Kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương: Du ca cùng kiến trúc

ANTD.VN - Tôi chỉ biết một Tạ Mỹ Dương kiến trúc sư, chứ không thể ngờ được rằng anh âm thầm viết lách từ mười mấy năm nay. Cho đến một ngày, cách đây chừng nửa năm, anh đưa tôi 3 tập bản thảo dày cộp, dễ cả nghìn trang kèm theo câu buông hờ hững: “Sách anh viết, cô có hứng thì đọc”...
Kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương: Du ca cùng kiến trúc ảnh 1

Đi đâu cũng vòng về Hà Nội

3 tập sách anh đưa cho, cũng chưa biết đọc cuốn nào trước cuốn nào sau, lật giở vài trang trong “Bên cạnh rong rêu”, tôi vấp phải câu chuyện về “Gánh hàng rong và ngôi  biệt thự”. Đó là một buổi sáng sớm ở Hà Nội, anh, một người con của phố, trở về nhà sau những ngày tháng dài lập nghiệp ở đầu kia của đất nước.

Chẳng vội gì mà dậy, cứ nằm dài nghe những tiếng lao xao bên ngoài vọng vào từ cửa sổ, tiếng đàn sẻ đập cánh trên cành nhãn già ngoài sân. Tiếng mặc cả bán mua, ì xèo chê đắt, tiếng thề thốt của chị bán hàng về hàng ngon, hàng rẻ… Tất thảy câu chuyện mà Tạ Mỹ Dương kể đã cuốn hút tôi.

Ngôn ngữ của anh không vội, cứ nhẩn nha kể, khiến người đọc cũng phải chậm rãi cùng anh. Hóa ra Tạ Mỹ Dương trong những tập tản văn kia là một con người đầy lãng mạn, ngôn ngữ vừa có âm thanh lại vừa giàu chất điện ảnh. Tôi đặc biệt thích những câu chuyện anh kể về Hà Nội, về ngôi biệt thự mà anh sinh ra và lớn lên ở phố Nguyễn Chế Nghĩa, một con phố khá đặc biệt trong số những “phố Tây” thời thuộc Pháp. 

Thực ra, Hà Nội của Tạ Mỹ Dương không rộng, chủ yếu diễn ra trong một ngôi nhà, về những thứ nhỏ nhặt trong sinh hoạt của một gia đình như số phận thăng trầm của chiếc cầu thang gỗ, những chiếc quạt trần cổ mà trăm năm rồi vẫn chạy tốt, hay một tay nắm cửa bằng sứ đúc tận Paris, cũng từ trăm năm trước.

Hà Nội còn đựng ký ức trong chiếc hộp sắt tây, chiếc hộp sống gần một vòng hoa giáp, ở đó có những chiếc cúc áo cứ dày lên theo năm tháng, có một mẩu gấu áo len mà tác giả bảo đó là bí mật, chôn giấu trong lòng. Tạ Mỹ Dương thường kể về những điều tưởng như nhỏ nhặt, nhưng lại là điển hình của Hà Nội một thời hào hoa.

Hà Nội của Tạ Mỹ Dương còn vòng quanh trên vài con phố, chạy ra Bờ Hồ, vòng về Bát Sứ uống cà phê, co ro trong áo trong khăn lên Yên Phụ ăn phở trong một sáng mùa Đông nào đó. Và xa hơn nữa, Tạ Mỹ Dương đưa người đọc chạy quanh những làng cổ ven hồ Tây, nơi bây giờ đang quyết liệt giằng xé chọn lựa, lên phố hay giữ làng. 

Những góc nhìn tinh tế, dịu dàng

Năm 1976, khi 20 tuổi, Tạ Mỹ Dương dứt áo rời Hà Nội nơi anh sinh ra và lớn lên vào Sài Gòn và lý do cho cuộc ra đi đó xem ra… “rất vớ vẩn”. Từ bé, anh mắc chứng hen, cứ cuối thu khi trời Hà Nội đỏng đảnh trở mình là anh ốm, ốm tràn qua cả mùa đông, sang đến mùa hè thì cắm đầu học, bù cho những ngày kèn cử nằm viện.

Có vẻ như số phận đã lập trình sẵn, cho cuộc ra đi đó và rồi hai thành phố ấy đã tạo nên một con người vừa có chất Hà Nội, vừa mang tính cách Sài Gòn. Hà Nội là cái gốc của con người cảm xúc, còn Sài Gòn tạo nên con người hành động, đấy là nền tảng tạo nên những gì anh có được, tạm gọi là thành công.

Đọc sách anh, tôi mạo muội đoán rằng, những năm tháng của tuổi 20, những ngày đằng đẵng xa Hà Nội, đằng đẵng nhớ về âm thanh cầu thang gỗ, nhớ cả cái mùa đông đáng ghét kia đã khiến cho người đàn ông Hà Nội này chất đầy nhung nhớ, để rồi sau này trong những chuyến rong ruổi từ Paris tới London, Buenos Aires hay bờ biển Caribe lộng gió… Tạ Mỹ Dương không chỉ kể cho người đọc nghe về cuộc đời của những công trình kiến trúc, số phận của những ngôi nhà, lối sống của chủ nhân với những góc nhìn vừa dịu dàng, vừa tinh tế mà còn khơi gợi nhiều chuyện  kiểu như “trông người mà ngẫm đến ta”.

Thực ra, thể loại du ký cho tới  nay không còn xa lạ gì với bạn đọc trong nước, xét về góc độ nào đó nó còn có phần bão hòa. Nhưng với riêng “Đá hát”, tập du ký kiến trúc của Tạ Mỹ Dương thì rất khác. Bởi lẽ, anh không chỉ thông qua kiến trúc kể về nền văn hóa của mỗi thành phố, mỗi quốc gia, điều thú vị là cách anh tiếp cận vấn đề không phải chỉ dừng ở “tôi đi, tôi đến, tôi thấy” mà còn đưa ra những góc nhìn so sánh nơi đến với Hà Nội và Sài Gòn.

Danh ngôn hay một thứ gì đại loại như thế từng bảo: “Mọi sự so sánh đều khập khiễng”, nhưng tôi lại thích cách so sánh của Tạ Mỹ Dương. Trong sự giao thoa của văn hóa phố cổ Hà Nội, nơi vừa hình thành khái niệm “ngã tư quốc tế” để chỉ tuyến phố Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến thì pizza hay nem rán đều có cái hay của nó. Với Sapa thì đương nhiên du khách muốn ngắm cái thị trấn trong mây nắng lên ngập sắc màu thổ cẩm hơn là những nhà hàng chỉ bán bít tết. Đọc “Đá hát” mới thấy những gì cũ kỹ đang tồn tại ở Hà Nội vừa hay lại vừa dở, nhưng hay hay dở đối với Tạ Mỹ Dương đâu có quá quan trọng, bởi tất cả những điều đó đều đã là một phần  không thể tách rời trong ký ức của chàng trai Hà Nội ngày nào. 

Hỏi Tạ Mỹ Dương, rốt cuộc phải hình dung thế nào về anh sau khi 3 tập sách vừa được NXB Trẻ phát hành là “Đá hát”, “Âm thanh cầu thang gỗ” và “Bên cạnh rong rêu”, anh lại thủng thẳng trả lời: “Cô cứ đọc đi thì biết, văn cũng như người”. Thì đúng, văn cũng như người, cuộc sống dưới ngòi bút của anh hiện lên chậm rãi, nhẩn nha đầy thú vị. 

“Đá hát”, “Bên cạnh rong rêu” và “Âm thanh cầu thang gỗ” là 3 tập sách dạng du ký kiến trúc, tản văn, truyện ngắn, cảm luận kiến trúc nhà ở và đô thị. Sách vừa được NXB Trẻ ấn hành