Kiến trúc độc đáo ở lăng đá tích lịch sử Quận công Nguyễn Thế Lai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Ngày 15-11, UBND xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Lăng đá Quận công Nguyễn Thế Lai.

Những tượng đá độc đáo ở khu di tích

Những tượng đá độc đáo ở khu di tích

Vào thế kỷ 17, khi nhà Lê quay trở lại quản lý Thăng Long và đất nước thì một loại hình kiến trúc lăng mộ được phát triển rầm rộ, có mặt ở nhiều nơi.

Quận công Nguyễn Thế Lai vốn là người có tiếng thơm ở trong triều đình, công danh vinh hiển. Ông luôn lấy sự nhân nhượng để tiếp đãi với người, lấy ơn huệ để ban cho đời, trừ diệt điều ác, thương xót những người cô quả, làm nhiều điều thiện nên mọi người kính nể, tôn ông làm hậu Thần.

Sinh thời, ông đã lấy tiền ruộng của mình ban cho dân làm ruộng hậu, ruộng thờ cúng nên ông được dân thờ phụng mãi mãi. Khi làm quan tới tuổi già, ông xin về hưu trí ở thôn Hạc Lâm, ông cho thợ đẽo đá, làm lăng.

Người dân trong huyện tại buổi lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử Lăng đá Nguyễn Thế Lai

Người dân trong huyện tại buổi lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử Lăng đá Nguyễn Thế Lai

Văn bia tọa lạc tại thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang dựng từ năm 1766, hiện còn ghi rõ tấm lòng công đức này của Quận công. Bia chép “Khi làm quan, Quận công Nguyễn Thế Lai nổi tiếng là người thanh liêm, hòa kính với mọi người, giàu lòng thương dân, luôn luôn quan tâm đến người dân quê nhà.

Khi đó, Nguyễn Thế Lai đã đã cấp cho bản xã 300 Quan tiền cổ và 3 mẫu ruộng tốt để thu hoa lợi chi dùng việc cung…”. Trong bia còn ghi rõ việc tế lễ Tứ quý kỳ phúc của dân tiến hành như thế nào và việc sắm lễ và phối hưởng ra sao cùng các nghi thức khác…

Kiến trúc lăng Quận công Nguyễn Thế Lai được bao quanh bởi 4 bức tường đá ong nâu với chiều dài 4 cạnh khoảng 15m, bề mặt tường rộng 40-50cm, cao khoảng 2m. Những khối đá ong hình chữ nhật xếp chồng lên nhau được gắn kết bằng loại vữa truyền thống trong vật liệu gắn kết xây dựng các công trình kiến trúc cổ.

Dẫn vào khu mộ phần được trổ cửa với hình thức mái vòm cao khoảng trên 1,4m. Trước mộ phần về hướng tây có một ban thờ cao 1,4 m rộng 1,5x1,5m cũng được làm hoàn toàn bằng đá ong nâu.

Lễ rước đón nhận Bằng di tích lịch sử Lằng đá quận công Nguyễn Thế Lai

Lễ rước đón nhận Bằng di tích lịch sử Lằng đá quận công Nguyễn Thế Lai

Phía trước ban thờ là 2 dũng sĩ cao khoảng 1,5m làm bằng chất liệu đá được tạc hết sức tinh xảo. Tay phải dũng sĩ cầm đao, tay trái để trước ngực thể hiện sự tôn kính với người đã khuất. Từ những họa tiết trên quần áo cho đến chi tiết trên khuôn mặt của 2 pho tượng này đều được chạm trổ hết sức tỉ mỉ và tinh tế.

Đặc biệt hơn nữa, hiện nay dòng họ Nguyễn Thế vẫn còn lưu giữa được 4 đạo sắc phong của triều đình nhà Lê ban cho Quận công Nguyễn Thế Lai năm Quý mùi (1763). Sắc phong có dấu đỏ của triều đình, được thể hiện trên nền giấy gió khổ 40x70cm. Hiện trạng của sắc phong dường như vẫn còn nguyên vẹn khi trải qua gần 300 năm thăng trầm của lịch sử.

Nội dung sắc phong thể hiện, trong thời gian cư quan nhậm chức 1763-1775, Quận công Nguyễn Thế Lai 3 lần được triều đình ban tặng chức tước, từ tước Bá đến tước Hầu rồi cao nhất là tước Công. Đặc biệt, năm 1775 ông được phong tặng 2 lần vì có công lao thảo Thanh Hóa, Sơn Tây và tuyên hưng đẳng đạo. Từ những chức tước đã từng được phong như vậy, Quận công Nguyễn Thế Lai được dự vào hàng Chánh tam phẩm và có rất nhiều bổng lộc và người hầu hạ.

Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử và văn hóa, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định xếp hạng Lăng Quận công Nguyễn Thế Lai là di tích lịch sử cấp tỉnh.