổ chức khác thậm chí còn hoài nghi khả năng vươn lên hạng nhất của của nền kinh tế số 2 thế giới.

Capital Economics dự báo, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 5% trong năm 2019 xuống còn 3% và sẽ giảm xuống quanh 2% vào năm 2030. Với tốc độ suy giảm này, Trung Quốc có thể sẽ không đạt được mục tiêu đặt ra vào năm 2020 là tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035. Điều đó có thể khiến Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo số liệu của WB, năm 2021, GDP tính theo USD của Trung Quốc bằng 77% quy mô của kinh tế Mỹ, tăng từ mức 13% vào năm 2001. Các nhà nghiên cứu của Capital Economics cũng cho rằng, kịch bản khả dĩ nhất là nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở rộng lên khoảng 87% quy mô của Mỹ vào năm 2030, trước khi giảm trở lại mức 81% vào năm 2050.

Nhìn nhận về tương lai kinh tế Trung Quốc, ông Adam Tooze - Giáo sư lịch sử của Đại học Columbia chuyên nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng kinh tế - nêu rõ: “Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi quỹ đạo đáng chú ý nhất trong lịch sử kinh tế”. Ông Ruchir Sharma nhìn nhận, tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc có thể định hình lại trật tự thế giới và cho rằng, tỷ trọng của kinh tế nước này trên toàn cầu sẽ không ngừng suy giảm mà Trung Quốc dù làm gì cũng không thể thay đổi được điều mà ông cho là: “Thời đại kinh tế hậu Trung Quốc”. Chủ tịch Rockefeller International cho rằng, “khoảng trống mà Trung Quốc để lại sẽ được lấp đầy bởi Mỹ và các quốc gia mới nổi khác” như Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Brazil…