- Giáo dục, tuyên truyền để chuyển đổi nhận thức về môi trường
- Công an Hà Nội: Quyết liệt đấu tranh chống vi phạm pháp luật môi trường
- Đêm không ngủ, đánh úp "cát tặc" trên sông Hồng
Tới dự có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Linh mục Phạm Bá Quế, Giám đốc Caritas Tổng giáo phận Hà Nội; Mục sư Phùng Quang Huyến, Phó hội trưởng thứ hai, Tổng hội Thánh tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội đồng chủ trì hội thảo.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao đổi với các đại biểu dự hội thảo
Tham dự hội thảo còn có đại diện một số ban, bộ ngành của Trung ương; đại diện một số sở, ban, ngành của TP Hà Nội; đại diện các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP Hà Nội như Hội thánh Cao Đài ban chỉnh đạo, Hội đồng tinh thần tôn giáo Bahai Hà Nội, Cộng đồng hồi giáo Islam TP Hà Nội, Ban đại diện lâm thời Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Jesu Kito (Mặc môn) cùng một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà thực tiễn có kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường và các các văn nghệ sỹ, trí thức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nêu rõ, môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống con người, cho ta sự sống và là điều kiện để chúng ta tồn tại và phát triển tuy nhiên trong nhiều thập niên trở lại đây, nhân loại phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng mang tính toàn cầu trong khi hiệu quả bảo vệ môi trường còn chưa cao, tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo
“Hội thảo khoa học nhằm nghiên cứu, trao đổi, thảo luận tìm ra các giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô. Do đó đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung đánh giá đúng thực trạng tình hình ô nhiễm môi trường, tìm ra nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, các tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt là đề xuất các giải pháp đảm bảo tính khả thi, có hiệu quả thiết thực, gần gũi, tiết kiệm đối với công tác bảo vệ môi trường ở Thủ đô trong thời gian tới” - Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nhấn mạnh.
Với sự phản ánh hiện thực khách quan, 10 tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo được lựa chọn từ 60 tham luận gửi tới Ban tổ chức đã tập trung vào một số nội dung phân tích, trao đổi, đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực trạng môi trường thành phố;
Công tác bảo vệ môi trường do các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức tôn giáo, các cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thực hiện, nêu bật vị trí, vai trò của các cấp, các ngành, Công an thành phố và các tôn giáo trong việc tổ chức, vận động nhân dân xây dựng các phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô.
Đánh giá, phân tích tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; dự báo, đánh giá về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tiếp tục tác động, đe dọa trực tiếp đến nhân loại, đến Việt Nam, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, những thuận lợi, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng.
Đại diện 5 tổ chức đồng chủ trì hội thảo cùng ký kết chương trình hành động bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2025
Tham mưu, kiến nghị, đề xuất những giải pháp tổng thể, cụ thể trong đó, chú trọng các giải pháp về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế phối hợp, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức tôn giáo và toàn thể quần chúng nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Kết luận hội thảo, ông Vũ Hồng Khanh khẳng định hội thảo đã góp phần cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường Thủ đô xanh sạch đẹp trong tình hình mới tầm nhìn 2025.
Để sử dụng hiệu quả kết quả của hội thảo, Ban tổ chức đề nghị bộ phận thường trực hội thảo phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nhanh chóng xây dựng báo cáo kết quả hội thảo các chủ đề mà hội thảo đã đề cập, triển khai các chương trình, kế hoạch công tác bảo vệ môi trường trong đó xác định bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp phát triển kinh tế xã hội, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng tới việc nâng cao nhận thức, tiếp tục hành động tự giác, tích cực của cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ Đảng viên, các vị chức sắc, giáo sỹ, chức việc, các tín đồ tôn giáo và toàn thể nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Cũng tại hội thảo, thay mặt nhân dân Thủ đô, ông Vũ Hồng Khanh cũng đã kêu gọi hưởng ứng chương trình hành động bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2025.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân:
Tôi đánh giá cao và ủng hộ sáng kiến của CATP Hà Nội phối hợp với MTTQ TP và các tôn giáo trên địa bàn TP tổ chức hội thảo “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới, tầm nhìn 2025” trong đó có đặt mục tiêu tầm nhìn 2025, khẳng định Ban tổ chức đã có sự suy nghĩ đầu tư lâu dài hướng tới mục tiêu vì môi trường trong tương lai.
Hà Nội hiện có gần 8 triệu dân, vấn đề ô nhiễm không khí từ các khu công nghiệp, làng nghề và từ chính người dân đã trở thành một vấn đề bức xúc hiện nay. Trong 10 năm tới, Hà Nội sẽ có sự phát triển cả về dân số, doanh nghiệp và đương nhiên trong đó có chất thải. Thông qua hội thảo, các tham luận đặc biệt của các tổ chức tôn giáo, nhân dân đã khẳng định vai trò của nhân dân trong quản lý môi trường.
Lấy một ví dụ đơn giản, Hà Nội có số doanh nghiệp lớn, một năm Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường được khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp nhưng trong khi đó, Hà Nội hiện có gần 180.000 doanh nghiệp.
Nếu kiểm tra hết số này phải mất gần 90 năm (!), đó là điều không ai có thể làm được. Song nếu như có giám sát của nhân dân, chúng ta có thể thanh tra, kiểm tra đúng, trúng các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong lĩnh vực môi trường.
Do đó để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, theo tôi các tổ chức đoàn thể phải làm tốt chức năng giám sát của mình. Trên các khu vực có nguy cơ vi phạm môi trường, các tổ chức đoàn thể thành viên phải có sự giám sát việc gây ô nhiễm môi trường và việc làm này phải kéo trong thời gian nhiều năm, thường xuyên liên tục.
Có thể phân công liên đoàn lao động giám sát cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; hội nông dân giám sát hộ gia đình, làng nghề; giao thành đoàn vận động thanh niên giám sát các hộ gia đình đổ rác thải tại khu dân cư, điểm tập kết rác thải, hình thành nơi xử lý phân tán rác thải; Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật giao giám sát nước sông, nước hồ, khó bụi ô nhiễm.
Hội Y học TP Hà Nội giám sát rác thải y tế của các bệnh viện, trung tâm y tế. Hội CCB, lực lượng Công an giám sát việc khai thác cát, khoáng sản lòng sông. Hội LHPN giám sát vi phạm môi trường tại các chợ. Phải có sự phân cấp, có quy trình giám sát. Theo đó người dân giám sát tại nơi mình sinh sống, thông tin đến bộ phận giám sát, tổ chức phụ trách sẽ phân tích, nếu phát hiện sai phạm sẽ báo cáo thanh tra, kiểm tra để có chế tài xử lý phù hợp.
Mỗi người dân là một nguồn xả thải, muốn giảm ô nhiễm môi trường phải hướng dẫn người xả thải đúng quy định, mỗi người dân là một cảm biến xã hội về môi trường, tham gia vào việc bảo vệ môi trường. Thông qua các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền đến người dân, làm thế nào mỗi doanh nghiệp phải có giám đốc, người quản lý vì môi trường.
Tôi rất mong muốn sau hội thảo có 5 cơ quan tổ chức hội thảo sẽ có chương trình hành động cụ thể vì một môi trường xanh của Thủ đô, có sơ kết, tổng kết đánh giá hàng năm để kiểm tra lại kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức đoàn thể, tôn giáo vì mục tiêu bảo vệ môi trường.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung:
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội tôi biểu dương sáng kiến của CATP đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP tổ chức hội thảo về bảo vệ môi trường. Trong chiến lược phát triển của TP từ năm 1995-1996 đã đưa ra mục tiêu phát triển xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, chính vì vậy hiện nay việc cùng chung tay xây dựng định hướng phát triển cho nền kinh tế tăng trưởng xanh trong đó có môi trường xanh là nội dung rất cần thiết và bức thiết.
Về thực trạng môi trường của TP Hà Nội, liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường chất thải rắn, Hà Nội hiện có trên 7,5 triệu người, hàng ngày thải ra khoảng 8-10 nghìn tấn rác thải ngày, chỉ có khoảng 5% là được chôn lấp; tỷ lệ rác chưa được thu gom vẫn rất lớn, khu vực nội thành không thu gom hết 100% còn khu vực ngoại thành chỉ thu gom được khoảng 80%; chưa tính đến rác thải công nghiệp; nước thải sinh hoạt qua xử mới đạt khoảng 17-18%.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 920 trang trại nuôi gia súc, gia cầm, tuy nhiên mới 1/5 số trang trại nước xả thải được xử lý còn lại là thoàn toàn chôn lấp hoặc xả thải, tình trạng ô nhiễm các dòng sông, nước ngầm, làng nghề ở mức đáng báo động...
Toàn thành phố có trên 1.700 hồ, tình hình ô nhiễm trầm trọng, nước rỉ rác tại khu vực bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn cũng ô nhiễm trầm trọng. Bên cạnh đó là ô nhiễm không khí từ xả thải từ ô tô, xe máy quá cũ nát, từ công trường xây dựng, đốt rơm rạ theo mùa… Từ ô nhiễm không khí, nước, rác thải… nếu không giải quyết thì chắc chắn không thể phát triển bền vững.
Do vậy mục tiêu thành phố đưa ra là nâng cao chất lượng sống cho người dân, xây dựng Hà Nội xanh, sạch, văn minh, hiện đại, văn hiến là mục tiêu lâu dài.
Do đó để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thành phố đang triển khai và dự kiến đầu tháng 12 có 10 trạm quan trắc tự động, hàng ngày sẽ thông báo tất cả tình hình ô nhiễm không khí cho người dân môi trường xung quanh mình, lắp trạm quan trắc nước. Bên cạnh đó, thành phố sẽ lắp 40-50 trạm quan trắc nước tại các ao hồ.
Liên quan giải pháp làm sạch không khí, thành phố đưa ra giải pháp vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài là chương trình phát triển trồng một triệu cây xanh, phấn đấu đạt 10m2/cây xanh thì nhiệt độ Hà Nội sẽ giảm khoảng 1,2 độ C. Cho đến giờ này thành phố đã trồng gần 150 nghìn cây xanh. Khuyến cáo, thanh loại dần ô tô xe máy quá đát, quá hạn. Tập trung cơ giới hóa toàn bộ công tác thu gom xử lý rác thải bao gồm hút bụi sẽ giảm ô nhiễm không khí.
Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải nhà hàng, rác thải bệnh viện sẽ đốt 100%. Thành phố đang cố gắng đến đầu tháng 1-2017 khởi công nhà máy đốt rác điện đầu tiên công suất 2.000 tấn/ngày đêm, phấn đấu đến đầu 2020 có 3 nhà máy đốt rác. Xây dựng lại quy hoạch toàn bộ nước sạch, theo tiêu chí nước sạch người dân uống được tại vòi, hiện việc này đang thí điểm tại Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sóc Sơn...